Khiếu nại của bà Nguyễn Thị Lạnh (khu 2, phường Định Hòa, TX.TDM): Địa phương cần có biện pháp cứng rắn

Cập nhật: 06-01-2010 | 00:00:00

Bà Lạnh cho biết “sẽ không di dời hàng rào nếu ông lư vẫn tiếp tục lấn chiếm đất công”?

Đường giao thông nông thôn (GTNT) mở rộng không chỉ giúp cho đi lại dễ dàng mà còn mang đến bộ mặt khang trang cho cả khu vực. Ở một số địa phương xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương điển hình “tự nguyện hiến đất phát triển phong trào GTNT và chỉnh trang đô thị (CTĐT)”. Tuy nhiên, trong quá trình giải tỏa để thi công công trình, không phải cá nhân nào cũng biết gạt bỏ lợi ích cá nhân để hướng về lợi ích chung của cộng đồng...

Trong đơn khiếu nại gửi Báo Bình Dương, bà Lạnh trình bày: “... Trong quá trình triển khai cắm mốc lộ giới để tiến hành giải tỏa mặt bằng thi công, cán bộ địa phương xử lý không công bằng. Có hộ không lấy một tấc đất nào như hộ ông Tám, ông Trác, ông Lư... Sau khi làm đường GTNT xong, nhiều hộ thừa đất, thậm chí còn xây dựng hàng rào lấn chiếm đường đi; trong khi đó gia đình tôi và một số hộ nghèo không thân thế nên phải chịu bỏ đất ra làm đường mà không đòi hỏi điều kiện nào...”!

Đường GTNT trên ở tổ 13, khu phố 2, phường Định Hòa dài 520m, rộng 6m đi qua 9 hộ dân, trong đó có nhà bà Lạnh và ông Lư (đối diện nhau). Dẫn phóng viên (P.V) đi xem con đường GTNT trước nhà, bà Lạnh bức xúc: “Khi chưa giải tỏa thì con đường rộng lắm, giờ ông Lư xây rào lấn ra đường. Tôi không đồng ý nên muốn phường đối chiếu sổ đỏ của ông N.T.P (cha ông Lư) so với diện tích đất thực tế mà ông Lư sử dụng bây giờ”.

Ông Nguyễn Văn Đâu, Phó Chủ tịch UBND phường Định Hòa cho biết: “Trong năm 2006, thực hiện theo kế hoạch của UBND về việc làm đường GTNT và CTĐT theo danh mục đề ra; trong đó có tuyến đường cạnh nhà ông Trác đến nhà ông Mốt. Ngày 3-11-2006, Ban chỉ đạo làm đường GTNT và Ban điều hành ấp 2 tổ chức họp thống nhất ý kiến của nhân dân và được bà con đồng tình mở rộng tuyến đường GTNT trên, trong đó có cả hộ bà Lạnh. Trong quá trình giải tỏa thi công công trình, bà Lạnh không đồng ý di dời. Bà cho rằng: mặt đường hiện hữu 5m là đất của bà. Cách lý giải này của bà Lạnh khiến nhiều hộ dân ấp 2 bất bình nên đề nghị địa phương làm rõ. Ngày 1-2-2007, UBND xã phối hợp Ban điều hành ấp 2 (thời điểm này Định Hòa chưa lên phường) cùng hộ bà Lạnh kiểm tra thực tế diện tích đất thì thấy diện tích đất của bà tăng 32,2m2. Ngày 7-3-2007, xã mời bà Lạnh đến vận động di dời hàng rào để địa phương tiến hành san lấp mặt bằng nhưng bà không đồng ý. Bà yêu cầu “đo đất của ông Lư trước”! Thực tế, khi địa phương vận động các hộ di dời hàng rào và cây trồng trên đất thì các hộ đều chấp hành tốt kể cả hộ ông Lư. Do đó, yêu cầu kiểm tra đất ông Lư là không có cơ sở vì ông đã chấp hành việc giải tỏa giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Bà Lạnh không chấp hành mà lại yêu cầu kiểm tra các hộ khác! Ngày 26-8-2008, Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã làm việc với UBND phường về việc hỗ trợ cắm mốc ranh giới và thu hồi đất công của hộ bà Lạnh. Theo ý kiến của Phòng TN-MT nên mời bà đến vận động giải thích cắm mốc xác định ranh giới đất của bà. Ngày 1-10-2008, UBND phường mời bà đến dự, nghe vận động và yêu cầu hộ của bà thực hiện nhưng bà lại cử con gái đi thay; kết quả hộ bà vẫn không thực hiện. Ngày 25-11-2008, phường tiếp tục mời bà đến để vận động di dời hàng rào, bà không đồng ý và bỏ về, không ký tên vào biên bản. Việc làm của bà Lạnh cho thấy bà cố tình không hợp tác với địa phương để thực hiện việc làm đường GTNT. Lợi dụng tự do dân chủ, bà đã làm đơn gửi các ngành với nội dung sai sự thật, gây khó khăn cho địa phương...”.

Ông Đâu còn cho biết thêm: địa phương đã nhiều lần gửi tờ trình chuyển lên cấp trên để phối hợp giải quyết trường hợp của bà Lạnh nhưng hiện “vẫn đang chờ”! Trường hợp ông N.T.P, trước lúc mất đã chia đều phần đất của mình cho các con, trong đó có ông Lư; sở dĩ bà Lạnh muốn đối chiếu GCN QSDĐ của ông N.T.P chứ không phải GCN QSDĐ của ông Lư bởi bà cho rằng: trước đây ông N.T.P đã lấn chiếm đất công, sau đó “phù phép” cho các con. Riêng hộ ông Lư, ban đầu đã đồng ý dời hàng rào giao mặt bằng cho đơn vị thi công san lấp đường nhưng sau này khi thấy bà Lạnh “khư khư giữ hàng rào”, thì ông lại tiếp tục xây rào lấn đường với suy nghĩ “khi nào bà Lạnh chịu giao đất thì ông mới phá rào”!

Thiết nghĩ, ngoài việc giải thích vận động vì lợi ích chung, ngành chức năng cần nhanh chóng phối hợp để có biện pháp cứng rắn hơn đối với các hộ không chấp hành bàn giao mặt bằng như đã thống nhất mà còn “nhìn qua ngó lại” trông chừng hàng xóm.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên