Hướng tới mục tiêu việc làm bền vững

Cập nhật: 16-01-2011 | 00:00:00

Tạo việc làm trong năm 2010 đạt số lượng, song chất lượng chưa cao, tính ổn định thấp 

 

Năm 2010, cùng với sự phục hồi kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,78%, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu tăng,… đã góp phần quan trọng đẩy mạnh giải quyết việc làm. Ước tính, năm 2010, cả nước tạo việc làm cho trên 1,6 triệu lao động (đạt 100,6% kế hoạch năm 2010), trong đó tạo việc làm trong nước trên 1,5 triệu lao động (đạt 100,6% kế hoạch), đưa hơn 87.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

 

Chất lượng chưa cao, thiếu bền vững

 

Mặc dù số lượng người lao động được tạo việc làm đạt và vượt kế hoạch cả năm, song thực tế cho thấy, chất lượng việc làm chưa cao, tính ổn định, bền vững trong việc làm và hiệu quả tạo việc làm còn thấp. Tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ đang diễn biến phức tạp.

 

 Đào tạo nguồn nhân lực- yếu tố quan trọng tạo việc làm bền vững

Theo ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, trên thị trường lao động, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động, kể cả lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phổ thông. Trong các doanh nghiệp, tiền lương còn thấp khiến người lao động không yên tâm làm việc. Tiền lương trung bình của người lao động trong các doanh nghiệp từ 1,5-1,8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lao động tự do có tiền công tới 100-150.000 đồng/ngày, mà không có ràng buộc, yêu cầu về trình độ. Sự chênh lệch trong thu nhập ở thị trường chính thức và phi chính thức khiến cho lao động không mặn mà, gắn bó với doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì luôn thiếu lao động.

 

Ngoài ra, những hạn chế nhất định trong hoạt động giao dịch việc làm, kết nối và phổ biến thông tin thị trường lao động, vai trò quản lý nhà nước (trong việc tuyên truyền, dự báo, điều tiết cung – cầu lao động,…) cũng ảnh hưởng đến vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động.

 

Bên cạnh đó, chất lượng cung lao động còn nhiều hạn chế: tỷ lệ người lao động qua đào tạo thấp (khoảng 37%) cộng với cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật…; với xuất phát điểm từ kinh tế nông nghiệp nông thôn, đa phần người lao động chưa có tác động công nghiệp, ý thức, kỷ luật lao động chấp hành chưa nghiêm.

 

Tạo việc làm bền vững, thu nhập cao

 

Bộ trưởng Bộ Lao động, TBXH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, mục tiêu hàng đầu là tạo việc làm ổn định, bền vững, có chất lượng, người lao động có thu nhập cao hơn: “Chúng ta cố gắng thực hiện mục tiêu này thông qua chính sách thị trường lao động, gắn kết cung- cầu lao động, có dự báo về xu hướng việc làm, lao động”.

 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, trong Hội nghị Bộ trưởng Lao động Việc làm ASEAN, Việt Nam có sáng kiến, thống nhất với các nước thành viên, có Tuyên bố Cấp cao về phát triển nguồn nhân lực cho phục hồi và tăng trường kinh tế. Hiện nay, Việt Nam đang phấn đấu để nâng cao số lượng và chất lượng lao động qua đào tạo. Hệ thống các trường cao đẳng- dạy nghề sẽ dạy những nghề mà xã hội cần, đào tạo người lao động ở trình độ theo nhu cầu của các doanh nghiệp, theo kế hoạch để nâng cao quy mô và chất lượng dạy nghề.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, “Phát triển dạy nghề trong thời gian tới là rất quan trọng, nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó lao động đến tuổi phải được đào tạo, ít nhất là có được một nghề”.

 

Những năm qua, tuy quy mô doanh nghiệp tăng nhanh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ (dưới 10 lao động và dưới 1 tỷ đồng vốn); các doanh nghiệp chưa tham gia nhiều vào hoạt động đào tạo, dạy nghề, chủ yếu sử dụng kết quả đào tạo của Nhà nước; doanh nghiệp, đặc biệt trong khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu sử dụng lao động trẻ (18 – 35 tuổi) trong khi nhu cầu học tập ngày càng cao, tuổi tham gia hoạt động kinh tế càng cao.

 

Việc làm vẫn là một vấn đề bức xúc, còn nhiều hạn chế. Hàng năm, ngân sách Trung ương chỉ phân bổ cho chương trình khoảng 300 – 400 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn bổ sung mới cho Quỹ Quốc gia về việc làm khoảng 250 – 300 tỷ đồng/năm, mới đáp ứng được 35 – 40% nhu cầu vay vốn của nhân dân.

 

Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, mục tiêu của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015 là hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và phát triển thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Theo đó, mục tiêu cụ thể là mỗi năm tạo việc làm cho 1-1,2 triệu lao động thông qua các dự án vay vốn, tạo việc làm. Mỗi năm đưa khoảng 80.000-100.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Phát triển hệ thống dạy nghề có đủ năng lực đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động.

 

Ông Nguyễn Đại Đồng cho biết thêm, Cục Việc làm đang phối hợp cùng các đơn vị chức năng, với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, xây dựng Báo cáo Xu hướng việc làm và Chiến lược việc làm cho những năm tiếp theo.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên