Khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép: Đã kiểm tra, xử lý nhưng đâu lại vào đó!

Cập nhật: 11-10-2010 | 00:00:00

Trước tình hình khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS) trên địa bàn diễn ra phức tạp, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh kiểm tra, công tác quản lý đối với các hoạt động về bến bãi, khai thác, kinh doanh cát. Tuy nhiên, khi vắng bóng đoàn kiểm tra thì các hoạt động trái phép vẫn tiếp tục tái diễn.

Đã kiểm tra, xử lý

Trước đây, trả lời cử tri xã Thường Tân, huyện Tân Uyên về tình hình không khí bị ô nhiễm và đường sá hư hỏng do các đơn vị khai thác đá trên địa bàn gây ra, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho biết, đã phối hợp với Phòng TN-MT của huyện và UBND xã Thường Tân tiến hành đo đạc, khảo sát chất lượng môi trường không khí tại khu vực gần các đơn vị khai thác đá. Kết quả cho thấy không khí dọc theo các tuyến đường vận chuyển của 9 đơn vị đang hoạt động khai thác tại xã Thường Tân đều bị ô nhiễm bụi, đúng theo phản ánh của cử tri. Đặc biệt, tuyến đường vận chuyển chung của các đơn vị này bị ô nhiễm bụi nặng. Để hạn chế ô nhiễm bụi và cải tạo giao thông khu vực này, các cơ quan chức năng đã làm việc với các đơn vị khai thác đá về kế hoạch nâng cấp, cải tạo duy tu 5km đường ĐT746 ngang qua khu vực mỏ và dự kiến trong năm 2010 sẽ tiến hành thi công sửa chữa. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra việc bảo vệ môi trường của các đơn vị khai thác đá. Nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tình hình khai thác vẫn diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân và cả vấn đề bảo vệ TNKS.

 

Bát nháo cảnh khai thác cát, đá ở Thường Tân, Tân Uyên. (Ảnh Đ.Hậu)

Còn đối với việc khai thác cát trên lòng hồ Dầu Tiếng và sông Thị Tính, cách đây hơn nửa năm, Sở TN-MT cũng đã ký công văn trả lời cho cử tri, khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, theo thỏa thuận giữa UBND tỉnh Bình Dương và Tây Ninh cùng Công ty Khai thác Thủy lợi hồ Dầu Tiếng thì việc thăm dò đánh giá trữ lượng, khai thác cát lòng hồ được giao cho 3 đơn vị (Tây Ninh 2 và Bình Dương 1). Để bảo đảm an toàn cho lòng hồ Dầu Tiếng, tại các cuộc họp thẩm định đã thống nhất việc khai thác cát trong lòng hồ chỉ tập trung ở khu vực lòng sông cổ (khoảng giữa hồ) và độ sâu khai thác chỉ là lớp cát bồi lắng (khoảng 1,5 - 2m). Việc cấp phép cho các đơn vị đều dựa trên các điều kiện này và những tiêu chí theo quy định. 

Chưa hiệu quả

Theo đánh giá của huyện Tân Uyên thì trong những năm qua, trên địa bàn huyện có 24 đơn vị khai thác khoáng sản được cấp phép hoạt động với trữ lượng khai thác trung bình hàng năm trên 7 triệu m3. Việc khai thác khoáng sản cơ bản đúng theo vùng quy hoạch. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của huyện thì tình trạng khai thác trái phép vẫn liên tục xảy ra mặc dù địa phương đã có nhiều biện pháp kiểm tra, xử lý kiên quyết. Song, việc ngăn chặn chưa đạt hiệu quả cao. Rõ ràng, công tác quản lý TN-MT chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ và kiên quyết làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vấn đề này cũng đã được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Minh Sang nhấn mạnh tại Đại hội Đảng bộ huyện Tân Uyên vừa qua: “Việc khai thác TNKS không bảo đảm theo quy hoạch và quản lý kém đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, cản trở quá trình đô thị hóa và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng...”. Huyện Tân Uyên cũng đã đặt vấn đề về quản lý TNKS trên địa bàn sẽ chặt chẽ hơn trong thời gian tới, đồng thời quy hoạch lại vùng khoáng sản để quản lý và khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Hậu quả của việc khai thác cát vô tội vạ đã góp phần làm sạt lở nghiêm trọng nhiều đoạn ven sông Đồng Nai (Ảnh H.V.U)

Trong phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của huyện Tân Uyên đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt cũng nêu rõ về vấn đề TN-MT. Đó là yêu cầu phát triển KT-XH đòi hỏi phải sử dụng, khai thác có hiệu quả tiềm năng và dự trữ thiên nhiên. Đánh giá những tác động ảnh hưởng qua lại giữa tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng phát triển thiên nhiên và quá trình tái sản xuất xã hội trong sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, trong các quy hoạch phân bố địa điểm nhằm nâng cao hiệu quả KT-XH và phát triển bền vững. Song song với việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên cần có biện pháp duy trì khả năng tái tạo nguồn tài nguyên, sử dụng tài nguyên hợp lý, có biện pháp phát triển và bảo vệ môi trường.

K.TÂN

Không tiếp nhận dự án khai thác khoáng sản

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án khai thác khoáng sản. Tại cuộc họp này, ông Lê Thanh Cung chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư khai thác khoáng sản theo công suất khai thác hàng năm cho các dự án đã nộp hồ sơ đúng quy định trước đó. “Quan điểm của UBND tỉnh là yêu cầu các sở, ngành chức năng và các địa phương từ nay về sau không tiếp nhận bất cứ hồ sơ nào xin chủ trương đầu tư dự án khai thác khoáng sản, các dự án xin đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch, ngói tuynel vào địa bàn tỉnh, trừ trường hợp có ý kiến của UBND tỉnh” - ông Lê Thanh Cung nói.

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên