Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại An Giang

Cập nhật: 10-03-2010 | 00:00:00

Đêm 9-3 khai mạc hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) mở màn bằng điệu múa của đoàn nghệ thuật Vương quốc Campuchia. Từ ngã ba rẽ vào đại học An Giang, dài hơn 500m, về đêm thường vắng nhưng nay đột nhiên đông đúc lạ thường.

 

Trong dòng người đi vào, có người chọn cách gửi xe từ đầu đường, đi bộ vào. Trong dòng người đi ra, không ít người tay mang, tay xách.

 

 Bà Chumteav Oknha Keo Maly, phó chủ tịch hiệp hội Thương mại Vương quốc Campuchia (thứ hai từ trái sang) tại hội chợ.

Không chỉ là sự kiện của An Giang

 

Với những doanh nghiệp mười năm tham dự hội chợ tại An Giang, sức cuốn hút của hội chợ mang biểu tượng chữ V không phải là lạ. Mười năm trước đã vậy. Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), ví von rằng, khá đông người dân đồng bằng tìm đến hội chợ để gặp những người quen thân trong các năm qua trong kỳ gặp định kỳ hàng năm. Nay doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải gắng sức nhiều hơn cho xứng với niềm tin ấy, nhất là khi nhãn hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao trở thành nhãn hiệu được bảo hộ theo luật Sở hữu trí tuệ mới.

 

Chính vì vậy mà bà Vũ Kim Hạnh giới thiệu cách nghĩ mới về hàng Việt Nam chất lượng cao. Bà giải thích: “Hàng chất lượng cao không chỉ có doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ chất lượng cao mà nay có thêm đặc sản làng nghề”. Nghĩ như vậy, sẽ thấy các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hay rộng hơn là cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt không chỉ có dòng hàng hoá đưa về từ đô thị mà còn là những chuyến hàng đưa đặc sản làng nghề ra phố thị. Bà Nguyễn Thị Hồng, phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận xét rằng, nét mới trong chuỗi hội chợ năm nay là những chuyến xe hàng Việt kết nối đại lý, doanh nghiệp, người dùng và làng nghề.

 

Đêm khai mạc hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2010 tại An Giang năm nay mở màn bằng điệu múa do năm vũ công của đoàn nghệ thuật Vương quốc Campuchia trình diễn. Ngồi ở hàng ghế đầu, cạnh lãnh đạo tỉnh An Giang, lãnh đạo TP.HCM, là ông Chhit Sokhun, chủ tịch hội đồng tỉnh Takeo và bà Chumteav Oknha Keo Maly, phó chủ tịch hiệp hội Thương mại Campuchia.

 

Không phải ngẫu nhiên mà các vị khách láng giềng lặn lội tới Long Xuyên để tham dự lễ khai mạc hội chợ HVNCLC lần này. Chưa đầy một tháng sau hội chợ An Giang, các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ có cơ hội gặp mặt người tiêu dùng Campuchia.

 

Ngay sau lễ khai mạc, các doanh nghiệp HVNCLC đã có cuộc gặp và trao đổi với các doanh nghiệp Campuchia. Ông Đặng Chí Hùng, đại diện công ty Kim Hằng cho biết đang tìm nhà phân phối cho thị trường Campuchia. Kim Hằng sẽ cung cấp sản phẩm với chất lượng tốt nhất, giá rẻ hơn cả thị trường Việt Nam.

 

Các doanh nghiệp nước giải khát, hoá mỹ phẩm... đều có ý kiến gần giống nhau về việc đề nghị phía Campuchia hỗ trợ khâu phân phối, tiêu thụ và phía doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ khâu giá cả, chi phí tiếp thị. Tại cuộc gặp, các doanh nghiệp Campuchia cũng tỏ ra rất thiện ý hợp tác.

 

Mười năm trước, trong lần ra mắt người tiêu dùng tứ giác lúa Long Xuyên, hội chợ HVNCLC đã được xác định ba hướng chính là phát triển thị trường nội địa, nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam và xúc tiến thương mại sang các nước láng giềng, cụ thể là Campuchia. Ông Nguyễn Ngọc Em, giám đốc trung tâm Xúc tiến thương mại – đầu tư – du lịch tỉnh An Giang tự tin nói: “Sự hiện diện của bà Chumteav Oknha Keo Maly, phó chủ tịch hiệp hội Thương mại Vương quốc Campuchia, ông Chhit Sokhun, chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh Takeo và ông phó tỉnh trưởng tỉnh Takeo Lay Vanna là sự bảo đảm cho những giá trị hợp tác trong mười năm tới hay hơn nữa”.

 

Băn khoăn và vỡ vạc

 

Mua bán xuyên biên giới cần tầm nhìn, ông Nguyễn Ngọc Em nói: “Có lúc tụi tui xễ mình vì người ta nói gạo ngoại từ Campuchia tràn qua An Giang. Đâu có ai biết, người Campuchia nói cho họ bán gạo qua Việt Nam đi vì bên đó không có điện, không xay chà được. Họ bán lúa qua Việt Nam, mua gạo từ Việt Nam về ăn cũng được chứ?” Không chỉ như vậy, họ mua máy móc,thiết bị, hàng tiêu dùng từ Việt Nam về.

 

Ông Bảy Nhị (Nguyễn Minh Nhị), nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, một trong những nhân vật lịch sử tạo ra chuỗi hội chợ HVNCLC nói: “Mình có nhiều cái được, nhưng có làm ruộng, nuôi cá, mới thấy còn nhiều cái chưa được. Làm nghề nông, muốn ưu tiên hàng Việt lắm chớ nhưng nhà tôi có tới hai cái máy nổ của Trung Quốc. Không thích cũng phải mua vì những món này trong nước làm không tiện dụng và giá cạnh tranh như của người ta. Ưu tiên hàng nội, phải tính tới chính sách quốc gia”.

 

Biên giới Campuchia – Việt Nam ngày nay có sự tham gia của thương nhân Thái. Khi câu chuyện của một người nói về gạo Sóc thì người khác có câu chuyện 1kg gạo Thái 30.000 đồng, trong khi gạo Việt Nam giá không tới 1/3. Người bán chỉ lời 1.000 đồng/kg. Tiểu thương chấp nhận bỏ ra 29.000 đồng để lời một đồng. Đó cũng là một thái độ kinh doanh táo bạo. Chị Hồng, tiểu thương nói: “Dịp tết, người ta mua gạo này làm quà. Chỉ vài tấn gạo “mồ côi” bên đất Thái đi lạc sang Việt Nam nhưng thể hiện thương nhân Campuchia biết đáp ứng nhu cầu mua gạo ngon làm quà của người Việt Nam.

 

Câu chuyện vài tấn gạo mồ côi cũng là bài học thị trường doanh nghiệp cần xem xét.

 

Theo SGTT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên