Hướng tới một lễ hội đẹp trong lòng du khách

Cập nhật: 12-02-2019 | 09:02:49

Hàng năm, Lễ hội Rằm tháng Giêng ở Bình Dương được tổ chức rất lớn, thu hút đông đảo du khách gần xa. Ban tổ chức cũng như Ban quản trị tại các cơ sở thờ tự này luôn mong muốn hướng tới một lễ hội văn hóa, tín ngưỡng dân gian, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách...


Du khách đến viếng chùa Bà

Ở Bình Dương ngoài chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (gọi tắt là chùa Bà) tại phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một rất nổi tiếng, du khách đến viếng rất đông. Ngoài ra, còn có các nơi khác như: Chùa Bà Lái Thiêu, chùa Bà gần chợ Búng (TX.Thuận An), chùa Bà Thành phố mới Bình Dương và chùa Bà Bưng Cầu... Bên cạnh chùa thờ Bà thì còn có chùa Ông hay dân gian gọi là miếu Ông, chùa Ông Ngựa. Tất cả là tín ngưỡng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của cộng đồng người Hoa ở Bình Dương. Với quy mô ngày càng được mở rộng và chấn chỉnh cho thêm phần trang nghiêm, dần dần, lễ hội này được nhiều người biết đến. Các cơ sở thờ Bà (Thiên Hậu Thánh Mẫu) là nơi du xuân, dâng hương được nhiều người lựa chọn cho mong muốn đầu năm mọi chuyện được hanh thông.

Hầu hết các chùa Bà do hội người Việt gốc Hoa đóng góp và xây dựng nên để thờ vị nữ thần Thiên Hậu Thánh Mẫu. Hầu hết các ngôi chùa bà được xây dựng gồm 3 dãy nhà, ở giữa là chính điện đề ba chữ “Thiên Hậu Cung”, 2 dãy nhà bên thì được xem như là Đông lang, Tây lang của ngôi chùa. Ở trên hai cánh cửa chính có đề bốn chữ “Quốc Thái Dân An”, còn ở hai bên là cặp câu đối ca ngợi công đức của Thiên Hậu Thánh Mẫu. Khi bước vào sân chùa, trước cửa điện có đặt một cái đỉnh lớn để cho người dân đến cúng và thắp hương. Các lễ hội chính có thể kể đến như: Lễ thay áo mới cho Bà, xin lộc Bà đầu năm, rước kiệu Bà cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an...

Ghi nhận tại các chùa Bà tại TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An năm nay, chúng tôi thấy được nhiều hạn chế của năm trước đã dần được chấn chỉnh. Chưa thấy hình ảnh ăn xin lê la trước cổng chùa và nạn giả sư khất thực. Theo bà Trần Mỹ Lệ, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP.Thủ Dầu Một, hàng năm, cán bộ phòng văn hóa, các ban ngành khác phối hợp cùng Ban tổ chức, Ban quản trị chùa khá tốt để chấn chỉnh các hình ảnh không đẹp, tạo nên nét văn hóa lễ hội ấn tượng cho du khách. Năm nay, chưa có tình trạng bói toán, mê tín dị đoan, tuyên truyền văn hóa phẩm độc hại nào xảy ra. Bà Lệ cũng cho biết thêm, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi, kiểm tra trong các ngày cao điểm của mùa lễ hội để kịp thời chấn chỉnh.

Tại chùa Bà phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một), năm nay, ông Lý Chấn Phát, Trưởng bang Phước Kiến làm Trưởng ban tổ chức lễ hội phía Ban Trị sự chùa Bà. Ông Trần Vĩnh An, Phó Thường trực Bang Quảng Đông làm phó ban phụ trách mảng truyền thông, thông tin. Các thành viên khác của Bang Sùng Chính, Triều Châu cũng tích cực trong nhiệm vụ được phân công để hướng tới một lễ hội thành công. Theo ông Trần Vĩnh An, điều mà Ban tổ chức Lễ hội Rằm tháng Giêng năm nay hướng tới là không chỉ thành công mà phải thành công mỹ mãn, đem lại sự hài lòng cho du khách. Để làm được điều này, rất cần sự chỉ đạo, phối hợp và điều hành từ phía lãnh đạo chính quyền địa phương. Hiện nay, công tác phối hợp thực hiện từ phòng cháy chữa cháy, y tế, văn hóa... đều được thực hiện rất nhịp nhàng, hiệu quả.

Tại chùa Bà Lái Thiêu (TX.Thuận An), Ban tổ chức cho biết họ cũng cố gắng trong tất cả các phần việc được giao để hướng tới một lễ hội tốt đẹp như ý nghĩa chính mà lễ hội hướng tới là quốc thái, dân an. Các hoạt động chính từ cung nghinh kiệu Bà, công tác từ thiện xã hội, khuyến học khuyến tài... vẫn được tổ chức như mọi năm.

Lễ hội chùa Bà là một trong những lễ hội văn hóa lớn nhất của tỉnh Bình Dương và được tổ chức hàng năm vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch với nhiều chương trình đặc sắc. Thu hút hàng trăm ngàn lượt khách du lịch và hành hương tới đây. Hy vọng với sự nỗ lực của Ban tổ chức, Ban trị sự các chùa cũng như ý thức của người hành hương, chúng ta sẽ có một mùa lễ hội thật tốt đẹp và thành công.

Các nghi thức chính có thể kể đến là: Thỉnh lộc Bà được diễn ra vào ngày 14 tháng giêng. Việc thỉnh lộc này có ý nghĩa mang ánh sáng, hương thơm và may mắn tới với gia đình. Tuy nhiên, nhiều năm nay việc thỉnh lộc Bà được thực hiện từ Giao thừa hàng năm do lượng khách ngày càng đông. Chiều ngày 15, lễ rước kiệu Bà bắt đầu. Hoạt động này thu hút đông đảo người chiêm ngưỡng và cũng như vui nhất ở Lễ hội Rằm tháng Giêng.

 

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên