Hy Lạp - quân domino đầu tiên?

Cập nhật: 08-05-2010 | 00:00:00

 Cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp có thể thổi bùng lên những bất ổn xã hội và chính trị chứ không chỉ riêng những rối loạn trong lĩnh vực kinh tế.

 

Lo ngại về ảnh hưởng xấu đã lan khắp châu Âu. Nhiều người coi Hy Lạp là quân domino “tiềm tàng” đầu tiên sắp đổ trong kịch bản mà các biện pháp của Hy Lạp không đủ đáp ứng, cuộc khủng hoảng nợ sâu sắc hơn, và nguy cơ vỡ nợ nước ngoài đã xuất hiện ở các nền kinh tế châu Âu khác.

 

Khi quân domino Hy Lạp đổ, những nước như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, hay Italia cũng bắt đầu rúng động. Cuộc khủng hoảng của một nền kinh tế nhỏ có thể trở thành một bi kịch lớn cho toàn châu Âu.

  

Công nhân Hy Lạp phản đối chính phủ dùng gậy và

chai  tấn công cảnh sát ngày 3-5 tại Athens.

Quan điểm này cho rằng các quốc gia khác có thể buộc phải nhảy vào và giúp đỡ những “anh em” châu Âu của họ - dù Đức hay bất cứ nước nào có muốn hay không. Cuối cùng, cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài có thể tác động tới nền kinh tế thực, với việc châu Âu rơi vào vòng luẩn quẩn thâm hụt cao hơn, tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn, bùng nổ thất nghiệp và tính cạnh tranh giảm.

 

Hy Lạp trở thành biểu tượng của vấn đề nợ chính phủ. Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái khi chính quyền mới thừa nhận rằng chính phủ tiền nhiệm đã làm giả một số thống kê quốc gia.

 

Hy Lạp đang có mức thâm hụt ngân sách 13,6% và tổng nợ đã lên tới 115% GDP. Nước này không thể thoát khỏi những rắc rối vì hạn chế về tài chính và thiếu năng lực xuất khẩu. Nước này không thể hạ giá tiền tệ, bởi vì là nước thuộc khu vực sử dụng đồng euro. Và người dân dường như không sẵn sàng chịu đựng những cắt giảm lương hay các dịch vụ cần thiết để làm cho nền kinh tế trở nên cạnh tranh hơn.

 

Rõ ràng, đây là kịch bản mà mọi người, trừ trường hợp của một số nhà đầu cơ - đều không muốn xảy ra. Dù hội nghị thượng đỉnh EU mới đây thống nhất thông qua gói giải cứu cuối cùng cho các nước trong khu vực sử dụng đồng euro trước nguy cơ vỡ nợ, kế hoạch này có khả năng rất lớn sẽ không đáp ứng được thực tế.

 

Nhưng lý thuyết domino phổ biến này còn chưa hoàn chỉnh. Cuộc khủng hoảng có thể còn có những hiệu ứng xã hội và chính trị lan tỏa vượt quá phạm vi kinh tế.

 

Tình hình kinh tế ở Hy Lạp đang xấu đi nhanh chóng. Một số nhà phân tích thậm chí còn dự đoán về một “cái chết từ từ” của nền kinh tế Hy Lạp. Chính các công dân nước này cũng cảm nhận rằng tình hình sẽ gần như trở nên tồi tệ hơn nhiều trước khi cải thiện.

Hầu hết người Hy Lạp ý thức được rằng đất nước cần thay đổi triệt để. Nhưng cải cách thì sẽ đau đớn, và có thể phải mất nhiều năm mới bắt đầu thấy những dấu hiệu phục hồi đầu tiên. Trong khi đó, xã hội Hy Lạp sẽ phải chịu cảnh thắt chặt ngân sách, cắt giảm chi tiêu xã hội, và suy sụp toàn bộ nền kinh tế.

 

Tuy thế, dù bức tranh ảm đạm, chính phủ do đảng của ông George Papandreou vẫn giành được sự ủng hộ khá lớn. Ở thời điểm này, đa số người Hy Lạp cho rằng sẽ không có bất cứ đảng chính trị nào khác có thể ứng phó với cuộc khủng hoảng hiệu quả hơn.

 

Nhưng cùng lúc đó, sự bực bội cũng đang lớn dần ở Hy Lạp. Không có hy vọng, nước này dường như rơi vào sự chán nản “tập thể”. Liệu điều này cuối cùng có dẫn tới bất ổn xã hội tập thể? Quốc gia này vốn đã chứng kiến bùng phát bạo lực trong lịch sử gần đây. Mặc dù Hy Lạp có thể còn lâu mới xảy ra bùng nổ cực đoan, nhưng cũng không thể loại bỏ khả năng người dân phản ứng dữ dội trên đường phố Athens hay những thành phố lớn nào khác.

 

Người ta có thể cho rằng sự việc như thế là điều mà Hy Lạp - hay bất cứ nước nào trong hoàn cảnh tương tự - nên tự mình giải quyết. Nhưng thực tế, mọi chuyện không hề đơn giản. Sự bùng phát bất ổn xã hội lớn ở Hy Lạp hay nơi nào khác có thể ảnh hưởng rộng hơn ra châu Âu theo nhiều cách khác nhau và không thể lường trước được.

 

Một số “bạn bè của người Hy Lạp” sẽ quyết định chứng tỏ sự đoàn kết với đồng bào châu Âu của mình. Số khác có thể theo gương Hy Lạp, đổ ra đường, không phải vì mất đoàn kết mà vì bức xúc với tình hình trong nước.

 

Trong tình huống tồi tệ nhất, hình ảnh biểu tình bạo lực tại một nước EU có thể sẽ là điều kích thích bạo lực ở nơi khác. Một số sẽ đổ cho EU và các biện pháp do Brussels đưa ra đã gây bùng phát bất ổn xã hội. Trong tình huống đó, cuộc khủng hoảng sẽ châm ngòi cho hiệu ứng domino xã hội hơn là domino kinh tế. Tình hình sẽ đáng lo ngại hơn nhiều.

 

Cuộc khủng hoảng và phản ứng đối với nó vốn đã dẫn tới những hiểu lầm và cảm giác tồi tệ khắp EU, tạo ra sức tàn phá ghê gớm hơn nhiều. Những vấn đề và cảnh tượng lịch sử trước đây đã tái xuất hiện. Sự đối đầu giữa Hy Lạp và Đức đặc biệt đáng chú ý. Những cáo buộc lẫn nhau đã lên đến mức không còn xứng đáng với “lịch sử chung và mối quan hệ cá nhân, văn hoá và kinh tế giữa hai nước”.

 

Thực tế, có thể cho rằng, quân domino chính trị đã sắp đổ. Cuộc khủng hoảng và phản ứng đã nới rộng thêm những rạn nứt cũ và mở ra những rạn nứt mới. Ngờ vực giữa các nước EU có vẻ đang trở nên phổ biến. Tất cả các bên đều cáo buộc nhau thiếu đoàn kết - hoặc công khai hoặc sau lưng.

 

Những ai chịu “khổ cực” nhất từ cuộc khủng hoảng cho rằng kế hoạch giải cứu mới đây  (110 tỷ euro từ nay tới năm 2012) nên đến sớm hơn nhiều, và sự mất cân bằng kinh tế tại EU đã góp phần vào cuộc khủng hoảng nợ ở một số thành viên. Những nước khác thì không hiểu tại sao họ lại cứu trợ những nước hành động thiếu trách nhiệm, khiến không chỉ chính họ mà còn cả đồng tiền chung gặp khó khăn.

 

Có tránh được tình trạng tồi tệ nhất hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào các công dân và nhà lãnh đạo châu Âu. Cũng có thể, các sử gia tương lai sẽ hỏi tại sao người châu Âu đầu thế kỷ 21 lại chọn cách chia rẽ và tự gạt mình ra ngoài lề quốc tế thay vì đoàn kết và gắn bó.

 

(THEO VNN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên