Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam: Ưu tiên kiểm soát lạm phát

Cập nhật: 04-05-2011 | 00:00:00

Hôm qua 3-5, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44, Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”. Vấn đề kiềm chế lạm phát cũng được nhiều đại biểu tập trung thảo luận ở hội nghị.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam.

Cần 300 tỷ USD cho đầu tư phát triển

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Việt Nam vừa hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 với những kết quả quan trọng: kinh tế tăng trưởng bình quân 7,26%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thể chế kinh tế thị trường tiếp tục hoàn thiện; quy mô nền kinh tế tăng gấp 3,3 lần so với năm 2000. Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, bất cập trong phát triển kinh tế như chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc; chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng còn là điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Bên cạnh đó là thách thức vượt qua “bẫy thu nhập trung bình", đặc biệt trong bối cảnh của dư chấn khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Do vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020, mục tiêu của Việt Nam là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Dự báo, riêng giai đoạn 2010 - 2015, Việt Nam cần khoảng 300 tỷ USD cho đầu tư phát triển, do đó, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo lập đồng bộ và phát triển các loại thị trường lao động, thị trường khoa học và công nghệ theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư, giải phóng tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Cẩn trọng với “bẫy thu nhập trung bình”

Các đại biểu trao đổi bên hành lang Hội nghị.

Đồng tình rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho rằng, Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn. Ông Kuroda đánh giá cao sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong việc đóng góp tới 47% GDP và tạo ra nhiều việc làm mỗi năm. Do đó, ADB khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần “tiếp tục hỗ trợ phát triển khu vực này”. Một nhân tố khác mà Việt Nam cần dành sự đầu tư lớn hơn là chất lượng nguồn nhân lực. Bởi đây sẽ là yếu tố then chốt đưa Việt Nam vượt khỏi ngưỡng nước có thu nhập trung bình trong những năm tới.

Trong khi đó, GS Kenichi Ohno đến từ Đại học Nghiên cứu chính sách (Nhật Bản), đặc biệt nhấn mạnh thách thức “bẫy thu nhập trung bình” đối với Việt Nam. Ông cho rằng, tăng trưởng trước đây của Việt Nam dựa chủ yếu vào mở cửa thương mại (ODA, FDI, kiều hối, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản…) thay vì dựa trên năng suất và đổi mới. Trong khi đó, hai nhân tố sau mới là yếu tố then chốt cho tăng trưởng bền vững và giúp thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. Để vượt qua thách thức này, Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào lắp ráp giản đơn với lao động không có kỹ năng. Việt Nam nên xác định một số ít chiến lược công nghệ chủ đạo đến năm 2020; nghiên cứu những thực tiễn tốt nhất trên thế giới để có chiến lược phù hợp…

Trao đổi với các đại biểu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chất lượng nguồn lao động cần phải có thời gian. Hiện tại, Việt Nam vẫn dựa nhiều vào nông nghiệp, nhưng tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp đang dần tăng lên so với nông nghiệp. Trước mắt, Việt Nam phát triển các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam vẫn đang chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để chuyển dịch sang những ngành có công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Kiềm chế lạm phát năm 2011 ở mức 11,75%

Vượt “bẫy thu nhập trung bình” là thách thức dài hạn của Việt Nam, còn trước mắt việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đang là vấn đề lớn cần giải quyết. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cho biết, chống lạm phát sẽ tiếp tục là ưu tiên chính sách hàng đầu của Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2011. Việc CPI tăng tới 9,64% sau 4 tháng thực sự là một thách thức đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức một con số. Trước thực tế này, Chính phủ dự kiến sẽ thực hiện điều hành để giữ lạm phát năm nay ở mức tương đương với năm 2010, tức là khoảng 11,75%. Dù vậy, theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, để đạt được con số này sẽ là “rất căng thẳng” trong điều kiện giá cả trong nước và thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp.

Tham gia thảo luận, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, kiềm chế lạm phát đang là mục tiêu rất khó khăn. Giải thích về khả năng thực hiện không thành công các mục tiêu kinh tế đề ra, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đây là vấn đề chung của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới trong năm 2011, khi kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp.

Riêng về tăng trưởng kinh tế, do điều kiện lạm phát tăng cao, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, Chính phủ xác định tốc độ tăng GDP cả năm sẽ chỉ ở mức 6,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7% - 7,5% đặt ra cho năm 2011.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên