Tại cuộc họp bàn về việc thực hiện Quyết định số 3247/QĐ-UBND ngày 16-12-2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đồ án quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Quyết định số 3247/QĐ- UBND) giữa Sở Giao thông - Vận tải, Sở Kế hoạch - Đầu tư và lãnh đạo các huyện, thị, thành phố trong tỉnh vừa qua, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh cho rằng để thực hiện tốt quyết định này đòi hỏi sự quyết tâm cao của chính quyền và sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
Xây dựng đường giao thông nông thôn đạt chuẩn tại xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng Ảnh: D.CHÍ
Sở Giao thông - Vận tải cho biết, từ năm 2009 đến nay, phong trào xây dựng giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện trên 2.000 công trình với trên 1.000km đường các loại, góp phần kết nối liên hoàn giữa hệ thống giao thông trong xóm ấp vào mạng lưới giao thông của tỉnh, của vùng và hệ thống giao thông quốc gia; qua đó đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng địa phương. Trong điều kiện đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay, phong trào này đã chuyển hướng sang hình thức mới phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ mới.
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng, thực hiện theo Quyết định số 3247/QĐ-UBND yêu cầu mặt đường phải rộng 5,5m, lề đường mỗi bên 1,5m… các địa phương đã được đô thị hóa như TP.Thủ Dầu Một, các TX.Dĩ An, Thuận An và Bến Cát gặp khó khăn hơn trong quy hoạch, giải tỏa và thi công. Để bảo đảm có công trình, không bị điều tiết vốn đi nơi khác làm ảnh hưởng đến tình hình giao thông đi lại của người dân, nhiều nơi đã linh hoạt thiết kế, xây dựng công trình có chiều rộng mặt đường từ 5,5 - 6m rồi lồng ghép cống thoát nước vào bên trong cho phù hợp với quy định này.
Quyết định số 3247/QĐ-UBND quy định: Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống giao thông nông thôn phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm tạo sự gắn kết liên hoàn thông suốt từ hệ thống giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã; đồng thời kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng. Đối với đường xã đề xuất quy hoạch cấp VI, mặt đường rộng 5,5m, nền đường rộng 8,5m, lề đường mỗi bên rộng 1,5m với lề gia cố 1,5m, hành lang bảo vệ đối với đường mỗi bên 4m, lộ giới 20m…
Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi cho biết thị xã đang trong giai đoạn phát triển đô thị, thực hiện Quyết định số 3247/QĐ- UBND địa phương sẽ gắn hệ thống giao thông nông thôn vào trong quy hoạch chung rồi phân kỳ thực hiện, không nôn nóng bằng cách giải phóng mặt bằng đủ chuẩn trước, sau đó thực hiện bằng kết cấu đơn giản như cấp phối, sỏi đỏ rồi mới đến nhựa hóa.
Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, phong trào xây dựng giao thông nông thôn đã giúp Dĩ An gần như hoàn thiện hệ thống giao thông nội bộ. Để thực hiện tốt công tác chỉnh trang đô thị cần có sự tính toán phù hợp nhằm hài hòa lợi ích cho người được thụ hưởng. “Muốn chỉnh trang đô thị một đoạn đường để khai thông đi lại giữa các hộ sống bên trong với bên ngoài, trong khi các hộ bên ngoài đã ổn định thì Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ với điều kiện các hộ sống bên trong phải thương lượng, thỏa thuận với các hộ sống bên ngoài về kích thước, phương thức. Nhà nước sẽ đầu tư chỉnh trang giúp khu phố trở nên khang trang, thông thoáng”, ông Nghĩa lý giải.
Còn tại TX.Bến Cát, thực tế xây dựng giao thông nông thôn địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Đó là việc giải tỏa giữa hộ tiếp giáp với hộ nằm sâu phía trong. “Đành rằng mặt tiền của ngôi nhà, thửa đất hướng ra mặt đường cần giải tỏa nhưng mặt khác, ngôi nhà, thửa đất đó vẫn có vị trí tiếp giáp khác với đường lớn nên cần phải được tính toán để người dân không bị thiệt, giúp công trình thực hiện đúng kế hoạch, không phải điều chỉnh, đội vốn vì kéo dài”, quyền Chủ tịch UBND TX.Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh nêu.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Nam đã yêu cầu, với các địa phương phía nam như TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An và TX.Dĩ An thực hiện phong trào theo hình thức chỉnh trang đô thị; với các địa phương phía bắc tiếp tục thực hiện phong trào xây dựng giao thông nông thôn nhưng gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh đồng ý với hình thức huy động, vận động sức dân theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm một cách linh hoạt, phù hợp nhằm đưa phong trào xây dựng giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị lên tầm cao mới.
DUY CHÍ