Huyện Bàu Bàng: Tạo nghề, tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn

Cập nhật: 22-10-2020 | 01:59:44

 Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã khẳng định chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước cùng sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể trong lĩnh vực lao động. Đề án không chỉ là chính sách có ý nghĩa an sinh xã hội mà còn là một tiêu chí quan trọng trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

 Bế ging lp hc ngh trang đim cho lao đng nông thôn ti xã Lai Hưng

Tăng thu nhập, tạo việc làm tại chỗ

Xác định đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở ở Bàu Bàng luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ về việc học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, huyện luôn chú trọng việc tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm dưới nhiều hình thức nhằm giúp người lao động lựa chọn được ngành nghề phù hợp.

Ông Tô Tiến Quân, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bàu Bàng, cho biết từ khi Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT được triển khai trên địa bàn huyện đến nay, công tác này luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn. Vì thế, thời gian qua, công tác dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả nhất định, đã có 1.067 người được học nghề. Hầu hết các lao động sau khi học nghề đều tự tạo việc làm; người lao động đã vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo vào công việc, từ đó làm tăng năng suất lao động, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của hộ gia đình người lao động và tăng hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.

Điển hình như các mô hình chăn nuôi gà tại nhà. Sau khi được đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, các học viên đã tự chăn nuôi có hiệu quả tại gia đình, giúp tăng thêm thu nhập. Đối với nghề lái xe nâng hàng, sau khi được đào tạo, học viên đã xin vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp trú đóng trên địa bàn. Chị Đoàn Thị Sương, ở ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, cho biết khi địa phương mở lớp đào tạo nghề trang điểm, chị chủ động đăng ký tham gia. Từ những kiến thức đã được học, chị áp dụng vào công việc. Đến nay, chị mở tiệm tại nhà và cho thu nhập khá ổn định. Theo chị, người lao động sau khi học các lớp đào tạo nghề sẽ phát huy được kiến thức về lĩnh vực mình được đào tạo, biết cách làm ăn, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Hiệu quả đào tạo nghề

Với phương châm “trao cần câu” và “dạy cách câu”, công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở Bàu Bàng đã đạt được những kết quả thiết thực. Chỉ trong 6 năm (2014-2019), số LĐNT được tư vấn học nghề tại huyện Bàu Bàng là hơn 3.600 người. Nhiều LĐNT đã có thu nhập ổn định sau khi tham gia các lớp dạy nghề do địa phương phối hợp tổ chức, từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cao hơn trước.

Để đạt được kết quả trên, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đào tạo nghề cho LĐNT. Đồng thời, ngoài các lớp đào tạo do phòng tổ chức, phòng còn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội huyện tổ chức lồng ghép các nội dung để tuyên truyền cho các hội viên, đoàn viên về các chính sách nghề và vai trò ý nghĩa của công tác đào tạo nghề là tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, nhất là LĐNT.

Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối kết hợp với các hội, ban ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa và các chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho LĐNT đến tận người dân trên địa bàn huyện; vận động người dân mạnh dạn đăng ký tham gia các lớp học nghề để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm việc làm và giảm nghèo. Chính vì vậy, hàng năm, từ huyện đến các xã, thị trấn đều đưa chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thông qua việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho LĐNT giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được chính xác, đầy đủ những nội dung của các chính sách. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được vai trò, vị trí chiến lược và lợi ích của công tác đào tạo nghề cho LĐNT không chỉ nâng cao trình độ tay nghề mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người lao động, từ đó góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới.

 “Thời gian tới, huyện Bàu Bàng tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, triển khai đến các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về chủ trương, chính sách, cách thức thực hiện và lợi ích của việc đào tạo nghề cho LĐNT. Các xã, thị trấn tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người LĐNT tại địa phương, trên cơ sở đó lập kế hoạch chiêu sinh theo từng ngành nghề và báo cáo về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Kinh tế để có kế hoạch mở lớp. Huyện sẽ thực hiện tốt công tác quản lý lao động trên địa bàn, nhất là ở cấp xã, thị trấn nhằm nắm chắc lực lượng lao động tại chỗ, bao gồm: Số lượng lao động, trình độ văn hóa, nhu cầu học nghề, tình trạng thiếu việc làm…”.

(Ông Tô Tiến Quân, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bàu Bàng)

 TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên