Hồi ký của cựu Thủ tướng Tony Blair

Cập nhật: 07-09-2010 | 00:00:00

Trong cuốn hồi ký của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair với tựa đề “Tony Blair: A Journey” (tạm dịch: “Tony Blair: Một cuộc hành trình), ông tự cho mình là người có tầm nhìn xa trông rộng khi nhìn nhận mối đe dọa khủng bố từ các phần tử Hồi giáo cực đoan. Ông cũng muốn kéo dài thời gian làm thủ tướng vì chính phủ của Tổng thống George W. Bush lúc đó “rất nghi ngờ” về người kế nhiệm ông Blair - ông Gordon Brown. Trước thời điểm cuốn hồi ký phát hành vào ngày 1-9, đã có một số chi tiết được tiết lộ.

 

Cuốn hồi ký phát hành ở London còn tác giả của nó đang ở cách đó hàng ngàn kilômét khi chuẩn bị làm nhà trung gian hòa giải cho cuộc đàm phán hòa bình giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

 

Mối quan hệ khó khăn với người kế nhiệm

 

Tâm điểm trong cuốn hồi ký tạo nên cơn sốt trong dư luận là những đoạn giải thích về mối quan hệ khó khăn với Bộ trưởng Tài chính và là người kế nhiệm, ông Gordon Brown. Ông Blair cho biết, ông Brown đã gây áp lực cá nhân không thương tiếc lên ông trong lúc còn ở số 10 phố Downing, đến mức có lúc ông đã xem xét đến việc cách chức ông Brown nhưng không tìm thấy người có thể thay thế.

 

Cuối cùng ông tin rằng, nên để ông Brown “ở lại nhưng bị kềm chế” bởi cách chức còn nguy hiểm hơn. Ông Blair mô tả ông Brown thiếu bản năng chính trị và là một người “gây khó chịu”, một chính trị gia tầm thường. Ông Blair cũng cho rằng ông Brown là người có óc phân tích.

 Mối quan hệ khó khăn với người kế nhiệm Gordon Brown (phải) chiếm phần lớn nội dung của cuốn hồi ký.

Ông viết: “Thất bại của tôi (trong việc cách chức Brown) là thiếu can đảm… bởi vì tôi tin, không phải hoàn toàn rằng ông ấy có thể là một thủ tướng tốt cho nước này”. Ông Blair cũng đã quy trách nhiệm cho ông Brown để thua trước đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử đầu năm 2010 vì không thực hiện việc cải cách Công đảng theo hướng mới mà ông đã đề ra.

 

Tiết lộ đăng trên tờ The Sunday Telegraph cho biết, Tổng thống Mỹ Bush nghi ngại ông Brown không theo đường lối của Mỹ nên tìm cách ủng hộ ông Blair ở lại chức vụ lâu hơn nhằm gầy dựng sự nghiệp cho ông David Miliband (sau này là ngoại trưởng trong chính phủ của ông Brown) làm người kế nhiệm.

 

Trợ lý của ông Bush lúc đó cũng nói rõ rằng, Tổng thống Mỹ sẽ gặp “nhiều vấn đề lớn” nếu làm việc với ông Brown vì ông này đã “rao giảng” với Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Condoleezza Rice về chính sách của Mỹ đối với vấn đề viện trợ và phát triển cho châu Phi.

 

Sau sự kiện này, ông Blair tỏ dấu hiệu cho thấy ông muốn ở lại chức vụ ít nhất là đến năm 2008, năm bầu cử ở Mỹ. Tuy nhiên, một cuộc “đảo chính” của lực lượng ủng hộ ông Brown đã buộc ông phải từ bỏ kế hoạch của mình và từ chức vào tháng 6-2007. Quả thực sau khi nhậm chức thủ tướng, ông Brown cho thấy ông tỏ ra độc lập hơn với Mỹ so với người tiền nhiệm.

 

Diana, Alastair Campbell, Afghanistan và uống rượu

 

Về vương phi Diana, ông Tony Blair viết: “Bà ấy là một phần của Công đảng theo đường lối cách tân”. Theo ông, sau cái chết của Diana năm 1998, cả nước Anh xuống đường và cơ hội cũng đến cho chính phủ của ông cũng như giới truyền thông. Theo hồi ký, vào lúc 2 giờ sáng ngày 31-8-1998, ông Tony Blair được một sĩ quan cảnh sát đánh thức để báo tin Diana bị trọng thương sau vụ tai nạn xe. Linh cảm của ông cho thấy bà ấy khó có cơ hội sống sót và quả thực đến 4 giờ sáng thì ông nhận được tin Diana đã tắt thở. Trong cái chết của Diana, ông Blair cảm thấy hoàng gia không có cách thông tin kịp thời trước nỗi bàng hoàng quá lớn của công chúng, do vậy, ông cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ Hoàng gia.

 

Ông Blair cho biết, ông đã làm hết sức mình mặc dù nhiều thành viên trong chính phủ tự hỏi ông làm điều đó với lý do gì? Ông Blair cảm thấy ông không thể nói với Nữ hoàng về mức độ nghiêm trọng của vấn đề nên đã nói với Thái tử Charles và rồi Thái tử đã chuyển lời cho Nữ hoàng rằng Thủ tướng Blair nghĩ rằng bà nên có một bài diễn văn trước công chúng về cái chết của Diana. Nữ hoàng đã đồng ý.

 

Sau lễ tang Diana, ông Blair thường dành thời gian cuối tuần tới Balmoral, nơi ông thường gặp Nữ hoàng và cho biết thật là khó cho Nữ hoàng để nhìn nhận được rằng bà đã làm theo lời chỉ dẫn của ông. “Tôi nói với lòng nhiệt thành rằng cần thiết phải chấp nhận những bài học từ cuộc sống. Tôi lo ngại Nữ hoàng sẽ cho tôi là lộng quyền vì tính tự cao của bà”. Tuy nhiên, cuối cùng Nữ hoàng nhìn nhận bà đã học được một số bài học qua vụ Diana. Hồi ký tiết lộ, điện Buckingham nghĩ rằng ông hơi giống một “kẻ mới giàu lên, mới phất, khó hiểu một tí nhưng đáng tôn trọng”.

 

Bên ngoài Thánh đường Sedgefield ở gần nhà, nơi ông Blair thường đi lễ, ông đã phong cho Diana danh hiệu “Vương phi của nhân dân”. Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo The Guardian vài ngày trước khi xuất bản hồi ký, cựu Thủ tướng Anh bác bỏ tin cho rằng Diana là ủng hộ viên của một Công đảng đổi mới. Trong cuốn hồi ký, ông Blair mô tả chuyến thăm của Diana tới gia đình ông ở Chequers vài tháng trước khi mất. Hoàng tử William chơi với bọn trẻ con ông bà Blair trong khi Diana rảo bộ và trò chuyện riêng với ông Blair xung quanh khu vườn Chequers. Cuộc nói chuyện đó làm Diana tỏ ra khó chịu. Nội dung cuộc nói chuyện không được công bố nhưng nói với Báo Guardian, ông Blair bác bỏ thông tin cho rằng ông đã cảnh báo Diana về việc bà lấy tỷ phú Dodi Fayed.

 

Trong mối quan hệ với người chuẩn bị kế nhiệm Gordon Brown, ông Blair cảm thấy khó khăn và mối quan hệ với Alistair Campbell, trợ lý truyền thông cũng trở nên phức tạp. Cựu biên tập viên chính trị này luôn được ông Blair lựa chọn đứng đầu các hoạt động liên quan đến báo chí. Tuy nhiên, năm 2003, nhà báo Andrew Gilligan của BBC cáo buộc Công đảng, dưới sự chỉ huy về truyền thông của Campbell đã dựng lên chuyện Tổng thống Iraq Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Điều này đã đưa mối quan hệ giữa ông Blair với Campbell trở nên khó khăn. Blair viết: “Tôi như vô cảm và ngây dại, không đánh giá đúng sự căng thẳng mà Alistair phải chịu đựng”.

 

Về cụm từ “cuộc chiến chống khủng bố”, trong khi nhiều người từ bỏ việc sử dụng cụm từ này thì Blair vẫn tiếp tục sử dụng. Trong chương cuối của cuốn hồi ký, ông viết: “Nếu những gì mà chúng ta đang chiến đấu không phải là một cuộc chiến vậy nó là cái gì?”. Và ông cho rằng cuộc chiến tại Afghanistan sẽ tiếp tục khi vẫn còn cần thiết. Những lời của ông Blair kêu gọi tiếp tục chiến đấu ở Afghanistan ngược hẳn với quan điểm của 2 vị kế nhiệm ông là Gordon Brown và David Cameron.

 

Hồi ký của ông Blair được xem là một trong cuốn sách về chính trị cởi mở nhất đề cập đến một số áp lực cá nhân trong lúc đương chức. Mặc dù trước đây Chính phủ Anh cố tình chứng tỏ rằng Thủ tướng Blair không uống rượu nhưng trong hồi ký của mình, ông Blair nói rõ là ông tìm đến rượu làm chỗ dựa vào cuối ngày làm việc. Hai loại rượu ông thường dùng là Stiff whisky và G&T, uống trước bữa ăn tối, thường là 2 ly, có khi cả nửa chai.

 

Trong cuốn hồi ký của mình, ông Tony Blair không tiếc lời ca ngợi cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, xem ông này là người hết sức thông minh và có tầm nhìn, can đảm đương đầu với Al Qaeda. Điều này khiến dư luận Anh ví cuốn hồi ký như “thư tình” của ông Blair gửi ông Bush. Ông Blair và gia đình cũng đã tới Mỹ quảng bá cho cuốn hồi ký của mình. Ông Blair sẽ được tặng Huân chương Tự do của Mỹ, một danh hiệu tương đương với giải Nobel. Các nhà lãnh đạo từng được trao tặng huân chương này là Mikhail Gorbachev và Nelson Mandela.

 

Làm từ thiện hay vấn an lương tâm?

 

Nhà xuất bản Random House đã trả trước cho ông Blair 4,6 triệu bảng (7 triệu USD) và ông cho biết sẽ dành hết số tiền này cũng như toàn bộ tiền bán cuốn hồi ký cho các thương binh thuộc tổ chức Royal British Legion. Tuy nhiên, phần tiền này cũng không làm sứt mẻ khối tài sản trị giá 15 triệu bảng (23,3 triệu USD) của ông. Người ta nói ông Blair có tới 3 căn nhà ở Anh nhưng ông ít khi có mặt ở nhà vì bận đi làm diễn giả trên toàn thế giới.

 

Tờ Daily Telegraph cho rằng, hành động từ thiện của ông Blair có thể gây sốc cho nước Anh vì ông đã đưa nước này tham gia 2 cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Nhiều người xem đồng tiền từ thiện của ông Blair là tiêu cực, riêng những người có con em chết ở chiến trường Iraq và Afghanistan xem đó là “đồng tiền vấy máu”. Mặc dù cho biết “rất hối tiếc” trước những cái chết trong cuộc chiến Iraq nhưng cuốn hồi ký cho biết quyết định tham chiến của ông Blair là đúng. Nhiều người xem đó là một hành động “vấn an lương tâm” của ông Blair vì đã theo đuổi cuộc chiến ở Iraq mà không có bằng chứng thuyết phục.

 

Sau khi cuốn hồi ký được xuất bản, không ít người cảm thấy giận dữ trước việc ông Blair tiếp tục biện hộ cho việc đánh chiếm Iraq vốn làm cho hơn 100.000 người Iraq và 179 binh sĩ Anh thiệt mạng. Ông Peter Brierley đến từ Yorkshire có con trai chết tại biên giới Iraq - Kuwait vào tháng 3-2003, nói: “Blair là chính khách thông minh và đạt được một số thành tích nhưng cuộc chiến Iraq đã phủ bóng đen lên mọi thứ. Đó là những gì người ta nên nhớ về ông ta”.

 

Tại Anh, nhà xuất bản Random House dự báo cuốn hồi ký khó có thể khiến người ta xếp hàng mua vì ông Blair bị nhiều người cáo buộc tham gia các cuộc chiến không hợp pháp. Có lẽ vì điều này nên ngay tại Anh, ông Blair dự kiến chỉ có một buổi ký tặng sách cho độc giả. Random House đặt mục tiêu phải bán ít nhất 500.000 bản trên toàn thế giới, vượt qua cuốn hồi ký của cựu Thủ tướng Thatcher với số lượng 200.000 bản.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên