Ireland: Đảng Sinn Fein làm nên lịch sử

Cập nhật: 18-02-2020 | 14:39:16

Cuộc bầu cử Quốc hội Ireland diễn ra hôm 8-2 đã cho kết quả ngoài sự mong đợi của giới quan sát, kể cả những chính khách thuộc đảng Sinn Fein theo đường lối cộng hòa: Từ một đảng bên lề, Sinn Fein vươn lên trở thành đảng dẫn đầu.

Kết quả kiểm phiếu công bố hôm 10-2 cho thấy đảng Sinn Fein đã giành tỉ lệ cao nhất, với 24,5% phiếu phổ thông và 37 ghế nghị sĩ, theo sau là hai đảng lớn truyền thống đều tụt dốc tệ hại, trong đó Fianna Fail giành được 22,2% phiếu phổ thông và 38 ghế, còn đảng cầm quyền Fine Gael chỉ đạt 20,9% và 35 ghế.

Với kết quả này, Sinn Fein đã lập kỷ lục mới về tỉ lệ phiếu bầu và số ghế đại biểu đạt được. Lần gần đây nhất Sinn Fein lập kỷ lục là kỳ bầu cử năm 2016, khi đó đảng này đạt 13,8% và 23 ghế đại biểu trong Dail Eireann (Hạ viện Ireland).

Sự vươn lên của Sinn Fein bắt nguồn từ những cải cách đã được nhà lãnh đạo trước đây là ông Gerry Adams đặt nền móng khi ông chuẩn bị chuyển giao thế hệ. Gerry Adams đã biến Sinn Fein từ một nhánh chính trị của lực lượng vũ trang IRA thành một đảng phái chính trị thực thụ để đấu tranh cho mục tiêu của mình.

Lãnh đạo đảng Sinn Fein Mary Lou McDonald cùng cử tri mừng chiến thắng.

IRA là lực lượng bị xếp vào danh sách khủng bố, từng gây ra những cuộc đánh bom đẫm máu trong thời kỳ biến loạn ở Bắc Ireland những thập niên 80, 90 của thế kỷ XX. Với chủ trương thân cộng hòa, không chấp nhận liên hiệp với Hoàng gia Anh, IRA đòi ly khai cho vùng đất Bắc Ireland để sáp nhập vào Cộng hòa Ireland.

Năm 1986, Adams đã nhận ra rằng IRA không thể tiếp tục theo đuổi phương án đánh bom khủng bố để đạt mục tiêu thống nhất toàn Ireland, vì thế ông đã tìm cách thuyết phục các thành viên của lực lượng này chuyển sang đấu tranh bằng chính trị, sử dụng diễn đàn nghị viện để đạt mục tiêu. Đó là lúc Sinn Fein ra đời.

Con đường “độc hành” của Sinn Fein cũng lắm gian nan, giành từng ghế nghị sĩ để ngoi lên. Trong các kỳ bầu cử năm 1987, 1989 và 1992, mặc dù cũng có được một bộ phẫn cử tri ủng hộ nhưng Sinn Fein chưa bao giờ giành được quá 2% số phiếu bầu, bởi vì chẳng ai muốn bỏ phiếu bầu cho đảng phái dính líu đến khủng bố.

Tuy nhiên, những bước ngoặt hòa bình được tạo ra từ thỏa thuận ngừng bắn năm 1994 giúp Sinn Fein lần đầu tiên vượt qua tỉ lệ 2% phiếu bầu (đạt 2,6%) vào năm 1997 và có ghế nghị sĩ đầu tiên trong Hạ viện. Rồi thỏa ước lịch sử “Ngày Thứ sáu tốt lành” năm 1998 đã mở toang cánh cửa chính trị cho Sinn Fein. Năm 2002, Sinn Fein đạt 6,5% số phiếu phổ thông và 5 ghế nghị sĩ.

Năm 2007, đạt 6,9%, năm 2011 đạt 9,9%, đến kỳ bầu cử năm 2016, Sinn Fein đã trở thành một đảng có thế lực với tỉ lệ 13,8% phiếu và 23 ghế nghị sĩ. Đó đã là những bước tiến quan trọng trên con đường chính trị của một tổ chức bị xếp vào danh sách khủng bố. Sinn Fein muốn vứt bỏ quá khứ đẫm máu để chọn lại con đường đấu tranh cho mục tiêu bất di bất dịch của mình.

Đương kim Thủ tướng Leo Varadkar, lãnh đạo đảng Fine Gael.

Bởi vậy, ông Gerry Adams, dù không còn nắm cương vị nào trong đảng vẫn cảm thấy tự hào, vui mừng tuyên bố con đường đấu tranh cho mục tiêu thống nhất Ireland của Sinn Fein đang “thuận buồm xuôi gió” và đảng này sẽ tận dụng tốt sứ mệnh được cử tri giao phó để thực hiện nó.

Kỳ bầu cử ngày 8-2 vừa qua thật sự là sự kiện lịch sử cho cả Sinn Fein lẫn chính trường Ireland: Lần đầu tiên Sinn Fein trở thành đảng lớn nhất Ireland, đảo lộn mọi trât tự chính trị truyền thống với 2 đảng (Fianna Fail và Fine Gael) thay phiên nhau cầm quyền suốt 100 năm qua.

Nếu như ông Gerry Adams là người có công tạo ra Sinn Fein và đưa đảng này từng bước ngoi lên trên chính trường, thì lãnh đạo đương nhiệm Mary Lou McDonald chính là người có công lớn tạo ra chuyển biến mạnh mẽ dẫn đến thành công hôm nay cho Sinn Fein. Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố chính thức hôm 11-2, ông Gerry Adams đã hết lời ca ngợi McDonald.

Phấn đấu đạt được kết quả bầu cử tốt đã khó, chuyển hóa nó thành quyền lực thực tế để điều hành đất nước càng khó hơn. Vấn đề khó khăn nhất trong giai đoạn trước mắt sẽ là việc đàm phán thành lập chính phủ liên hiệp. Vài tháng trước bầu cử, các chỉ số thăm dò thấp khiến ban lãnh đạo Sinn Fein lo ngại một kết quả không tốt trong ngày bầu cử, vì thế đảng này đã đăng ký số lượng ứng cử viên rất hạn chế, chỉ 42 người. Từ đó, Sinn Fein dẫn đầu cuộc bầu cử với số ghế khá khiêm tốn, để ngỏ khả năng đàm phán thành lập chính phủ cho cả 3 đảng.

Giới phân tích nhận định, Sinn Fein vẫn có thể không nắm quyền điều hành đất nước nếu 2 đảng còn lại thành công trong việc đàm phán liên minh với nhau và lôi kéo thêm đảng Xanh (Greens) để đạt 80 ghế trong Hạ viện - số ghế tiêu chuẩn để đủ điều kiện thành lập chính phủ theo quy định. Sinn Fein chắc chắn sẽ không để điều đó xảy ra.

Lãnh đạo Sinn Fein McDonald dự tính thành lập liên minh với các đảng nhỏ thuộc cánh tả nhưng phương án này có vẻ khó thành công vì một chính phủ có quá nhiều đảng phái tham gia rất dễ phát sinh lục đục, đổ vỡ. Phương án còn lại đang được tiến hành, đó là đàm phán với một trong 2 đảng lớn hoặc cả hai.

Lãnh đạo đảng Fine Gael (cầm quyền), ông Leo Varadkar đã cương quyết không đàm phán với Sinn Fein, trong khi lãnh đạo Fianna Fail, ông Micheal Martin có vẻ mềm mỏng hơn, từ chỗ cự tuyệt thẳng với Sinn Fein đã thay đổi thái độ và sẵn sàng đàm phán, miễn là Sinn Fein đưa ra được một chương trình hành động tốt, gần với chủ trương của Fianna Fail.

Cho dù kết quả đàm phán thế nào, một Ireland với Sinn Fein dẫn đầu các đảng chính thống sẽ đặt ra thử thách mới cho London trong các vấn đề về tương lai của Bắc Ireland.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên