Hướng dẫn ôn tập môn địa lý thi tốt nghiệp THPT

Cập nhật: 14-04-2010 | 00:00:00

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2009-2010, địa lý là một trong 6 môn được chọn thi. Thầy Nguyễn Nhung, giáo viên trường THPT chuyên Hùng Vương chia sẻ cùng học sinh cách ôn tập môn địa lý để đạt được kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.

Học sinh tìm tài liệu phục vụ cho việc ôn thi tốt nghiệp THPTHọc sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản của toàn bộ chương trình theo nội dung ôn tập và cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT. Điều cần lưu ý là cấu trúc đề thi môn địa lý gồm 4 câu (gồm địa lý tự nhiên, địa lý ngành, địa lý vùng kinh tế và phần tự chọn theo chương trình cơ bản hoặc nâng cao), nhưng mỗi câu hỏi trong đề thi gồm 2,3 câu hỏi nhỏ thuộc nội dung của từng phần chương trình nêu trên, cho nên đề thi gần như rải đều và bao quát toàn bộ nội dung chương trình, vì thế học sinh không được bỏ sót nội dung ôn tập nào. Khi các em đã nắm vững kiến thức chương trình, các em sẽ tự tin và đạt điểm số cao khi làm bài.

Trước hết các em học sinh phải nắm vững cấu trúc từng bài học, mỗi bài gồm những đơn vị kiến thức (nội dung chủ yếu gì) và nắm vững kiến thức cơ bản từng nội dung. Khi học bài các em có thể soạn đề cương chi tiết theo từng nội dung hay câu hỏi (dựa vào SGK, vở ghi hoặc tài liệu ôn thi) khi làm bài sẽ mở rộng và diễn đạt, giải thích chi tiết hơn. Để cho dễ nhớ và nhớ lâu, khi học xong một bài, chương nên tự mình đặt câu hỏi và giải đáp, sau đó kiểm tra lại đã đúng chưa, còn sai chỗ nào, thiếu ý nào. Cũng có thể tổ chức ôn tập theo tổ, nhóm dưới sự hướng dẫn của thầy, cô (hỏi, đáp, phân công trình bày theo từng nội dung, câu hỏi ôn tập...).

Tiếp theo các em phải nắm được mối quan hệ, bổ sung kiến thức giữa nội dung các chương, bài để vận dụng khi ôn tập và làm bài. Ví dụ như giữa điều kiện tự nhiên với sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước và mỗi vùng: khí hậu, đất trồng đối với sản xuất nông nghiệp, năng lượng, khoáng sản với sản xuất công nghiêp... hoặc các thế mạnh... để phát triển nhiều ngành: nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển tổng hợp kinh tế biển... Có những nội dung kiến thức học sinh phải biết khai thác ở nhiều bài trong chương trình, ví dụ kiến thức biển, đảo bao gồm các bài: khái quát về biển Đông, các bộ phận thuộc chủ quyền vùng biển (phần tự nhiên), ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (kinh tế ngành), phát triển kinh tế biển (kinh tế vùng, 6 vùng kinh tế giáp biển) và bài phát triển kinh tế biển, đảo...

Như vậy tùy theo yêu cầu của đề, học sinh phải biết lựa chọn nội dung kiến thức phù hợp để làm bài.

Đề thi, ngoài nội dung kiểm tra kiến thức yêu cầu học sinh nhớ, còn kiểm tra mức độ hiểu và vận dụng kiến thức (và các kỹ năng). Đó là dạng câu hỏi: so sánh, giải thích, chứng minh, đánh giá... yêu cầu học sinh phải biết chọn lọc, vận dụng, hệ thống hóa kiến thức để làm bài đạt điểm cao.

Để giảm bớt áp lực, tránh căng thẳng không cần thiết, đối với môn địa lý các em cần nắm vững một số kỹ năng như kỹ năng sử dụng Atlat vì có rất nhiều nội dung kiến thức có thể khai thác từ Atlat mà không cần phải học, ghi nhớ. Về số liệu, không yêu cầu học sinh phải nhớ chi tiết, chỉ cần nhớ những số liệu cơ bản nhất, rất nhiều số liệu có sẵn trong Atlat, hoặc nếu đề thi yêu cầu tính toán, phân tích, vẽ biểu đồ, nhận xét thì có số liệu cho sẵn. Những nội dung kiến thức có trong Atlat, học sinh không phải học, ghi nhớ mà sử dụng Atlat để làm bài.

Trước hết, học sinh phải nắm vững hệ thống ký hiệu, ước hiệu bản đồ để đọc được bản đồ, xác định được phạm vi không gian lãnh thổ, nhận biết và mô tả được đặc điểm của đối tượng, hiện tượng địa lý trên bản đồ. Ở mức độ cao hơn là so sánh, tổng hợp, vận dụng kiến thức để giải thích một hay nhiều hiện tượng địa lý.

A.SÁNG (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X