Khổ vì vấn nạn... còi hơi

Cập nhật: 30-06-2010 | 00:00:00

Thời gian gần đây ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, một số vụ tai nạn nghiêm trọng làm nhiều người đi đường bị ngã, bị thương tật thậm chí mất mạng liên quan đến tiếng “còi hơi” có âm lượng vượt xa quy định đã xảy ra làm mọi người bức xúc, căm phẫn. Đã đến lúc chúng ta cần phải dành sự quan tâm, sự quản lý “đặc biệt” đến những chiếc xe có sử dụng vật dụng nhỏ nhắn nhưng vô cùng “nguy hiểm” này.

Dễ mua... dễ dùng

Dù đã xuất hiện từ khá lâu trên thị trường, nhưng chưa lúc nào mà còi hơi lại được sử dụng rầm rộ như bây giờ. Từ xe tải, xe container, xe ô tô tải cho đến ngay cả xe gắn máy cũng được gắn còi. Việc không mấy khó khăn để tìm mua đồng thời lắp đặt lại rất dễ dàng đã “tạo điều kiện” thuận lợi giúp các bác tài thi nhau trang bị “hàng khủng” cho chiếc xe của mình. Trước đây tại khu chợ lạc-xoong trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Hùng Vương nối dài... nhất là khu vực đường Thầy Giáo Chương thuộc phường Phú Cường, TX.TDM, nơi được xem là trung tâm chuyên cung cấp các linh kiện, phụ tùng xe ô tô, xe máy, mọi người dễ dàng bắt gặp các cửa hàng nơi đây bày bán rất nhiều loại còi: từ còi đơn thanh đến đa thanh. Giá một chiếc còi đơn rất mềm chỉ từ 65.000 - 90.000 đồng mà thôi, trong khi còi đôi giá cao hơn một chút, vào khoảng 150.000 - 200.000 đồng. Tuy nhiên, theo quan sát cho thấy, hầu hết các khách hàng đến đây đều không chọn hai mặt hàng trên mà lại tìm mua “hàng độc”, đó chính là các loại còi hơi. Được hỏi tại sao lại chọn loại còi này, một bác tài nheo mắt bật mí: “Loại này tuy đắt hơn với giá từ 250.000 đến cả triệu đồng/cái, nhưng lại là lựa chọn số một của cánh lái xe bởi nó... kêu rất to”. Gần đây do nhiều chiếc xe tải, xe container trong và ngoài tỉnh gây nên những vụ tai nạn thương tâm cho người đi đường bị xã hội lên án, những điểm kinh doanh phụ tùng xe có bán còi hơi không còn bày bán lộ thiên các loại còi này mà kinh doanh một cách kín đáo hơn, khách hàng hỏi mới đem ra. Tương tự việc mua, công đoạn lắp còi vào xe cũng rất dễ dàng, chỉ với vài thao tác đơn giản, sau vài phút những người thợ đã có thể lắp hoàn chỉnh một bộ còi theo sở thích của khách hàng. Các bác tài xe tải, xe container... có thể dễ dàng, nhanh chóng lắp các loại còi này tại các điểm sửa xe tải, xe ben nằm ven đường. Mua dễ, lắp dễ... đó chính là nguyên nhân khiến còi hơi xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố hiện nay.

 

Nhiều xe tải lưu thông trên các tuyến đường đều có gắn còi hơi

Hệ quả khôn lường

Tưởng chừng như vô hại, thế nhưng khi lọt vào tay các bác tài, nhất là những người “có thừa tốc độ” nhưng lại “thiếu lương tâm”, công cụ này đã khiến người đi đường... “hồn bay phách tán”. Đã có những tai nạn nghiêm trọng liên quan đến tiếng “còi hơi” xảy ra cướp đi sinh mạng của nhiều người đi đường vô tội, mà đơn cử gần đây nhất chính là vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào ngày 14-6-2010, trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP.HCM khiến bé Đinh Phương Vy thiệt mạng trước sự đau đớn tột cùng của mẹ bé và nhiều người đi đường. Nguyên nhân cái chết của bé là do một tài xế xe bồn để giành đường đã nhấn một tiếng còi thật lớn làm mẹ bé giật mình thắng gấp khiến bé bất ngờ rơi khỏi vòng tay mẹ và bị chiếc xe bồn cướp đi sinh mạng. Hay những cái chết thương tâm của các chị Bích Ngọc, một công nhân ở Đồng Nai, chị Nguyễn Thị Nhiễu (trên đại lộ Đông - Tây, quận 6, TP.HCM). Ở Bình Dương chưa thể thống kê được số vụ tai nạn giao thông do tiếng còi hơi gây ra, nhưng bản thân người viết và nhiều người thân đi xe gắn máy không ít lần đang lưu thông trên 2 tuyến đường Lê Hồng Phong nối dài và tuyến đường Phạm Ngoc Thạch (2 tuyến đường này được xem là những tuyến đường đầy ám ảnh vì có số lượng xe lưu thông có sử dụng còi hơi nhiều) phải đâm xe xuống lề đường do có một số tài xế đi cùng chiều bất thần nhấn còi hơi làm giật mình. Không chỉ sử dụng còi vô tội vạ, có nhiều tài xế vô lương tâm khi đang điều khiển xe nhác thấy bóng các cô, các chị đang lưu thông phía trước thì cố tình chạy đến sát bên rồi bất thần nhấn còi khiến nhiều chị giật mình, luống cuống suýt ngã. Lúc ấy những gã tài xế và phụ xe còn quay lại cười một cách thiếu ý thức. Một lần khác trên đường đi công việc, người viết thấy một cụ già đang đạp xe đi trên đường hốt hoảng giật mình ngã ra giữa đường xây xát mình mẩy vì một chiếc xe ben đi cùng chiều bất thần kéo còi hơi, may mà cụ ngã không gần xe chứ nếu không thì... Trong khi một số người đi đường xúm lại đỡ cụ già lên, tìm dầu xoa cho cụ thì chiếc xe từ từ chạy khuất mang theo ánh mắt vô cảm của người tài xế và người phụ xe...

Dù Luật Giao thông đường bộ đã có quy định: Lái xe không được sử dụng còi hơi trong đô thị và khu đông dân cư; ban đêm từ 22 giờ đến 5 giờ sáng, cấm các loại còi mà chỉ báo hiệu bằng đèn. Thế nhưng, bất chấp các lệnh cấm, giờ cấm, hàng ngày trên nhiều tuyến đường trong nội ô TX.TDM như quốc lộ 13, Lê Hồng Phong, Phạm Ngọc Thạch... là nơi tập trung dân cư đông đúc với bệnh viện, trường học cùng nhiều cơ quan ban ngành... hàng đoàn xe có trọng tải lớn các loại như ben, tải, container... lưu thông qua lại vẫn cứ vô tư thi nhau “đọ còi”, ngay cả ở những nơi có biển báo cấm. Điều đáng quan tâm hơn nữa là phần lớn những xe loại này đều được chủ xe trang bị những dàn còi có công suất vô cùng “ấn tượng”. Chính vì thế một khi các bác tài “vô tâm” sử dụng một cách bừa bãi thì việc gây nên tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Theo phản ánh của nhiều hộ sinh sống trên tuyến đường Phạm Ngọc Thạch (TX.TDM), đặc biệt là tại khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, người dân nơi đây vô cùng bức xúc trước tình trạng “ngộ độc” âm thanh từ những chiếc xe “lách trạm” lưu thông qua khu vực này. Đường nhỏ, xe lớn, thế nhưng các bác tài vẫn ung dung phóng xe với tốc độ cao... phó mặc những việc còn lại cho chiếc còi “công suất lớn” của mình. Điều đáng nói đây là khu vực có bệnh viện, nơi những bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, tịnh dưỡng, dù đã có biển báo cấm nhưng cánh lái xe vẫn “phớt lờ” không tuân thủ. Theo chị Ng.Th.H., một bà mẹ có con nhỏ sống tại khu vực này cho biết: “Âm thanh chói tai phát ra từ những chiếc còi đó đến mình còn sợ nói gì đến trẻ con. Có những hôm phải dỗ mãi cháu mới ngủ được, nhưng chẳng được bao lâu cháu lại giật nảy mình rồi khóc ngằn ngặt do tiếng còi từ ngoài đường bất chợt vọng vào. Bé gầy oặt, xanh xao phần lớn cũng do những chiếc còi quái ác kia mà ra”.

Khó khăn trong... xử phạt

Thực tế là như vậy, vì qua tham khảo ý kiến ngành chức năng và những người am hiểu luật pháp thì Nghị định 34/2010/NĐ-CP (thay thế Nghị định 146/2007/NĐ-CP) quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 20-5-2010, có quy định những phương tiện giao thông gắn còi gây ồn ào từ 22 giờ ngày hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau, trừ các xe có quyền ưu tiên hoạt động, bị xử phạt 150.000 đồng và phạt 500.000 đồng nếu bấm còi hơi. Nhưng thường có những chiếc xe tài xế ngụy trang những chiếc còi hơi rất kín đáo, đặc biệt là họ thường gắn 2 hệ thống còi hơi và còi thường song song. Khi cảnh sát giao thông bất chợt kiểm tra thì họ chuyển từ hệ thống còi hơi sang còi thường chỉ bằng một động tác nhỏ. Bên cạnh đó, do luật quy định mức xử phạt những phương tiện sử dụng còi hơi trái phép từ 100.000 - 200.000 đồng/lần. Với số tiền phạt như vậy chẳng đủ sức răn đe. Việc bắt giữ và tháo còi hơi chưa có quy định trong luật, việc buộc phải thuê và chờ người đến tháo còi trong khi mật độ giao thông quá đông dễ dẫn đến tắc nghẽn giao thông... Do đó những quy định của luật cần phải được bổ sung thêm. Mặt khác, cần phải có biện pháp với những cửa hàng buôn bán loại còi này. Chính sự buông lỏng quản lý khiến các chủ cửa hàng ngang nhiên bày bán, nên còi hơi mới xuất hiện ngày càng nhiều.

Những hệ lụy đáng buồn mà còi hơi gây ra, để lại cho người dân là điều không phải bàn cãi. Nhưng hiện việc sử dụng loại còi này vẫn còn tiếp diễn, cơ quan chức năng cần có những biện pháp cứng rắn hơn để dẹp loạn... còi.

B.MINH - M.HẠNH

Theo các chuyên gia về sức khỏe và tâm thần, tai người chỉ nghe được âm thanh có cường độ trên dưới 20dB. Nếu thường xuyên nghe cường độ quá lớn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần như: trí nhớ kém, mệt mỏi, đau đầu, cáu gắt... Khi phải thường xuyên “chịu trận” với loại âm thanh này dễ dẫn đến nguy cơ mắc chứng ù tai và thậm chí... điếc. Còn theo luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và NĐ 34/NĐ-CP đều nghiêm cấm việc bấm còi, rú ga, bấm còi hơi trong khu đô thị, khu dân cư... Đối với những hành vi bấm còi hơi, gây hậu quả nghiêm trọng, đối tượng điều khiển phương tiện bấm còi hơi có thể bị khởi tố hình sự theo điều 202 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, để chứng minh việc bấm còi là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng là không hề đơn giản.

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên