Khám phá biểu tượng chiến thắng Bàu Bàng và Phước Thành

Cập nhật: 04-08-2012 | 00:00:00

Là công trình văn hóa - nghệ thuật thể hiện nội dung tư tưởng và tinh thần của thời đại, hai tượng đài chiến thắng Bàu Bàng và Phước Thành là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất và con người Bình Dương.

Khu tượng đài chiến thắng Bàu Bàng được xây dựng dựa trên di tích lịch sử cách mạng Bàu Bàng (xã Lai Uyên, huyện Bến Cát). Nằm sát quốc lộ 13, khuôn viên tượng đài rộng 13.200m2 với những khoảng không gian cây xanh thật thoáng mát. Những thảm cỏ vòng cung, vườn hoa xung quanh tượng đài làm cho công trình toát lên vẻ đẹp trang nhã và trang trọng.  

Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng

Chiến thắng Bàu Bàng (12-11-1965) đã qua gần nửa thế kỷ nhưng ở đây dường như vẫn còn nóng hổi một điểm son trong trận đầu thắng Mỹ trên chiến trường Đông Nam bộ. Chiến thắng đã góp phần to lớn vào kho tàng lịch sử quân sự, kinh nghiệm của lực lượng vũ trang cách mạng về cách đánh chiến thuật sinh động. Là trận mở đầu, tạo đà cho những trận tiếp sau cho đến chiến thắng cuối cùng. Và đầu xuân 1966, Bác Hồ gửi thư mừng đồng bào và chiến sĩ cả nước rằng: “Mừng miền Nam rực lửa chiến công/ Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plây-me, Đà Nẵng”. Công trình ghi lại công ơn của các vị anh hùng đã ngã xuống vì nước. Không những vậy, nó còn mang một ý nghĩa tư tưởng hết sức sâu sắc về truyền thống đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Góp phần truyền dạy cho tầng lớp thanh thiếu niên về tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Nhắc đến chiến thắng Bàu Bàng lại phải nhớ về  trận thắng Phước Thành trước đó (17-9-1961). Ông Phan Hữu Trí, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin - Thể thao huyện Phú Giáo đánh giá: “Chiến thắng Phước Thành là một chiến thắng vang dội, mở ra bước ngoặc rất lớn ảnh hưởng cả toàn miền Đông Nam bộ”. Phước Thành lúc đó là một tỉnh lị cách Thủ Dầu Một 50km, nằm giữa trung tâm đông bắc miền Đông Nam bộ, được chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập nhằm xây dựng một tiểu khu mạnh cùng với Chơn Thành, Bình Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Phước Long để tạo thành một cứ điểm quân sự liên hoàn bao vây hòng chia cắt Chiến khu Đ với Chiến khu Dương Minh Châu và Nam Tây nguyên. Đồng thời tạo thành tuyến phòng thủ về hướng đông và đông bắc Sài Gòn, với tham vọng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với miền Nam. Thấy được âm mưu đen tối của bọn giặc, quân và dân ta đã mở ra trận đánh giòn giã tiêu diệt tiểu khu Phước Thành, đập tan ý đồ lấy Phước Thành làm bàn đạp tiến công mở rộng của địch. Chiến thắng Phước Thành đã góp phần thúc đẩy phong trào du kích các địa phương phát triển mạnh và làm phá sản bước đầu chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy.

Để tưởng niệm chiến công cũng như đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong lịch sử, năm 2000 tỉnh đã đầu tư 7 tỷ đồng, xây dựng tượng đài chiến thắng Phước Thành tại thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo. Tượng  được làm bằng đá hoa cương cao 13m nằm trong vườn hoa trung tâm của thị trấn với khuôn viên rộng 12.059m2. Đây là nơi sinh hoạt truyền thống lý tưởng của nhân dân trong và ngoài khu vực.

Đến với những di tích lịch sử, chúng ta xin ghi nhớ công lao của các chiến sĩ đã hy sinh cho quê hương Bình Dương mãi giàu đẹp, ấm no hạnh phúc. Biểu tượng chiến thắng của những tượng đài sẽ mãi ghi sâu trong tâm mọi người, động viên thế hệ hôm nay luôn sống xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc.

LÊ NGÂN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên