Khơi thông dòng vốn đầu tư vào nền kinh tế châu Á

Cập nhật: 26-11-2019 | 08:16:38

Ngay sau lễ khai mạc Horasis 2019, các chuyên gia, diễn giả đã có phiên họp toàn thể, thảo luận về triển vọng kinh tế toàn cầu và châu Á.

Theo nhận định của các diễn giả, Việt Nam không chỉ hưởng lợi từ căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà còn hưởng lợi từ quá trình chuyển dịch từ quá trình sản xuất ở các quốc gia. Trong vài năm tới, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh hơn.

Ông Ganest Natarajan, Chủ tịch điều hành kiêm nhà sáng lập 5F World (Ấn Độ), cho biết: “Chúng tôi hiện tập trung phát triển phần mềm và xuất khẩu phần mềm sang các nước. Trong 10 năm gần đây, sự phục hưng mạnh mẽ của nền kinh tế số của Ấn Độ đã giúp chúng tôi có thị phần phần mềm xuất khẩu chiếm từ 5 - 6% thị phần xuất khẩu phần mềm của thế giới. Nền kinh tế số là nguồn động lực để đất nước chúng tôi trỗi dậy mạnh mẽ”.

Ông Ganest Natarajan cũng lạc quan cho rằng nền kinh tế số của Ấn Độ và các nước trong khu vực có nhiều thế mạnh đó chính là nguồn nhân lực khổng lồ. Đây chính là sức mạnh góp phần vào quá trình phát triển chung.

Phân tích về giai đoạn biến động, khó khăn của kinh tế toàn cầu, các diễn giả, nhà nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều ảnh hưởng, tác động đến nền kinh tế. Trong đó, dễ nhận thấy nhất là xu hướng các doanh nghiệp sản xuất dịch chuyển sang các quốc gia khác, kéo theo nguồn nhân lực có trình độ cũng dịch chuyển theo, đặc biệt là dịch chuyển sang khu vực châu Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Các diễn giả cũng đánh giá triển vọng, bức tranh tươi sáng của kinh tế Việt Nam. Cùng với những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, việc Chính phủ Việt Nam có những chính sách hỗ trợ đó chính là lý do để Việt Nam là nơi tạo ra hứng thú cho các nhà đầu tư, trong đó với đội ngũ nhân lực, kỹ sư trẻ, tài năng làm việc cho các công ty công nghệ. Đó là điều làm cho các nhà đầu tư thêm hứng thú để mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam.

Theo ông Herbert Chen Wu, Giám đốc điều hành Economist Glpbal Business Review, sự bất ổn định trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc đã có những tác động tiêu cực. Tuy nhiên, ông Wu cho rằng trong 5 - 10 năm tới, Trung Quốc vẫn là một thị trường tốt để đầu tư, thế nhưng cần phải thay đổi tư duy để không đi thụt lùi với sự biến đổi mạnh mẽ hiện nay của thế giới.

Trong khi đó, ông Don Lam, CEO kiêm đồng sáng lập VinaCapital, chia sẻ Việt Nam luôn là một nước ủng hộ thương mại tự do. Việt Nam đã tham gia và ký kết hầu hết các hiệp định thương mại quan trọng trong khu vực và thế giới. Ông dự báo, việc chuyển dịch của nhà đầu tư vào Việt Nam cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong nước. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn giữ được nhân sự tốt cần phải chủ động trong việc đáp ứng phù hợp với yêu cầu của lao động, nhất là các chính sách, phúc lợi liên quan.

MINH DUY - PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên