Kế hoạch bảo vệ môi trường ở Bình Dương: Thực trạng và giải pháp

Cập nhật: 11-11-2010 | 00:00:00

Nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2007-2010 đã được phê duyệt gồm có 4 mục tiêu (MT) chung, 13 mục tiêu cụ thể và xác định 3 nhóm trọng tâm được cụ thể hóa thành 16 nhiệm vụ, đề án trọng tâm cùng 33 dự án ưu tiên đầu tư và nghiên cứu đầu tư... Qua 3 năm triển khai thực hiện, kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển ổn định và bền vững của tỉnh nhà...

Từ các mục tiêu, nhiệm vụ, đề án, dự án...

Đến nay về cơ bản một số MT BVMT chủ yếu đã được hoàn thành. Bên cạnh đó, một số MT vẫn chưa đạt. Trong 13 MT đặt ra, có 5 MT đạt 100% so với kế hoạch gồm MT về bố trí cơ sở sản xuất mới đúng quy định được phê duyệt, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, có nhà tiêu hợp vệ sinh, tỷ lệ các đơn vị khai thác khoáng sản phải thực hiện đóng mỏ sau khai thác và tỷ lệ các đơn vị khai thác nước ngầm với quy mô công nghiệp được cấp phép khai thác; 6 MT đạt trên 90% gồm MT về tỷ lệ các KCN khi đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, tỷ lệ các cơ sở sản xuất trong KCN đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý, tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom xử lý, tỷ lệ chuồng trại có hệ thống xử lý chất thải. Còn 2 MT đạt thấp gồm tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường hoặc được chứng nhận ISO 14001 chỉ đạt 16,5%. Phần lớn là do các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nằm ngoài KCN không đủ nguồn lực để đầu tư các hệ thống xử lý chất thải. MT 140 khu dân cư đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải cũng chưa hoàn thành là do chi phí đầu tư công trình rất lớn, các chủ đầu tư cố tình né tránh không thực hiện, trong khi đó công tác phối hợp các sở, ngành chưa chặt chẽ và kiểm tra chế tài chưa nghiêm. 

        Dự án ầu tư lắp đặt quan trắc nước thải tự động, góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BVMTĐể đạt được MT, chính quyền các cấp, ngành tài nguyên môi trường và đoàn thể đã chủ động phối hợp xây dựng nhiều nhiệm vụ, đề án, thực hiện tốt về chương trình liên tịch về BVMT. Cụ thể, trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT, bằng nhiều hình thức như tập huấn, hội thảo, mit-tinh, xây dựng mô hình tự quản về BVMT, mở các chuyên đề, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các hoạt động đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Điển hình như UBMTTQ đã đưa tiêu chí BVMT thành một trong những tiêu chí để công nhận gia đình, khu phố, ấp văn hóa; từ ngày thành lập đến nay, 14 tổ tự quản về BVMT hoạt động khá tốt; Đoàn thanh niên không ngừng đẩy mạnh phong trào tình nguyện BVMT, duy trì mô hình thí điểm  Đội thanh niên xung kích can thiệp tại cộng đồng về môi trường; Hội Liên hiệp Phụ nữ cũng đã thành lập 39 câu lạc bộ tuyên truyền viên nước sạch và vệ sinh môi trường...

Công tác quản lý Nhà nước về BVMT không ngừng được tăng cường, bước đầu đã đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường trong giai đoạn hiện nay. Ngoài lực lượng cấp tỉnh, mỗi phòng tài nguyên - môi trường cấp huyện có từ 6 - 7 người; 78/93 xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên trách về BVMT. Đến nay, các lực lượng đã phối hợp điều tra cơ bản 6/8 quy hoạch, đề án, cụ thể về quy hoạch chất thải rắn, đề án kiện toàn hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị, chất thải y tế; đề án điều tra thống kê hiện trạng và đề xuất quản lý chất thải rắn công nghiệp, nguy hại; đề án đánh giá chất lượng nước ngầm tại một số khu vực có nguy cơ ô nhiễm và đề án nghiên cứu đánh giá hoạt động khai thác đá xây dựng thuộc địa bàn 2 huyện Dĩ An, Tân Uyên. Các quy hoạch, đề án này góp phần chấn chỉnh công tác quản lý môi trường và tài nguyên nước, khoáng sản trên địa bàn. Cùng đó, chương trình xử lý và di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cũng đã và đang được thực hiện khá tốt, góp phần đem lại tính nghiêm minh của pháp luật về kế hoạch BVMT.

 Đối với các dự án ưu tiên đầu tư, thời gian qua, các sở, ngành đã chủ động, nỗ lực triển khai thực hiện. Đến nay, có 13 dự án đã cơ bản hoàn thành đúng theo tiến độ. Con số thống kê cho biết, tổng vốn của 33 dự án ưu tiên đầu tư là 4.473 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án mang tính chất đầu tư về quan trắc và xử lý nước thải; 10 dự án về cấp nước; 8 dự án về thoát nước thải đô thị công nghiệp, 11 dự án tiêu thoát nước nông thôn và thủy lợi...

Kết quả đạt được không nhỏ, nhưng...

Các mục tiêu, nhiệm vụ, đề án và dự án trong kế hoạch BVMT đã mang lại kết quả không nhỏ cho tiến trình phát triển của tỉnh nhà. Nhận thức của cộng đồng về môi trường đã được nâng lên, tạo chuyển biến từ hành vi, thói quen đến văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, chất lượng các thành phần môi trường chưa được cải thiện rõ rệt, tình hình ô nhiễm còn xảy ra, nhất là khu vực phát triển công nghiệp và đô thị; quản lý Nhà nước về BVMT đã được tăng cường nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhất là công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp và đô thị chưa đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư về môi trường còn quá chậm, tốc độ giải ngân thấp làm gia tăng ô nhiễm môi trường.

Phát huy những kết quả đạt được, đồng thời tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ BVMT, phấn đấu thực hiện hoàn thành các MT đề ra đến năm 2015, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh chú trọng xây dựng các giải pháp cụ thể như: Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về BVMT; tăng cường công tác quản lý Nhà nước BVMT; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án xây dựng hạ tầng, trang bị cơ sở vật chất xử lý nước thải; hợp tác khu vực và quốc tế trong BVMT; đẩy mạnh công tác xã hội hóa và đa dạng hóa các nguồn vốn cho công tác BVMT.

Các mục tiêu cụ thể kế hoạch BVMT của tỉnh giai đoạn 2011-2015:

100% các dự án đầu tư mới được bố trí với quy hoạch.

100% các KCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường.

100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường được xử lý nghiêm triệt để hoặc di dời ra khỏi các khu dân cư đô thị.

100% các khu đô thị, khu nhà ở xây dựng hệ thống thoát nước thải và xử lý nước thải tập trung theo đúng quyết định phê duyệt.

Tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn môi trường hoặc được chứng nhận ISO 14001 đạt 60%.

Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn đạt 90%.

Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải y tế đạt 100%.

Tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch đạt 99%.

Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%.

Tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 95%.

Tỷ lệ chuồng trại có hệ thống xử lý chất thải đạt 90%.

Tỷ lệ độ che phủ rừng, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp lâu năm đạt 57%.

 

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên