(BDO) Hỏi: Tôi nhập ngũ tháng 11-1972, xuất ngũ tháng 8-1977, chuyển về công tác ở một trường THPT dân lập và tham gia BHXH từ tháng 1-1998. Tháng 6-2013, trường giải thể, tôi nghỉ việc nhưng không được hưởng chế độ hưu trí do chưa đủ 20 năm đóng BHXH. Xin hỏi, khoảng thời gian từ tháng 11-1977 đến tháng 8-1992 tôi chưa được thanh toán trợ cấp BHXH 1 lần thì có được cộng dồn để tính hưởng chế độ hưu trí không? Nếu được, tôi có được truy lĩnh lương từ tháng 1-2014 và hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu không?
NGUYỄN THỊ H. (TP.Thủ Dầu Một)
Trả lời: Với thời gian công tác và hồ sơ hiện có do bà cung cấp cho cơ quan BHXH thì tại thời điểm tháng 8-1992, bà chuyển công tác đến trường học không phải cơ quan Nhà nước, không có quyết định thuyên chuyển công tác, nên thời gian công tác trước tháng 9-1992 chưa có cơ sở để tính hưởng BHXH.
Tháng 2-2015, căn cứ quy định tại Nghị định số 153/2013/NĐ-CP ngày 8-11-2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19-4-2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân và hồ sơ đề nghị cộng nối thời gian công tác trong quân đội của bà, BHXH tỉnh đã cộng bổ sung thời gian tham gia quân đội từ tháng 11-1972 đến tháng 4-1977 vào thời gian làm việc từ tháng 1-1998 đến tháng 2-2014, tổng thời gian tính hưởng BHXH là 20 năm 8 tháng. Tháng 4-2015, bà lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ hưu trí, BHXH tỉnh đã giải quyết để bà hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 1-3-2014.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật BHXH thì người lao động đã đóng BHXH trên 30 năm đối với nam, trên 25 năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài hưởng lương hưu còn được hưởng trợ cấp 1 lần. Bà có thời gian đóng BHXH là 20 năm 8 tháng, không thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu.
Hỏi: Công ty của tôi có 1 trường hợp người lao động đã tham gia BHXH ở tỉnh khác và nay có nguyện vọng nghỉ việc. Công ty làm thủ tục chốt sổ BHXH cho người lao động nhưng cơ quan BHXH không chấp nhận, lý do là ngày sinh của người lao động không tồn tại (ngày 31-6). Khi kiểm tra lại hồ sơ gốc thì các giấy tờ của người lao động đều ghi ngày sinh là 31-6. Hiện tại người lao động không còn làm việc ở công ty nữa và công ty không thể liên lạc với người lao động. Vậy, trường hợp này công ty phải làm thế nào để có thể chốt được sổ BHXH?
TRẦN THỊ M.P. (TX.Thuận An)
Trả lời: Trường hợp bà hỏi nếu người lao động có ngày tháng sinh ghi không đúng theo lịch hiện hành thì người lao động phải đến cơ quan tư pháp để đăng ký lại giấy khai sinh theo quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 21- 12-2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch. Khi có hồ sơ cá nhân đầy đủ theo quy định của pháp luật thì liên hệ với cơ quan BHXH nơi người lao động đang tham gia BHXH cùng sổ BHXH để được điều chỉnh lại ngày tháng sinh trên sổ BHXH và chốt sổ.
P.V