Hội Chữ thập đỏ huyện Dĩ An: Xây dựng cơ sở hội vững mạnh toàn diện

Cập nhật: 27-12-2010 | 00:00:00

Công tác xây dựng cơ sở hội vững mạnh toàn diện là việc làm thường xuyên và rất quan trọng của các cấp bộ hội (từ chi, tổ hội trở lên) thuộc Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Dĩ An. Ông Từ Anh Tuấn, Chủ tịch Hội CTĐ huyện lý giải: “Tổ hội có mạnh thì chi hội mới mạnh, chi hội có mạnh thì hội cơ sở mới mạnh, hội cơ sở mạnh thì hội cấp huyện mới mạnh. Chính vì vậy, Hội CTĐ huyện Dĩ An xác định việc xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện là việc làm hết sức cấp bách và cần thiết. Bởi vì, hội có mạnh mới có đủ uy tín, nguồn lực để thực hiện vai trò, nhiệm vụ, tạo điều kiện cho hội hoàn thành sứ mệnh nhân đạo cao cả của mình”...

  Hội CTĐ huyện Dĩ An đến thăm và tặng quà cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng sau đợt lũ lụt vừa quaĐể làm được điều đó, vấn đề mà Hội CTĐ huyện Dĩ An quan tâm đầu tiên là công tác tổ chức cán bộ. Ông Từ Anh Tuấn, cho biết: “Vấn đề là ở con người. Cần phải có con người thật tốt, chịu thương, chịu khó, gắn bó với phong trào, hết lòng với công việc và có điều kiện một chút về kinh tế gia đình. Và đội ngũ cán bộ ở các cấp cơ sở phải từng bước được trẻ hóa”. Tuy nói đơn giản là thế nhưng khi bắt tay vào công việc rồi mới gặp không ít khó khăn. Các cô, các chú tuổi cao sức yếu nhưng vẫn nhiệt tình với phong trào, chưa an tâm bàn giao nhiệm vụ cho lớp trẻ. Ngược lại, lớp trẻ thì cho rằng Hội CTĐ là tổ chức nhân đạo xã hội, không phải là tổ chức cho tuổi trẻ ngắm đến. Do đó Ban chấp hành (BCH) Hội CTĐ Dĩ An phải ra sức tuyên truyền, tìm những người có tâm huyết với phong trào CTĐ để vận động họ tham gia vào hội. Bằng sự nhiệt tình của mình, những cố gắng của BCH cuối cùng cũng được đền đáp. Kết quả, từ Huyện hội đến hội cơ sở ở 7/7 xã, thị trấn và 24 trường phổ thông trên địa bàn huyện đều có cán bộ trẻ trong BCH.

Sau khi đã giải quyết được vấn đề con người, BCH Huyện hội lại bắt tay vào việc định hướng hoạt động cho cơ sở hội. Điều quan trọng nhất được Huyện hội đặt ra là nguồn quà và kinh phí để duy trì các chương trình hoạt động của hội. Các cơ sở cũng tổ chức điều tra số lượng đối tượng thuộc diện Hội CTĐ quản lý, chăm sóc để có kế hoạch chăm lo cho các đối tượng này. Để có nguồn quà và kinh phí hoạt động, hội đã tập trung vận động, phát triển mạnh mô hình câu lạc bộ Những người tình nguyện (CLB NNTN) làm công tác nhân đạo cấp huyện và cơ sở; đồng thời, tổ chức các CLB NNTN hoạt động ngày một hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của hội trong công tác nhân đạo từ thiện - xã hội. Từ thành công của mô hình CLB NNTN đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội thực hiện tốt các mô hình tiếp theo như: xây nhà tình thương, cứu trợ thường xuyên, cứu trợ đột xuất, chăm lo đối tượng nghèo, chăm lo các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, cho lo phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng... Một số mô hình khác cũng được hình thành để hỗ trợ thêm nguồn lực cho các CLB NNTN hoạt động như: nuôi heo đất, thùng tiền nhân đạo, hũ gạo tình thương... đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của nhiều cá nhân, tập thể.

Song song đó, BCH Huyện hội cũng đã chỉ đạo các hội cơ sở thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bằng các mô hình thiết thực như: chương trình mổ mắt đục thủy tinh thể, khám bệnh nhân đạo, hình thành các điểm khám nhân đạo Đông Tây y, các chốt sơ cấp cứu và đội xe máy cứu thương ở các xã, thị trấn lần lượt ra đời và hoạt động ngày một hiệu quả. Huyện hội còn mời gọi các phòng khám, các y - bác sĩ trong và ngoài huyện tham gia hỗ trợ, khám và điều trị miễn phí cho nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Không chỉ chăm lo cho các đối tượng trong huyện, Hội CTĐ huyện Dĩ An còn tổ chức nhiều chuyến cứu trợ đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh khác, các trại phong, trung tâm nuôi dưỡng người già...

Ông Từ Anh Tuấn nhận định: “Trong quá trình thực hiện những mô hình trên, BCH hội từ huyện đến cơ sở vừa tổ chức thực hiện, vừa học hỏi rút kinh nghiệm, dần dần đưa các phong trào của hội ngày một phát triển. Những việc làm thiết thực của hội trong thời gian qua đã đi vào lòng dân, được nhân dân đồng tình, từ đó tự nguyện tham gia sinh hoạt ngày một đông hơn, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện cũng đến với các CLB NNTT... ngày càng nhiều hơn, đóng góp nguồn kinh phí đáng kể cho quỹ nhân đạo để hội hoạt động. Những cá nhân đã ủng hộ kinh phí cho quỹ nhân đạo một lúc 10 - 60 triệu đồng; nhiều doanh nghiệp ủng hộ từ 20 - 100 triệu đồng. Nói lên điều này để thấy rằng, Hội CTĐ huyện Dĩ An đã thực sự gần gũi với nhân dân và luôn được nhân dân ủng hộ”.

Tính đến cuối năm 2010, toàn huyện có 32 cơ sở hội, với 87 chi hội và 23.204 hội viên tham gia sinh hoạt. Bên cạnh đó, hội còn thành lập 54 đội thanh thiếu niên CTĐ xung kích, thu hút 998 đội viên tham gia; 7 đội hiến máu tình nguyện với 216 thành viên và 7 đội hiến máu dự bị với 70 thành viên; 8 CLB NNTN với 220 thành viên; 7 đội xe máy cứu thương với 135 thành viên và 68 chốt sơ cấp cứu được phân bố đều khắp các địa bàn khu, ấp và các trục lộ giao thông thường xảy ra tai nạn.

Nguồn quỹ nhân đạo hoạt động thường xuyên trên toàn huyện đạt 500 triệu đồng. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác xã hội năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2005, tổng giá trị công tác chăm sóc sức khỏe và xã hội (không tính mô hình tương trợ vốn) đạt gần 872 triệu đồng. Đến năm 2010, đã tăng lên gần 2,5 tỷ đồng.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên