Kẻ thù giấu mặt

Cập nhật: 15-03-2013 | 00:00:00

Có những người đang sống bình yên bỗng trở nên khổ sở vô cùng mà không biết nguyên nhân vì sao. Họ không biết kẻ thù của mình là ai?

Anh Hoàng Vĩnh Bảo, đang sinh sống ở thành phố Hải Phòng kể rằng: Gia đình anh sinh sống trong một khu tập thể mà tất cả những người ở đó đều làm việc cùng một cơ quan. Trước đây, mọi gia đình đều có mức sống tương đương, không giàu có, nhưng đầm ấm và rất nghĩa tình. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, cơ quan của họ được cổ phần hoá, việc làm ăn có rất nhiều thay đổi. Do vị trí công tác mà có người giàu lên rất nhanh, nhưng cũng có những người không may mắn. Nhân vật của chúng ta cũng là một người trong số đó.

  Ảnh minh họaAnh không phất nhanh như một số bạn bè của mình. Dù vậy, cuộc sống của gia đình anh vẫn ổn định, thu nhập vẫn đủ để đảm bảo cuộc sống của gia đình. Có điều, anh rất buồn vì sự thay đổi trong tình cảm của các thành viên trong gia đình. Các con anh trước kia vốn hoạt bát, hiếu động nhưng thời gian gần đây luôn tỏ ra thiếu tự tin khi chơi đùa với lũ trẻ cùng xóm. Sự thiếu tự tin ấy, theo cảm nhận của anh là bởi lũ trẻ biết nhà mình nghèo, không có nhiều tiện nghi như nhà hàng xóm.

Khi những đứa trẻ con hàng xóm khoe đồ chơi mới, mặc quần áo đẹp đùa chơi trong sân, mấy đứa bé nhà anh ở yên trong nhà, nhìn qua cửa sổ. Vợ anh cũng vậy, mỗi khi bực mình vì nỗi gì đó, vẫn thường đem anh ra so sánh với người đồng nghiệp ở cạnh nhà. Không những thế, trước kia, vợ anh là một phụ nữ rất nhân hậu, vậy mà gần đây, chị khiến anh đôi khi hoảng sợ bởi sự nanh nọc, độc ác.

Đó là những lúc anh bắt gặp vẻ mặt đầy hớn hở của vợ khi kể về một chuyện đen đủi nào đó mà nhà hàng xóm gặp phải. Thậm chí có lần, cả gia đình anh bạn hàng xóm đi nghỉ mát, nửa đêm, bên đó có tiếng động lạ, anh vùng dậy chạy sang, soi đèn và hô hoán, kịp thời đuổi lũ trộm. Khi trở về, nhìn mặt vợ nặng trịch, hỏi thì chị bảo, sao anh lại ôm đồm chuyện thiên hạ, nếu thừa sức lực thì đi mà tập trung nghĩ cách lo cho gia đình khá giả để vợ con được nhờ.

Lần đó, thấy vẻ mặt buồn rầu của anh, chị vợ cũng thấy mình quá lời nên sau đó tìm cách vỗ về để mọi chuyện qua đi. Anh cũng không giận vợ, nhưng câu nói đó của vợ như một mũi kim, thỉnh thoảng lại đâm vào niềm tự ái khiến anh nhói lòng.

Anh buồn vì không thể làm gì để cải thiện kinh tế gia đình. Là một kỹ sư, anh chỉ biết tập chung vào công việc chuyên môn nhưng thu nhập dẫu có khá hơn nhiều người vẫn không sao bì được với anh bạn hàng xóm là trưởng phòng kinh doanh. Càng cố gắng, anh càng thấy thất vọng với bản thân mình. Có hôm, xong việc, anh không muốn về nhà, một mình vào quán bia, uống đến mềm người với một nỗi băn khoăn “Kinh tế gia đình anh khá giả hơn trước kia rất nhiều, vợ con anh cũng không vất vả nhiều như trước. Tại sao cuộc sống lại trở nên nặng nề hơn”.

Câu hỏi của anh Bảo thực ra không phải điều cá biệt. Khái niệm về sự giàu có rất vô cùng, khái niệm hạnh phúc còn mênh mang hơn thế. Hơn 10 năm về trước, tôi đã rất ngạc nhiên về ánh mắt hạnh phúc của những người đàn ông Mông ở chợ phiên Trạm Tấu.

Họ nghèo lắm! Những người đàn ông xuống chợ bán những quả táo mèo rồi cùng nhau uống vài bát rượu ngô. Tất cả họ đều nghèo như nhau. Sự nghèo khó hiện diện trên những đôi chân trần nứt nẻ, trên lớp nỉ bạc màu của những chiếc mũ nồi. Nhưng dưới chiếc mũ bạc màu ấy, tôi thấy ánh mắt của họ rất giống nhau, lấp lánh những sắc màu hạnh phúc khi họ cùng chia sẻ niềm vui hội hè của một buổi chợ phiên.

Ít năm sau, cũng phiên chợ Trạm Tấu, tôi thấy những người Mông đi chợ đã khá giả hơn nhiều. Không còn ai phải đi chân đất. Có người đeo đồng hồ SK, có người cưỡi xe Minks... nhưng không phải lúc nào ánh mắt họ cũng lấp lánh niềm hạnh phúc. Tôi nhận ra những tia mắt bất chợt trở nên âm u của một người đàn ông khi anh ta ngồi bên nồi thắng cố và nhìn trân trối vào một người đàn ông khác. Người kia đang hớn hở chằng cái ti vi màu mới mua lên xe. Sự phân hoá giàu nghèo là một điều tất yếu. Nhưng không phải ai nghèo cũng không còn hạnh phúc. Ánh mắt của người đàn ông ấy chỉ trở nên âm u khi nhìn thấy sự hớn hở của bạn mình. Khi nhìn ánh mắt ấy, tôi biết rằng sự đố kỵ, đó chính là kẻ thù giấu mặt đối với mỗi chúng ta.

Bất giác, tôi nhớ đến một câu chuyện xưa. Chuyện về một người nông dân nghèo. Anh ta làm lụng cật lực mà vẫn nghèo. Trong khi người em trai của mình thì ngày càng giàu có như thể của cải cứ tự nhiên mà theo về. Một đêm buồn quá, người nông dân ngồi khóc đến khi Bụt hiện ra và hỏi: Vì sao con khóc? - Người nông dân kể về nỗi buồn của mình. Nghe xong Bụt bảo: Ta cho con một điều ước, con ước có gì ta cũng đáp ứng, nhưng con được một thì em con sẽ được gấp đôi vì số phận đã định như thế rồi. - Người nông dân nghĩ một hồi rồi nói: Con ước Bụt cho con được mù một mắt! - Nghe xong lời ước đó, ông Bụt lặng lẽ quay đi và từ đó đến nay không bao giờ dám trở lại cõi trần.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên