Khởi nghiệp thành công từ nghề làm bánh

Cập nhật: 04-11-2019 | 08:13:52

 Đang có công việc ổn định tại một ngân hàng với mức lương cao, ổn định, nhưng chị Diễm vẫn quyết tâm rẽ hướng, ở nhà mở xưởng làm bánh. Giờ đây, mỗi tháng chị xuất bán hàng ngàn sản phẩm với doanh thu hàng trăm triệu đồng.

 Chị Diễm kiểm tra một công đoạn làm bánh tại cơ sở của mình. Ảnh: TIỂU MY

 Ngã rẽ từ đam mê

Chị Hồ Hoàng Diễm vốn là nhân viên ngân hàng ở TP.Hồ Chí Minh với mức lương nhiều người mơ ước. Tuy vậy, từ nhỏ chị đã có đam mê mãnh liệt với nghề bánh và nấu ăn nên luôn mong muốn mình sẽ có một cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh.

Để mong muốn của mình thành hiện thực, chị đăng ký học nghề làm bánh. Ban đầu chị làm bánh chủ yếu để thỏa mãn niềm đam mê, nhưng dần dần làm bánh trở thành thói quen trong chị. Năm 2014, chị quyết định nghỉ việc ở ngân hàng về nhà (phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An) mở tiệm bánh, lấy tên SuMi.

Ban đầu chỉ có 3 loại bánh và yaourt thì đến nay tiệm bánh của chị có hàng chục sản phẩm. Chị Diễm tâm tình quãng đường 5 năm khởi nghiệp là cả sự tâm huyết, khổ luyện, học hỏi và cả bước chinh phục thị trường. May mắn là bên cạnh chị luôn có ông xã - anh Võ Quốc Đạt (cũng là nhân viên ngân hàng, đã nghỉ việc) đồng hành và chia sẻ đam mê của vợ.

Đối với chị, khó khăn lớn nhất của người khởi nghiệp là khi bắt đầu, bởi không được đào tạo bài bản, không được ai hướng dẫn mà chỉ men theo lối mòn, tự tìm đường mà đến. Theo chị, số tiền lãi trong thời gian đầu không nhiều nhưng lại chính là kinh nghiệm quý báu cho quãng đường về sau. Và, làm bánh hay làm gì cũng thế, không chỉ cần năng khiếu mà cần có đam mê và sự nỗ lực không ngừng.

Thành công từ chữ tâm

Hiện nay, doanh thu của cơ sở SuMi khoảng 2,5 tỷ đồng/ năm, không kể bánh mùa vụ như trung thu, tết, bánh hợp đồng. Hiện sản phẩm của cơ sở đã vào được nhiều trường học trên địa bàn.

Trong nghề nghiệp, chị Diễm đặt ra 3 nguyên tắc: Thứ nhất, bánh phải bảo đảm dùng nguyên liệu tốt nhất và quy trình sạch, không chạy theo lợi nhuận và cố giảm giá thành. Thứ hai, phải thường xuyên sáng tạo ra các công thức để tự làm mới các sản phẩm và không bị tụt hậu về sau. Thứ ba, mỗi cái bánh làm ra chị luôn hướng đến chất lượng cao nhất, mang đậm dấu ấn cá nhân để khách hàng có thể “nhớ mặt đặt tên”.

“Tôi không nhớ là mình đã thức bao nhiêu đêm để tìm ra công thức riêng cốt bánh nhằm tạo ra một sản phẩm ưng ý. Làm bánh yêu cầu phải rất tỉ mỉ, bởi sẩy một ly là đi một dặm, sai một bước là cả chiếc bánh vứt đi. Tôi luôn dành nhiều thời gian để nghiên cứu công thức mới. Hiện kệ bánh của cơ sở lúc nào cũng có một vị đặc biệt để khách hàng có thêm sự lựa chọn”, chị Diễm tâm tình.

Cơ sở làm bánh Sumi hiện giải quyết việc làm cho 8 lao động với lương trung bình 5 triệu đồng/tháng. Để nâng cao công suất, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, cơ sở liên tục đầu tư máy móc sản xuất hiện đại để làm ra sản phẩm thẩm mỹ, chính xác, sắc sảo hơn. Hiện chị đang có kế hoạch phát triển thị trường, thương hiệu…

Ngoài việc chăm lo phát triển cơ sở của mình, thời gian qua chị còn tích cực hỗ trợ các bạn trẻ đam mê làm bánh cùng khởi nghiệp. Điển hình là qua nhiều diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và kết nối những người có cùng sở thích, chị đã hỗ trợ 2 bạn ở Trà Vinh và Vĩnh Long phát triển nghề nghiệp, ban đầu đã thành công.

Chị Diễm cho hay tới đây, khi phát triển xưởng làm bánh mới chị sẽ dành một xưởng dạy làm bánh cho học sinh. Chị mong muốn các bạn nhỏ được trải nghiệm quy trình làm ra một cái bánh và cả đức tính tỉ mỉ trong khi thực hành làm bánh. “Biết đâu trong trải nghiệm ấy mình thắp được lên ngọn lửa đam mê làm bánh như mình - một việc mà ngày xưa mình chưa có được”, chị Diễm tâm tình. 

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên