Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Khó thực hiện các tiêu chí văn hóa

Thứ tư, ngày 27/03/2013
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Cùng với việc nâng cao đời sống vật chất, thì đời sống văn hóa tinh thần cũng được chú ý. Tuy nhiên, tất cả các xã xây dựng NTM của Bình Dương hiện đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các tiêu chí này.

Loay hoay tìm cách giải

Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, có 2 tiêu chí về thiết chế văn hóa là cơ sở vật chất văn hóa và văn hóa. Với các xã được đầu tư xây dựng NTM từ lâu như An Sơn (TX.Thuận An), Bạch Đằng (Tân Uyên) hay Tân Long (Phú Giáo), tuy đã có kinh nghiệm trong việc thực hiện các tiêu chí, nhưng lãnh đạo các xã này vẫn phải lắc đầu ngao ngán trước các tiêu chí văn hóa. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định sửa đổi nội dung 5 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, nhưng các sửa đổi này lại không rơi vào tiêu chí văn hóa.

Nhà Văn hóa xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên được xây mới khá hiện đại Xã An Sơn là xã điểm xây dựng NTM của Bình Dương và đang tập trung xây dựng nhà văn hóa xã, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Tuy nhiên, điều lo lắng của lãnh đạo xã An Sơn hiện nay không nằm ở vấn đề xây dựng mà là sau khi xây dựng xong có sử dụng hết công suất nhà văn hóa hay không. Ông Trần Văn Mười, Bí thư - Chủ tịch UBND xã An Sơn băn khoăn, nếu xây dựng nhà văn hóa xã đạt tiêu chuẩn thì phải có khu vui chơi thể thao, trong đó phải có sân thể thao rộng 10.800m2. Hiện tại, An Sơn đã có sân bóng đá 2.000m2 nhưng vẫn rất ít người sử dụng. Nếu xây thêm sân thể thao rộng trên 1 ha nữa thì sẽ rất phí vì chắc chắn sẽ ít sử dụng.

Cũng theo ông Trần Văn Mười, cái khó trong việc thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa đối với An Sơn là việc xây dựng nhà văn hóa ấp. An Sơn có 5 ấp, các văn phòng ấp từ lâu đã trở thành nơi hội họp, sinh hoạt của người dân. Thực hiện theo Bộ tiêu chí NTM, thì cần phải có nhà văn hóa ấp, như vậy An Sơn cần phải có thêm 6 nhà văn hóa, chưa kể nhà văn hóa xã. Ông Mười lo lắng vì An Sơn là xã có diện tích không lớn, các ấp lại nằm kề nhau chỉ mất vài phút đi bộ, nếu xây thêm nhà văn hóa ấp thì lãng phí quá lớn. Ngoài ra, khi đã có nhà văn hóa ấp thì cần phải có đội ngũ cán bộ quản lý, trong khi đó lực lượng cán bộ văn hóa xã nhiều địa phương còn thiếu và yếu về chuyên môn, trình độ quản lý. Chủ trương của UBND tỉnh là nâng cấp, mở rộng các văn phòng ấp thành nhà văn hóa được nhiều xã đánh giá là phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Thực tế cho thấy, nhiều nhà văn hóa xã tuy được đầu tư khang trang, hiện đại nhưng vẫn vắng bóng người tham gia các hoạt động. Đa số thanh niên tại các xã nông thôn, khi có nhu cầu đá bóng họ vẫn thích các sân cỏ mini nhân tạo phải trả tiền thay vì được đá miễn phí tại sân bóng đá xã. Đơn giản, vì đá bóng tại sân cỏ nhân tạo vừa êm chân, đủ người đá, lại vừa có người phục vụ nước uống; trong khi đá bóng tại sân của xã không thể tập hợp đủ số lượng người để tạo thành trận đấu, cũng như thiếu vắng các dịch vụ đi kèm.

Dễ “tuột” tiêu chí văn hóa

Ngoài tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí xã văn hóa hiện nay cũng đang làm khó nhiều địa phương. Đây là một trong những tiêu chí “mềm”, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của người dân. Để đạt được tiêu chí này, một trong những nội dung quan trọng là phải có 70% ấp trở lên đạt chuẩn ấp văn hóa theo quy định. Đây chính là nội dung gây nhiều áp lực cho các địa phương. Ông Phạm Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng trăn trở: “Bạch Đằng hiện có 6 ấp, lúc nào chúng tôi cũng phải phấn đấu 5/6 ấp đạt ấp văn hóa thì Bạch Đằng mới đạt tiêu chí xã văn hóa. Trong khi các quy định để được công nhận ấp văn hóa là vô cùng khắt khe. Trong năm, nếu chỉ cần ấp đó phát sinh các tệ nạn xã hội hoặc có số hộ sinh con thứ 3 vượt quá mức thì xem như không được công nhận là ấp văn hóa. Vì vậy, Bạch Đằng phải tập trung đôn đốc thực hiện tiêu chí này bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vì đây là tiêu chí xã có muốn cũng không được mà đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của người dân trên địa bàn xã”.

Chính vì những lẽ đó mà hiện nhiều địa phương xây dựng NTM vẫn còn loay hoay trong việc thực hiện tiêu chí. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần sát cánh hỗ trợ cho các xã này để họ có thêm động lực nhằm hoàn thành 2 tiêu chí nói trên.

CAO SƠN