Không thể biện minh cho lò gạch Hoffman xây dựng trái phép

Thứ bảy, ngày 25/10/2014

Kỳ 1: Quy định đã rõ

(BDO)

Không chấp hành nghiêm túc quy định, một lò gạch Hoffman tại TX.Tân Uyên vẫn còn hoạt động. Ảnh: T.MINH

Việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch Hoffman xây dựng trái phép và gây ô nhiễm tại Bình Dương đã được UBND tỉnh triển khai, thực hiện với lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, với việc “hiểu sai” quy định, các cơ sở, doanh nghiệp (CS, DN) sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ Hoffman trên địa bàn muốn kéo dài hoạt động của các lò gạch này.

Hiểu sai để được lợi

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 114 CS, DN sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ Hoffman. Sau 2 lần gia hạn và kéo dài 4 năm từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh ra Thông báo số 169/TB-UBND cho các lò gạch Hoffman phải ngưng hoạt động từ ngày 30-6-2014.

Sở Xây dựng cho biết, qua kiểm tra việc chấp hành chấm dứt hoạt động lò gạch Hoffman theo lộ trình của UBND tỉnh đưa ra cho thấy, các CS, DN sản xuất gạch Hoffman chấp hành không nghiêm: Tự ý tháo niêm phong máy ép gạch để tiếp tục in gạch và sau ngày 30-8-2014 vẫn còn hoạt động. Tỷ lệ CS, DN chấp hành không nghiêm lên đến 74% với 84/114 CS, DN sản xuất gạch Hoffman; trong đó ngoài 4/4 CS tại huyện Bàu Bàng đã ngưng hoạt động, ở các địa phương khác việc sản xuất gạch Hoffman vẫn còn diễn ra. Cụ thể, huyện Dầu Tiếng có 4/5 CS, TX.Tân Uyên có 41/59 CS, huyện Bắc Tân Uyên có 4/5 CS, huyện Phú Giáo có 32/35 CS, TX.Bến Cát có 2/3 CS, TX.Thuận An có 1/3 CS sản xuất gạch Hoffman còn hoạt động.

Kết luận của ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp về tình hình xử lý các lò gạch Hoffman mới đây đã chỉ rõ, một số CS, DN chưa hiểu rõ Quyết định số 1469/QĐ- TTg ngày 22-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy một số CS, DN không chấp hành nghiêm, đã tháo niêm phong máy ép gạch để tiếp tục in gạch và tiếp tục hoạt động sản xuất sau ngày 30-8-2014 là sai phạm nghiêm trọng.

 

Sở Xây dựng cho rằng, nguyên nhân nhiều CS, DN sản xuất gạch Hoffman vẫn còn hoạt động là họ đã hiểu sai Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22- 8-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, tại điểm e, khoản 3, điều 1 của Quyết định số 1469/QĐ-TTg có nêu: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu như sau:

Các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại, chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất trước năm 2018 với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tùy theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các địa phương chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng không sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục”.

Nêu nội dung trích dẫn trên, Sở Xây dựng cho rằng, đối với các tỉnh, thành phố chưa xây dựng lộ trình, phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động các lò gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lạc hậu (bao gồm các lò thủ công, thủ công cải tiến - còn gọi là lò Hoffman, lò đứng liên tục) theo thời hạn nêu trên. Tuy nhiên, các CS, DN do chưa hiểu rõ nên đã cho rằng việc chấm dứt hoạt động các CS, DN sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ Hoffman có thể được điều chỉnh thời gian chấm dứt đến năm 2016 nên một số CS, DN đã không chấp hành nghiêm, tự ý tháo niêm phong máy ép gạch để tiếp tục sản xuất sau ngày 30-8-2014.

Xây dựng trái phép và gây ô nhiễm

Thực tế, chủ trương không cho phát triển lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh đã có từ lâu. Tháng 6-2010, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1867/UBND-VX về việc không xây dựng lò Hoffman với nội dung nêu rõ “Từ nay trở đi ngừng việc triển khai mở rộng thí điểm và xây dựng mới các lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh”. Việc ban hành công văn này là căn cứ vào Quyết định 15/2000/QĐ- BXD ngày 24-7-2000 của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy định đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung; Văn bản trả lời của Bộ Xây dựng ngày 26-4-2010 với nội dụng “Lò Hoffman chỉ được đầu tư ở những khu vực có thị trường tiêu thụ thấp, năng lực nhà đầu tư hạn chế…”; Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4- 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020. Sau khi ban hành, tỉnh đã thông báo rộng rãi và tuyên truyền sâu rộng đến các thành phần kinh tế để hiểu rõ về lộ trình này.

Như vậy, vi phạm của các CS, DN sản xuất gạch Hoffman là ngay từ đầu. Dù tỉnh không cho xây dựng lò Hoffman nhưng nhiều CS, DN vẫn cố tình xây dựng lò gạch Hoffman trái phép. Theo Sở Xây dựng, ngoài 2 lò gạch Hoffman xây dựng thí điểm, còn lại các CS sản xuất gạch Hoffman tại Bình Dương đều có vi phạm liên quan đến nhiều lĩnh vực như: kinh doanh không phép, xây dựng trái phép; vi phạm quy hoạch ngành nghề sản xuất công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất; vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường… Đồng thời, việc vận chuyển sét gạch vào các tuyến đường giao thông nông thôn, đường liên xã, phường… của các CS, DN đã gây hư hỏng nặng, Nhà nước phải rót kinh phí thường xuyên sửa chữa; dùng nguyên liệu đốt bằng than, củi nên vận chuyển nguyên liệu đốt và vận chuyển sét rơi rãi gây ô nhiễm môi trường đối với dân cư trong vùng; cùng với đó, mua nguyên liệu sét từ các nơi khai thác trái phép, tiếp tay cho việc phá hoại tài nguyên thiên nhiên…

Việc vi phạm của các CS, DN sản xuất gạch Hoffman tại tỉnh còn được Bộ Xây dựng nhắc nhở. Theo đó, tháng 4-2012, Đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã khảo sát thực tế các CS sản xuất gạch bằng công nghệ Hoffman ở xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên (nay là phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên). Qua khảo sát từ thực tế, đoàn công tác kết luận: “Các lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh đầu tư không phép hoặc sai phép (giấy phép đầu tư là lò nung theo công nghệ Tuynel nhưng lại đầu tư lò Hoffman); các lò gạch xây dựng gần khu dân cư và khu nông nghiệp, trồng cây công nghiệp của địa phương gây ô nhiễm môi trường đối với người dân và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp…; ống khói của các lò gạch không bảo đảm các yếu tố môi trường; việc ra vào lò hoàn toàn làm bằng thủ công trong môi trường nóng, bụi nên không bảo đảm sức khỏe cho người lao động…”. Qua kiểm tra thực tế, tháng 5-2012 Bộ Xây dựng có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương có biện pháp dừng ngay việc đầu tư mới lò Hoffman. Đối với các lò Hoffman đang sản xuất, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ban ngành kiểm tra về tính pháp lý của DN trong đầu tư, thời điểm đầu tư, đánh giá tác động môi trường trong quá trình sản xuất để đưa ra lộ trình chấm dứt hoạt động… Sau đó, tháng 7-2012 UBND tỉnh đã ra Thông báo số 169/TB-UBND gia hạn cho các lò gạch Hoffman kéo dài thời gian tồn tại đến ngày 30-6-2014 là chấm dứt hoạt động.

Kỳ 2: Kiên quyết xử lý vi phạm

• VỆ GIANG

 

Từ khóa: