Hội Nông dân huyện Phú Giáo: Phát huy hiệu quả các nguồn vốn
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Việc quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của Hội Nông dân (HND) huyện Phú Giáo đã giúp cho các hội viên (HV) thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Nhờ
được tiếp cận với các nguồn vốn mà chị Hảo đã xây dựng được các mô hình sản xuất
nông nghiệp hiệu quả. Trong ảnh: Chị Hảo chăm sóc vườn mít gia đình Hiện nay số HV của HND huyện
Phú Giáo khoảng 11.000 người. Việc được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông
dân và nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho HV nông
dân trên địa bàn huyện xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Nông
dân của huyện Phú Giáo chủ yếu xây dựng các mô hình trồng cao su, tiêu, nuôi
bò, gà, heo… Trong đó cây cao su đang là loại cây trồng chủ lực của lĩnh vực
nông nghiệp huyện Phú Giáo nên đã được nhiều nông dân tập trung đầu tư. Trong
năm 2012 vừa qua, tổng nguồn vốn vận động của HND huyện Phú Giáo đã được nâng
lên gần 700 triệu đồng và tổng nguồn vốn nhận ủy thác là 2,9 tỷ đồng. Với nguồn
vốn vận động được cùng với vốn quay vòng, vốn nhận ủy thác, năm qua đã có 93 hộ
được vay vốn với số tiền trên 1,4 tỷ đồng. Các hộ cho vay đầu tư chủ yếu vào trồng
trọt và chăn nuôi. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch HND huyện Phú Giáo cho
biết, việc hỗ trợ vốn kịp thời với thủ tục đơn giản đã tạo niềm tin cho HV nông
dân và gắn bó với tổ chức hội. Qua đó hội cũng dễ dàng thực hiện các chương
trình dự án và vận động nông dân đóng góp vật lực vào chương trình xây dựng
nông thôn mới. HV tham gia vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu
quả.
Từ việc được tiếp cận dễ dàng với các nguồn vốn và sử dụng vốn có hiệu quả, số HV nông dân thoát nghèo của HND huyện Phú Giáo hàng năm đều được nâng lên. Trong năm qua đã có 337 HV nông dân thoát nghèo trong tổng số 910 hộ nông dân nghèo của huyện Phú Giáo. Chị Đoàn Thị Hảo, ngụ tại ấp 4, xã Tân Hiệp là một trong những hộ nông dân thoát nghèo điển hình từ việc được vay vốn. Không có nghề nghiệp cố định, chị phải làm thuê, làm mướn để nuôi 3 đứa con đi học. Được sự hỗ trợ từ các nguồn vốn, chị bắt đầu đầu tư trồng cao su và trồng các loại cây trồng khác. Đến nay chị đã thoát nghèo và có 9.000m2 trồng cao su đang phát triển ổn định. Chị Hảo cho biết: “Nhờ được hỗ trợ vốn mà tôi có cơ hội xây dựng các mô hình sản xuất. Đến nay cuộc sống của mẹ con chúng tôi đỡ vất vả hơn và tôi cũng có điều kiện để lo cho con cái được ăn học đến nơi đến chốn”. Ông Vũ Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, các hộ nông dân của xã được vay vốn từ các nguồn vốn của HND huyện đều sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu thực tế thì số vốn nông dân được tiếp cận còn quá ít. Vì vậy nhiều nông dân mong muốn tăng cường các nguồn vốn cho vay, song song đó là các hỗ trợ khác về cây, con giống và chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Nói về những khó khăn trong công tác hỗ trợ vốn cho nông dân vay trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch HND huyện Phú Giáo chia sẻ, hàng năm, ở một số địa phương, tổ chức hội chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc vận động phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân; ngân sách ủy thác phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân vẫn còn ít so với tỷ lệ HV của hội; việc kiểm tra, giám sát, tập huấn, quản lý sổ sách, chứng từ, văn bản tại một số cơ sở còn hạn chế. Về phương hướng cho công tác này của HND huyện Phú Giáo trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết thêm, hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ vượt chỉ tiêu tỉnh giao, trong đó chú trọng tỷ lệ nguồn ủng hộ để tạo điều kiện mở rộng nguồn vốn cho HV vay. Bên cạnh việc cho vay vốn, hội cũng sẽ tập trung phối hợp với các ngành tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân với các mô hình như: thâm canh cây tiêu, cao su, nuôi bò, gà tam hoàng, heo rừng lai…
CAO SƠN