Thí sinh tại cụm thi Vinh trong buổi thi sáng ngày 4-7-2014. (Ảnh: Doãn Hòa)
Chưa phát hiện thi hộ, thi kèm!
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số thí sinh đến dự thi sáng ngày 4-7 của cả nước là 595.863. Tỷ lệ thí sinh đến dự thi/số thí sinh đăng kí dự thi đạt tỷ lệ 77,62 % . Tuy nhiên, đến buổi thi cuối, số thí sinh đến dự thi là 591.407, đạt tỷ lệ 77,04 %. Như vậy, có tới 4.456 thí sinh bỏ thi trong thi đại học đợt I.
Nhìn chung về tình hình thi đại học đợt I an toàn và khá nhẹ nhàng chưa có sự cố đặc biệt nào xảy ra. Các trường đại học đã thực hiện đúng quy chế, cảnh giác đề cao công tác chống gian lận cao trong thi nên chưa phát hiện ra gian lận nào.
GS.TS Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm - Giám đốc Học viện, cho biết, năm nay Học viện Cảnh sát Nhân dân đã đề ra quy định nghiêm ngặt gắn với trách nhiệm cán bộ làm công tác coi thi. Theo đó, nếu để xảy ra 2 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế phải xử lý các mức kỷ luật thì giám thị đó buộc phải điều chuyển khỏi vị trí hiện đang công tác và chịu mức kỷ luật nghiêm khắc. Nếu tại điểm thi có 5 thí sinh vi phạm quy chế phải áp dụng các hình thức kỷ luật thì trưởng điểm coi thi phải chịu mức kỷ luật nghiêm khắc và buộc điều chuyển công tác khác....
Còn tại trường ĐH Kinh tế quốc dân, GS.TS Phạm Quang Trung cũng cho biết: “Để chống thi hộ, thi kèm, trường đã phối hợp chặt với Phòng Bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng, CATP Hà Nội để tập huấn và phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ. Đồng thời, ngay từ đầu đã lựa chọn cán bộ coi thi là những người có kinh nghiệm.
Đề thi dễ, sĩ tử phấn khởi!
Như đã trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đề thi năm nay ra sẽ không bắt thí sinh phải nhớ nhiều chi tiết một cách máy móc, không học thuộc lòng theo khuôn mẫu có sẵn nhưng tăng cường kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Kiến thức đề thi nằm trong khung chương trình phổ thông, không quá dài, quá khó, không đánh đố thí sinh.
Quả đúng như vậy, nhận xét về đề thi năm nay, nhiều giáo viên cho rằng, đề dễ nhưng thí sinh khó đạt điểm cao. Thầy Nguyễn Thành Sơn, giáo viên môn Hóa, Trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho biết, 3 môn thi toán, lý, hóa năm nay không có phần tự chọn. 50 câu của đề chia thành hai nhóm với sự khác biệt rõ rệt về mức độ: Một nửa số câu trong đề thi rất cơ bản như đề thi tốt nghiệp đa phần học sinh có thể làm được nên học sinh trung bình dễ dàng đạt được 5 điểm. Một nửa số câu ở mức độ nâng cao nhằm phân loại học sinh trung bình và học sinh khá. Để giải được những câu này học sinh cần nắm vững về bản chất hóa học và có kĩ năng tốt. Đề thi có nhiều câu hỏi liên hệ thực tế - ứng dụng hơn.
Còn Thầy Lại Tiến Minh, giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nhận xét: "Đề thi năm nay dễ hơn hẳn so với mọi năm, do đó khó phân loại được thí sinh trung bình khá và thí sinh khá. Trong đó, câu 1-6 khá dễ, không đánh đố, đa phần học sinh có thể làm được. Còn câu 8, 9 khó hơn, giúp phân loại thí sinh giỏi. Đa số các câu hỏi trong đề thi nằm trong phần kiến thức lớp 12”.
Nhận định về đề thi ĐH môn Toán, thầy giáo Trần Mạnh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: “Đề đã thay đổi cấu trúc so với năm trước là không có phần tự chọn, ít nhiều gây bất ngờ và khó khăn hơn cho thí sinh vì đề đẩy mạnh tính phân hóa".
Điều đặc biệt, năm nay đã có tới 22.000 sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ thí sinh đến dự thi. Các trường đại học và các tổ chức xã hội đã hỗ trợ được 30.200 các suất ăn miễn phí; hỗ trợ 38.292 chỗ ở miễn phí tới thí sinh và người nhà.
Tăng cường kỷ luật phòng thi đại học đợt 2
Thi đại học đợt II với nhiều khối thi nếu không cẩn thận sẽ xảy ra nhiều sự cố. Lường trước các sự cố có thể sẽ xảy ra, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Bộ GD-ĐT yêu cầu các hội đồng thi cần nhắc nhở giám thị đặc biệt quan tâm đến lịch các môn thi. Khi bóc túi đề thi, các giám thị cần theo đúng qui trình qui định trong qui chế tuyển sinh để đề phòng việc mở nhầm đề thi. Trong quá trình tác nghiệp, các giám thị cần kiểm tra kỹ các vật dụng thí sinh mang vào phòng thi, đối chiếu cẩn thận ảnh của thí sinh để tránh thi kèm, thi hộ".
“Đợt này có nhiều môn thi tự luận nên giám thị cần để tâm quan sát phòng thí đề ngăn ngừa thí sinh quay cóp, xem tài liệu, sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử” - Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.
Để tổ chức đợt thi khối C, D1 nghiêm túc, đúng quy chế, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân yêu cầu các trường tiếp tục tổ chức tập huấn phổ biến quy chế tuyển sinh; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, sinh viên tham gia kỳ thi, đảm bảo thực hiện đúng quy trình và chức trách, nhiệm vụ được phân công, xử lý nghiêm cán bộ thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm quy chế.
Các hội đồng thi cần yêu cầu cán bộ coi thi đặc biệt chú ý kiểm tra, đối chiếu kỹ nhân dạng của thí sinh với ảnh trong giấy báo dự thi, giấy chứng nhận sơ tuyển, chứng minh nhân dân để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn việc thi hộ; tăng cường kiểm tra kịp thời ngăn chặn thí sinh mang các vật dụng bị cấm hoặc thiết bị thông tin liên lạc để sử dụng trong quá trình thi, đồng thời có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và kiên quyết ngăn chặn thí sinh mang tài liệu vào khu vực thi, điểm thi, phòng thi; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận của thí sinh.
Còn khối các trường Quân đội, đợt 2 tuyển sinh đại học sẽ có 7 trường Quân đội tổ chức thi với 13.589 thí sinh đăng ký dự thi. Số lượng thi không nhiều, nhưng do đặc điểm thi khối B, C, D nên dự báo số lượng thí sinh vi phạm quy chế thường nhiều hơn so với thi đợt 1.
Ban TSQS Bộ Quốc phòng chỉ đạo các trường tập huấn cho cán bộ coi thi nắm chắc nghiệp vụ, chủ động xử lý trước các hiện tượng gian lận, tiêu cực trong thi cử. Đặc biệt, các trường cần chú trọng làm tốt công tác giáo dục, quán triệt quy chế, quy định, kiểm tra, nhắc nhở kỹ trước khi gọi thi sinh vào phòng thi, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi gian lận, tiêu cực trong thi cử, bảo đảm công bằng về quyền lợi của thí sinh dự thi…
Theo Dân Trí