Hội khuyến học: Nơi ươm mầm cho những ước mơ

Cập nhật: 07-09-2016 | 06:21:46

 Khuyến học - khuyến tài (KH-KT), xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Và hội khuyến học chính là nơi ươm mầm cho những ước mơ được học tập của học sinh (HS) nghèo. Nhiều năm qua, từ sự chung tay góp sức của hội khuyến học các cấp, nhiều HS nghèo hiếu học tiếp tục được đến trường. Qua đó góp phần cùng với ngành giáo dục - đào tạo tạo ra nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 Khuyến học - khuyến tài

KH-KT là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Từ bao đời nay, dù giàu hay nghèo cha mẹ cũng mong muốn con được học tập để được đổi đời và giúp ích cho đất nước. Ngày nay, con đường học tập của các em đã không còn gập ghềnh trắc trở, vì đã được sự chung sức chăm lo của toàn xã hội. Những lần tham dự lễ trao học bổng cho HS nghèo hiếu học, chúng tôi đã cảm nhận đầy đủ được ý nghĩa của chương trình. Nhiều em hoàn cảnh còn nghèo khó nhưng các em rất giàu ước mơ, luôn khát khao được học tập, nhiều em trong số ấy có thành tích học tập tốt. Được các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhà hảo tâm dang rộng vòng tay yêu thương, chia sẻ, các em thêm vững tin tiếp bước đến trường. Em Đặng Thái Anh, là HS của trường THCS Phú Cường (TP. Thủ Dầu Một) tâm sự, từ nhỏ em đã sống với ông bà ngoại. Ông bà em làm thuê làm mướn, cuộc sống rất khó khăn. Dù gia đình nghèo nhưng em cố gắng học tập. Mấy năm qua em được xét học bổng, giúp em trang trải tiền chi phí học tập, sách vở, quần áo.

Đại diện Hội Khuyến học trao học bổng cho HS-SV nghèo hiếu học

Ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch Hội khuyến học chia sẻ, chăm lo cho sự nghiệp GD-ĐT là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, trong đó khuyến học là việc làm hết sức ý nghĩa, vì vậy mọi người dân trong xã hội đều quan tâm đến việc này. Quỹ học bổng KH-KT là một trong những nội dung trọng tâm của công tác khuyến học. Quỹ được hỗ trợ từ rất nhiều nguồn của các công ty, xí nghiệp, các cơ quan đơn vị, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, giúp HS - sinh viên (SV) nghèo hiếu học, học giỏi, con em các gia đình chính sách có nguy cơ nghỉ bỏ học được tiếp tục đến trường.

Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ vừa qua (2009-2015), hội khuyến học các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quyên góp được hơn 240 tỷ đồng để hỗ trợ học bổng, tặng quà cho hơn 100.000 lượt HS-SV và gần 6.000 lượt giáo viên. Nhiều giải thưởng được triển khai tốt như: giải thưởng Hồ Văn Mên, Đoàn Thị Liên, quỹ “Tài năng trẻ” dành cho HS-SV. Chương trình học bổng khuyến học “Vì ngày mai phát triển”, chương trình “Tiếp sức đến trường”… và nhiều loại quỹ khác được thành lập đã giúp HS vượt qua khó khăn để học tập tốt.

Xây dựng xã hội học tập

Cùng với KH-KT, phong trào xây dựng gia đình hiếu học (GĐHH), dòng họ hiếu học (DHHH) cũng được đẩy mạnh. Phong trào này thể hiện truyền thống hiếu học, quý trọng nhân tài và tôn sư trọng đạo của dân tộc. Đến nay, toàn tỉnh có 79.895 hộ gia đình đạt danh hiệu GĐHH, huyện, thị nào cũng có dòng họ đăng ký DHHH với 113 dòng họ. Theo ông Trần Hiếu, sự phát triển các GĐHH, DHHH là tiền đề vững chắc để tỉnh thực hiện thành công đề án: “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Các gia đình và dòng họ đã ý thức được rằng, việc đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho “con đường tri thức”. Do đó, việc tạo điều kiện, chăm lo cho con em được học tập là một trong các tiêu chí mà các GĐHH và nhân dân trong tỉnh phấn đấu.

Để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, các trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) đã ra đời và hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu. Đến nay tất cả các xã, phường trong tỉnh đều có trung tâm HTCĐ. Để người người đều được học tập bằng nhiều hình thức khác nhau, các trung tâm đã mở nhiều lớp học theo từng chủ đề, theo thời vụ và theo nhu cầu của nhiều đối tượng nhân dân trong cộng đồng. Cụ thể như, tổ chức nói chuyện các chuyên đề về truyền thống, học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, luật bình đẳng giới, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, dạy phổ cập cho trẻ lang thang cơ nhỡ… Trong nhiệm kỳ vừa qua, các trung tâm đã tổ chức được 16.164 lớp học với 5.022.407 lượt người dự. Có thể nói, hoạt động của các trung tâm HTCĐ rất thiết thực, là khâu đột phá trong việc hình thành mô hình giáo dục mở, tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người.

 Ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học: Nhiệm kỳ qua, công tác KH-KT, xây dựng xã hội học tập vẫn là tôn chỉ, mục đích của hội khuyến học các cấp. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân địa phương và các doanh nghiệp ngày càng quan tâm và tạo điều kiện nhiều hơn, giúp hội khuyến học làm tốt công tác của mình, nhằm xây dựng địa phương thành một xã hội học tập, giúp HS-SV nghèo, hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục học tập nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trước xu thế hội nhập của nước ta vào nền kinh tế thế giới.

 

HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X