“Sống vĩ đại, chết vinh quang”
Ông Phạm Văn Dũng (còn có tên khác là Phạm Đức Ngô), sinh
ngày 16-5-1925. Lớn lên trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh
sáng lập, lãnh đạo phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh. Căm thù bọn cướp
nước gây nên bao cảnh tang tóc, chia ly cho nhân dân, ông đã sớm giác ngộ, đi
theo lý tưởng của Đảng, chiến đấu để giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do
cho Tổ quốc. Ông thoát ly gia đình vào rừng tham gia kháng chiến từ năm 1945,
khi vừa tròn 20 tuổi. Tháng 5-1949, ông trở thành đảng viên Đảng Lao động Việt Nam.
Năm 1964, ông là cán bộ nghiên cứu Văn phòng Tỉnh ủy Thủ Dầu Một.
Mặt áo gối thêu hình đôi chim phụng, kỷ vật của ông Phạm Văn Dũng thêu trong những tháng ngày bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo
Vào những năm 1965-1968, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” với những thủ đoạn hết sức thâm hiểm và tàn ác. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo bình tĩnh, mưu trí và tài tình của Đảng, phong trào kháng chiến của quân và dân ta phát triển hết sức rầm rộ và mạnh mẽ, từng bước phá tan âm mưu kìm kẹp, phong tỏa của kẻ thù. Tư tưởng “sống vĩ đại, chết vinh quang” lan tỏa khắp nơi, trở thành lý tưởng sống cao đẹp của lớp lớp thanh niên thời bấy giờ. Thêm vào đó, những lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn” càng củng cố thêm niềm tin sắt đá vào một ngày tất thắng kẻ thù của dân tộc ta. Phong trào tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt diễn ra sôi nổi trên chiến trường.
Liên tục đưa ra các chiến lược đàn áp nhưng đế quốc Mỹ đều gặp thất bại. Sau thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, Mỹ ngụy đã mất quyền chủ động về chiến lược, phải bị động đối phó với hoạt động của ta trên nhiều chiến trường. Chính vì thế, chúng càng ra sức bắt bớ, tù đày chiến sĩ cách mạng, hòng làm lung lay ý chí chiến đấu dũng cảm của chiến sĩ ta. Tuy nhiên, chúng đã lầm, trong 6 tháng đầu năm 1967, cùng với những hoạt động quân sự, nhân dân các địa phương trong tỉnh đã thực hiện hàng trăm cuộc đấu tranh lớn nhỏ, đồng bào mang theo kiến nghị phản đối địch càn quét, gom dân, ném bom, bắn phá xóm làng, phá hoại mùa màng. Cuối tháng 9-1927, Mỹ dùng máy bay trực thăng đổ hai tiểu đoàn thuộc Sư đoàn Bộ binh số 1 Mỹ xuống ấp 1, xã Long Nguyên. Liên tiếp mấy ngày sau đó chúng đổ thêm quân xuống bàu Da Dốt, cây Cám Quéo, sở Tây Già, ấp Bờ Cảng, dinh điền Thị Tính thuộc xã Long Nguyên và Thanh An, càn quét sục sạo. Trong đợt này, ông Phạm Văn Dũng không may đã bị địch phát hiện và bắt với tội danh tù chính trị, bị cầm tù từ khám đường Bình Dương cho đến khám lớn Chí Hòa và đày ra Côn Đảo từ ngày 17-9-1967 cho đến ngày 1-5-1975.
Niềm tin tất thắng
Không được tiếp tục cùng đồng chí trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến, ngồi trong sà lim sắt với sự tra tấn, hành hạ dã man của kẻ thù, nhưng với người chiến sĩ đã thấm nhuần lý tưởng cách mạng ấy thì không có gì có thể giam hãm được. Chiếc áo gối thêu hình đôi chim phụng được ông Phạm Văn Dũng thêu trong thời gian bị nhốt trong hầm tối tại nhà tù Côn Đảo, từng đường kim mũi chỉ được thêu hết sức cẩn thận, trang trọng như gửi gắm niềm tin tuyệt đối vào sự chiến thắng. Trên mặt áo gối đôi chim phụng đối mặt vào nhau, nhưng không phải khoe dáng đẹp mà đôi mỏ đang mang một tấm biển phía dưới có khắc ngày 17-9-67 (là ngày người chiến sĩ này bị bắt), ở trên có 3 chữ Phước, Lộc, Thọ. Theo quan niệm của dân gian thì chim phụng là hình tượng của
hạnh phúc, biểu tượng của lòng trung thành và sự trung thực. Rõ ràng là việc chọn hình tượng chim phụng để thêu trên gối ẩn chứa rất nhiều điều muốn bộc bạch của người tù chính trị 67-75. Đó là tình yêu đất nước, yêu Đảng đã hòa vào máu tim, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào một ngày độc lập, tự do, ấm no của dân tộc được thể hiện tinh tế trong hình thêu trên chiếc áo gối, trước sự ngơ ngác của kẻ thù.
Chiếc áo gối có chiều ngang 39cm, chiều dài 45,5cm, bằng chất liệu vải ni-lông, là kỷ vật không thể quên được của người chiến sĩ cách mạng trong giai đoạn hoạt động, chiến đấu vì lý tưởng cách mạng hết sức cao đẹp. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng (30- 4-1975), rạng sáng ngày 1-5-1975 ông bước chân ra khỏi nhà tù, tận hưởng cái cảm giác hân hoan, sung sướng đến tột cùng khi đất nước hoàn toàn độc lập, tự do.
Noi gương cha, con ông là liệt sĩ Phạm Đức Phương cũng đã tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và đã hy sinh năm 1977. Vợ ông là Bồ Thị Sợi cũng là người phụ nữ có công với cách mạng. Với những đóng góp của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, ông được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng I, Huân chương Kháng chiến Độc lập hạng I, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Những lằn roi của kẻ thù hành hạ trên thể xác người chiến sĩ cộng sản ở tại nhà lao khổ ải khét tiếng của bọn đế quốc Mỹ vẫn không làm nhục nhuệ khí của người đã mang trong mình dòng máu cách mạng. “Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao”. Đó là tinh thần, ý chí sắt đá, kiên cường và hết sức lạc quan của người chiến sĩ cách mạng trong cuộc chiến đấu cam go với kẻ thù. Khi cái đẹp được thêu lên trong bóng tối, bài học ấy, đối với thế hệ trẻ ngày nay là cả sự khâm phục, biết ơn và noi gương đời đời.
NGỌC TRINH