Khối ngân hàng thương mại: Kỳ vọng thị trường tiền tệ vận hành theo quy luật thị trường

Cập nhật: 17-03-2010 | 00:00:00

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận (LSTT) với các khoản vay tín dụng trung dài hạn được xem là một bước tiến của thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, các NH đều kỳ vọng niềm vui ấy sẽ trọn vẹn hơn nếu NHNN tiếp tục thực hiện lãi suất ngắn hạn cũng được thỏa thuận và tiến tới xóa bỏ lãi suất cơ bản nhằm đưa hoạt động của thị trường tiền tệ vận hành theo đúng quy luật thị trường.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, sẽ khơi thông và điều hòa được dòng chảy về vốn

Lãi suất huy động ngắn hạn giảm

Những ngày cuối năm 2009 đến nay, hầu hết các NH đều đồng loạt áp dụng một biểu LS tối đa gần chạm trần 10,499%/năm cho hầu hết các kỳ hạn, song song đó là các chương trình khuyến mại hấp dẫn. Thế nhưng, gần đây một số NHTM đã có xu hướng giảm nhẹ biểu lãi suất huy động VND đối với các kỳ hạn ngắn. Theo thống kê của NHNN, sau khi áp dụng LSTT cho các khoản vay trung dài hạn, những ngày gần đây, các NHTM đã điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay. Trong đó, khối NHNN giảm nhẹ LS tiết kiệm VND ở các kỳ hạn ngắn từ 10,49%/năm xuống còn 10,3%năm. Các kỳ hạn dài (trên 12 tháng) áp dụng LS từ 10,40 - 10,49%/năm. Khối NHTMCP cũng đã giảm LS huy động ở các kỳ hạn phổ biến ở mức 10,30 - 10,49%/năm đối với kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Song song với việc giảm LS huy động ở kỳ hạn ngắn thì các NH đều tăng LS cho vay từ 2 - 4%/năm cho các kỳ trung dài hạn.

Các NH hàng có xu hướng giảm biểu LS huy động VND đối với các kỳ hạn ngắn là để hướng người gửi tiền tới các kỳ hạn dài, nhằm đẩy mạnh việc cho vay trung dài hạn. Hiện LS cho vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh phổ biến ở mức 12%/năm. LS cho vay trung dài hạn đối với khối NHNN thấp nhất từ 14,5 - 16%/năm và 16,5 - 18%/năm đối với khối NHTMCP.

Bài toán cạnh tranh nguồn vốn!

Việc NHNN cho phép các NHTM được TTLS cho vay trung và dài hạn được đánh giá là chỉ mới giải quyết được cho đầu ra còn đầu vào thì chưa vì LS huy động đang bị chốt cố định ở mức 10,5%/năm. Chính điều này đang làm cho việc huy động nguồn tiền của các NH rất khó khăn, sự giảm sút nguồn huy động ngày lộ rõ do tâm lý người gửi tiền muốn chuyển sang các kênh đầu tư khác có lợi hơn. Một cán bộ khối NHNN than, 2 tháng nay nhiều món tiền gửi từ vài tỷ đồng của khách hàng vào NH đã bị rút ra. Chính sự chênh lệch lãi suất huy động thực tế giữa các NH đã thu hút các khoản tiền này về phía những nơi có lãi suất cao hơn. Nếu cộng các khoản thưởng bằng tiền mặt, vàng... mức LS huy động ở một số NH hiện đã lên tới 12 - 14%/năm, trong khi các NHNN không thể lách luật bằng cách tăng LS ngoài hợp đồng.

Theo đại diện các NH, trong tình hình hiện nay, giữ ổn định nguồn tiền gửi không để “chạy” qua NH khác được xem là một “thành tích”. Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Maritime Bank Bình Dương Võ Tấn Huỳnh nói, mặt bằng LS phản ánh quan hệ cung - cầu giữa người có vốn với người cần vốn. Người gửi tiết kiệm luôn muốn hưởng LS cao, NH cũng muốn có lợi nhuận cao, người vay thì muốn vay với LS thấp. Vì vậy, các NH luôn phải tìm mọi cách giảm tối đa các chi phí để có thể đưa ra mức LS huy động hấp dẫn và mức LS cho vay thấp nhất. Thực hiện bài toán này đòi hỏi các NH cần chủ động việc điều chỉnh mức LS ở cả đầu vào lẫn đầu ra. Thế nhưng, hiện các NH đang gặp khó trong việc huy động vốn do vướng trần LS huy động cố định ở mức 10,5%/năm. Vì thế, bài toán tạm thời hiện nay của NH là hướng người gửi tiền tới các kỳ hạn dài bằng việc giảm LS huy động ở các kỳ hạn ngắn. Đây là giải pháp rất khó thực hiện vì hiện có tới 90% nguồn vốn là tiền gửi ngắn hạn (dưới 12 tháng) do người gửi luôn kỳ vọng LS sẽ có sự thay đổi hoặc chờ cơ hội đầu tư khác nên thường chọn kỳ ngắn hạn. Đây cũng là lý do khiến các NH gặp khó trong việc huy động tiền gửi ở kỳ hạn dài hiện nay.

Nên vận hành theo quy luật thị trường

Việc NHNN cho phép các NH áp dụng cơ chế LSTT đối với hoạt động cho vay trung dài hạn tuy có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung được sự đồng thuận cao. Một cán bộ BIDV Bình Dương nhìn nhận, NH chỉ chờ quy chế thỏa thuận này để tăng LS và họ không có lý do gì để không thực hiện khi DN rất cần vốn. Nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng, áp dụng LSTT là hợp lý, nhằm khơi thông thị trường vốn đang ách tắc và minh bạch hóa mối quan hệ NH - DN. Hơn nữa, khi chưa cho phép thỏa thuận, các NH cũng đã tìm cách thương lượng với DN để cộng thêm các khoản phí.

Giám đốc Maritime Bank Bình Dương Võ Tấn Huỳnh cho biết trước đây NH cũng đã được phép áp dụng LSTT với các khoản vay tiêu dùng. Trường hợp khách hàng vay trung dài hạn để đầu tư sản xuất - kinh doanh, NH phải áp LS không quá 150% so với LS cơ bản (hiện là 8%/năm) trong khi LS huy động cao gần tương đương, khiến nhiều NH hạn chế cho vay. Do đó, theo ông Huỳnh việc áp dụng LSTT là phù hợp với quy luật thị trường. Bên cạnh đó, việc bỏ trần LS huy động và cho vay ngắn hạn sẽ giúp các TCTD đang bị bó buộc trong khung trần sàn sẽ được giải phóng. Nhờ đó, các NH sẽ nâng cao hơn sự cạnh tranh bởi NH nào có giá vốn thấp sẽ cho vay với LS thấp. Vì vậy, cần thiết phải sớm xóa bỏ quy định về trần LS huy động hiện nay để khơi thông và điều hòa dòng chảy về vốn.

Theo nhiều cán bộ trong ngành NH, trong tình hình hiện nay NHNN ban hành Thông tư 07 là tất yếu, vì vậy đã đến lúc NHNN cũng cần sớm bỏ trần LS cho vay ngắn và dỡ bỏ mức LS cơ bản. Việt Nam đã hội nhập thì không thể cứ ấn định mãi một mức giá mua hoặc giá bán vì các NHTM đang vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường. NHNN cần tiếp tục chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách về huy động vốn, tín dụng, theo hướng nói trên để giải quyết những lo ngại vừa bảo đảm giữ vững tính thị trường cho hoạt động kinh doanh NH phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên