Không để trẻ em bị bóc lột sức lao động Không để trẻ em bị bóc lột sức lao động

Cập nhật: 28-11-2020 | 20:21:11

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tình trạng một số trẻ em theo cha mẹ từ các tỉnh đến sinh sống. Một số em do hoàn cảnh gia đình khó khăn không được đi học phải theo cha mẹ đến nơi làm việc. Cũng từ đây, chủ cơ sở tận dụng trẻ em làm những công việc phụ đơn giản và hỗ trợ một mức tiền nhỏ. Để bảo vệ trẻ em, các ban, ngành trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp như hỗ trợ học phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, học ở các lớp tình thương, hỗ trợ chi phí học nghề...

 Ông Nguyễn Lộc Hà (thứ 7 từ phải qua), Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2020

 Giảm thiểu lao động trẻ em

Theo khảo sát, chủ yếu các em đến từ các vùng quê nghèo, theo cha mẹ vào làm ở các ngành may mặc, gốm sứ, bán vé số hoặc ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chưa có tổ chức công đoàn. Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có 4.709 trẻ có nguy cơ trở thành lao động trái quy định pháp luật, chiếm tỷ lệ 0,98%.

Để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em (LĐTE), từ năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE trên địa bàn. Theo đó, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố và các ngành liên quan tổ chức thực hiện nhiều chương trình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho các tổ chức, người sử dụng lao động, cộng đồng xã hội... Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh phối hợp tổ chức nhiều hội nghị và thực hiện nhiều cuộc tuyên truyền pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên toàn địa bàn.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Bên cạnh việc phối hợp tuyên truyền với chính quyền địa phương các huyện, thị, thành phố; công tác truyền thông được chú trọng. Mỗi năm, Sở Tư pháp phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương thực hiện tuyên truyền hàng trăm tin, bài, các chuyên mục “pháp luật và cuộc sống” nói về quyền và nghĩa vụ của người lao động, quyền trẻ em. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tham mưu tỉnh tổ chức nhiều cuộc thi liên quan đến quyền trẻ em, Luật Lao động được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Trong đó, có 2 cuộc thi dành riêng cho đối tượng là học sinh vào năm 2017 và 2020, mỗi năm thu hút hơn 70.000 học sinh tham gia”.

Thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hướng dẫn cơ sở hội tuyên truyền 8 tiêu chí của cuộc vận động, đề ra biện pháp cụ thể giúp đỡ các hộ gia đình đạt 8 tiêu chí, trong đó có tiêu chí “Gia đình không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”, hỗ trợ và can thiệp kịp thời cho trẻ có nguy cơ phải bỏ học để không tham gia lao động sớm; vận động gia đình đưa trẻ đến trường và xác định việc đi học, học nghề là cách tạo thu nhập ổn định và bền vững nhất…

Tăng cường kiểm tra

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng LĐTE trái quy định pháp luật được đẩy mạnh. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh tổ chức 33 cuộc thanh tra, kiểm tra các vi phạm quy định pháp luật về sử dụng LĐTE đối với 412 doanh nghiệp trên địa bàn. Cấp huyện tổ chức 72 cuộc về sử dụng LĐTE đối với 320 doanh nghiệp. Qua kiểm tra, chưa phát hiện doanh nghiệp sử dụng LĐTE trái quy định pháp luật. Cùng với công tác kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, lực lượng công an các cấp phối hợp với địa phương kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm, trong đó có vi phạm quy định về sử dụng LĐTE .

Từ năm 2017 đến nay, Công an tỉnh tổ chức kiểm tra 769 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh karaoke, massage có sử dụng người lao động và đã phát hiện 13 cơ sở vi phạm về hành vi sử dụng lao động chưa đủ tuổi, tiến hành xử phạt hành chính. Các cơ sở sau đó đã thực hiện đúng luật sử dụng lao động. Bà Nguyễn Ngọc Hằng cho biết thêm: “Công tác kiểm tra đã mang lại hiệu quả tích cực và công tác này tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Thông qua kiểm tra, các tổ chức, cá nhân có liên quan nâng cao nhận thức về việc chấp hành pháp luật, đặc biệt là không sử dụng trẻ em chưa đủ tuổi lao động”.

Để bảo vệ các em không bị bóc lột sức sao động, lao động khi chưa đủ tuổi, hàng năm, tỉnh hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ các lớp học tình thương, hỗ trợ chi phí học nghề, tặng xe đạp, máy vi tính, học bổng và hỗ trợ dài hạn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ trở thành lao động trẻ...

 “Dù đã có nhiều giải pháp tuyên truyền cũng như giám sát từ phía cơ sở, nhưng tình trạng LĐTE vẫn còn tồn tại, phổ biến nhất là LĐTE theo cha mẹ từ các địa phương khác đến làm việc như bán vé số, phục vụ quán ăn. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề trên lại gặp khó khăn, bởi phần lớn các bậc cha mẹ, người sử dụng lao động không coi đó là hành vi vi phạm pháp luật mà chỉ coi đó là việc trẻ phụ giúp gia đình khi không phải đi học. Ở góc độ khác, dù các ngành chức năng đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra những cơ sở có dấu hiệu sử dụng LĐTE nhưng cũng không thể xử lý được vì hầu hết các cơ sở này đều chứng minh họ đang “truyền nghề, dạy nghề” cho con em. Một số khác không phải họ hàng thì có giấy cam kết của bố mẹ nên rất khó xử lý”.

(Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên