Khó khăn về điện còn kéo dài đến giữa tháng 6

Cập nhật: 28-05-2010 | 00:00:00

Bên hành lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, phải đến khoảng giữa tháng 6, khi bước vào mùa mưa thì tình trạng thiếu điện mới được cải thiện đáng kể.

- Thưa Bộ trưởng, ngoài tình trạng thời tiết diễn biến bất thường thì còn có nguyên nhân nào khác để dẫn tới tình trạng thiếu điện trong thời gian qua?

Năm 2009, chúng ta có tổng công suất điện vào khoảng 19.000 MW phụ tải cao nhất vào khoảng 15.000 MW. Về mặt lý thuyết thì còn 4.000 MW điện thương phẩm, nhưng năm nay ngành điện gặp phải khó khăn lớn khi sản xuất điện, thời tiết diễn biến phức tạp, hầu như không có mưa, nắng nóng kéo dài ở Nam Bộ, nắng nóng đến sớm ở khu vực miền Bắc nên lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện thấp hơn cùng kỳ nhiều năm vào khoảng 50- 60%.

Ảnh minh họa

Nếu buộc phải tiết giảm điện thì ngành điện phải có thông báo trước và cắt điện luân phiên để đảm bảo công bằng. Tình hình khó khăn về điện sẽ tồn tại khoảng đến giữa tháng 6, cụ thể là khoảng 20-6, sau đó khi mùa mưa đến thì sẽ được cải thiện hơn và quay trở lại mức như năm 2009.

Khó khăn thiếu điện năm nay là vượt quá khả năng của ngành này. Trong khi đầu năm, nước về hồ ít nhưng chúng ta vẫn phải xả nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nếu dùng số nước này phục vụ cho sản xuất điện thì tình hình sẽ khá hơn.

- Nhưng người dân thì cho rằng thiếu điện là do thái độ chủ quan của ngành điện?

Theo tôi, ngành điện chưa thực hiện tốt việc giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu những khó khăn đang gặp phải. Một số cá nhân và một số đơn vị của ngành cũng có thái độ ứng xử chưa phù hợp làm sự bức xúc của người dân tăng lên. Chúng tôi đã kiểm điểm và yêu cầu ngành điện phải rút kinh nghiệm. Nhân dân không sợ thiếu điện, chỉ sợ không công bằng, không minh bạch.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu ngành điện phải nhanh chóng đưa vào sản xuất những nguồn điện mới theo đúng tiến độ. Thứ nữa là huy động tất cả những nguồn điện có thể được, kể cả những nguồn điện hiện nay giá thành sản xuất rất cao như các nhà máy phát điện chạy bằng dầu, bằng diezen. Giá thành của nó lên đến 3.000 - 4.000 đồng/kWh trong khi giá bán chỉ là 1.035 đồng/kWh thôi nhưng bộ cũng yêu cầu phải phát điện, phải sản xuất điện ở mức cao nhất.

Song song với đó, ngành điện phải gấp rút sửa chữa những máy móc, thiết bị hỏng để nhanh chóng tái đưa vào sản xuất. Trên thực tế thì một số nhà máy điện ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng vì đang ở giai đoạn vận hành ban đầu thì sự trục trặc vẫn có thể xảy ra nhưng phải được nhanh chóng khắc phục để ổn định sản xuất.

Trong báo cáo của Bộ Công Thương trình Quốc hội tại kỳ họp lần này về dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có nói là có cơ sở tiết kiệm được khoảng 20% năng lượng hiện nay sử dụng không hiệu quả. Vì vậy, việc tăng cường cuộc vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân để giảm bớt khó khăn của ngành điện là rất cần thiết.

Hiện tại, người dân và xã hội đã ủng hộ, đồng tình và chia sẻ khó khăn với Chính phủ, kể cả từ việc điều chỉnh giá điện. Tôi nghĩ nếu phối hợp đồng bộ và hiệu quả những biện pháp trên thì có thể khắc phục được tình hình thiếu điện hiện nay.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng.

(THEO TTXVN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên