Khu tái định cư Minh Tân, Dầu Tiếng: Người dân cần được hỗ trợ kịp thời

Cập nhật: 25-07-2011 | 00:00:00

Khu tái định cư (TĐC) xã Minh Tân thuộc ấp Tân Thanh, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng là khu TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng của hệ thống thủy lợi Phước Hòa. Hiện nay tuy đã được bố trí TĐC nhưng cuộc sống của hộ dân tại đây vẫn rất khó khăn.

Nóng lòng chờ sổ đỏ

Nhìn từ ngoài tuyến đường trục chính của xã Minh Tân vào, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra các ngôi nhà TĐC được xây dựng khang trang nằm san sát nhau thành một hàng dọc theo hệ thống kênh dẫn nước thủy lợi Phước Hòa. Hôm chúng tôi đến vào sáng sớm, khu dân cư này khá yên tĩnh vì đa số hộ dân tại đây làm công nhân cao su nên phải đi làm từ rất sớm đến trưa mới về. Xen kẽ giữa các ngôi nhà vừa xây mới là một vài nền đất trống do các hộ này mua đất ở các nơi khác nên không xây nhà tại đây.

 Khu tái định cư Minh Tân

Theo quy hoạch xây dựng khu TĐC,  mỗi hộ gia đình tại đây được bố trí cấp trung bình 300m2 đất để xây dựng nhà ở. Các công trình hạ tầng trong khu này hiện nay được xây dựng khá hoàn thiện và sạch đẹp nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sinh sống của các hộ dân di chuyển đến đây. Đoạn đường chạy dọc suốt khu TĐC được bê tông hóa từ đầu đến cuối. Hệ thống điện, nước và chiếu sáng cũng đã được xây dựng hoàn chỉnh. Nhìn vẻ bề ngoài rất nhiều người nghĩ các hộ dân nơi đây đang được hưởng các điều kiện sống tốt. Tuy nhiên, khi tìm hiểu chúng tôi mới biết được rằng cho đến nay tất cả các hộ dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều hộ cho biết đã có các đoàn đến khảo sát tìm hiểu, thăm hỏi và hứa hẹn sớm cấp sổ đỏ cho dân nhưng chờ từ tháng này qua năm khác vẫn không thấy cái sổ đỏ đâu. Ông Phạm Văn Liên - người dân trong khu cho biết, chúng tôi cũng chỉ mong có cái sổ đổ để an tâm sinh sống hơn, chứ hiện tại chúng tôi vẫn có cảm giác như sống nhờ trên đất người khác. Không có sổ đỏ thì làm sao thế chấp đất để vay vốn ngân hàng tìm hướng làm ăn. Cùng với lời hứa cấp sổ đỏ là sẽ khoan cho mỗi nhà có 1 cái giếng để chủ động trong nguồn nước sinh hoạt cũng không thấy tăm hơi. Nhiều hộ cho biết họ đã quen với lối sống nông thôn nên khi chuyển qua đây nếu phải sử dụng nước máy với mức giá 3.000 - 4.000 đồng/m3 họ không quen và cũng không có tiền để chi trả. Ngoài ra, dù hệ thống chiếu sáng đã được hoàn thiện từ lâu nhưng cho đến nay các hộ dân tại đây vẫn chưa một lần thấy các bóng đèn phát sáng.

Cuộc sống vẫn rất khó khăn

Ngoại trừ một số hộ dân làm công nhân cho các nông trường cao su, làm giáo viên khi chuyển qua đây không ảnh hưởng nhiều lắm đến thu nhập, còn hầu hết các hộ dân khác đều chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế. Một số hộ dân, nhất là các lao động lớn tuổi sau khi chia tay ruộng vườn thì không có phương kế làm ăn gì khác. Từ khi được nhận tiền đền bù đến khi được cấp đất xây nhà, các hộ dân tại đây phải chịu ảnh hưởng của trượt giá nên việc xây dựng nhà cửa cũng gặp nhiều khó khăn. Đa số tiền đền bù, hỗ trợ đều không đủ cho các hộ dân xây nhà, nếu muốn xây phải đi vay mượn. Hộ ông Phan Đình Chí có 1.000 nọc tiêu bị thu hồi và được nhận tiền đền bù 300 triệu đồng. Tuy số tiền khá cao nhưng do chịu ảnh hưởng của trượt giá làm cho các chi phí về vật liệu xây dựng tăng cao nên ông phải huy động tiền từ nhiều nhà bà con mới xây được căn nhà. Với số tiền mượn có được ông mở quán cà phê giải khát nhưng rất ít khách vì khu TĐC ít dân, đa số là công nhân cao su không có thói quen uống cà phê sáng và tối.

So với gia đình ông Chí hộ ông Phạm Văn Liên còn khó khăn hơn nhiều. Gia đình ông cũng phải vay thêm tiền mới xây được căn nhà mới. Lúc trước khi chưa bị thu hồi đất, gia đình 5 khẩu của ông có 3 sào đất trồng tiêu, điều, xoài, mít. Vườn cây này cùng với số lương hưu của ông cũng giúp gia đình ông đủ ăn quanh năm. Từ khi ra vùng đất mới, gia đình ông mất hẳn nguồn thu đó; số tiền lương công chức từ 2 người con đi làm cũng thấp, gia đình ông đang gặp khó khăn. Ông Liên nói: Những người nghỉ hưu như tôi nếu có ruộng đất canh tác mới có thêm thu nhập chứ với 300m2 đất này chúng tôi không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập nếu không có vốn. Nên chăng Nhà nước cần tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp cận với các nguồn vốn lãi suất thấp, thời gian vay dài may ra mới có cơ hội vươn lên.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình cuộc sống của người trong khu TĐC, ông Bùi Tấn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết, đúng là hiện nay một số hộ dân trong khu đang gặp phải một số khó khăn kể trên. Tuy nhiên, hiện nay dự án đã được giao cho UBND huyện Dầu Tiếng quản lý nên UBND xã Minh Tân chỉ có thể kiến nghị UBND huyện sớm cấp giấy chứng nhận đất cho các hộ này và tiếp tục cải thiện đời sống của các hộ trong khu TĐC.

Các cuộc họp về công trình thủy lợi Phước Hòa trước đây khi nhắc đến vấn đề TĐC cho các hộ bị ảnh hưởng, quan điểm của lãnh đạo UBND Bình Dương là phải bảo đảm đời sống của các hộ dân trong khu TĐC ít nhất phải bằng hoặc cao hơn so với trước khi di dời. Song hiện nay đời sống của các hộ dân vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định đòi hỏi các cấp, ngành có liên quan cần nhanh chóng giải quyết để các hộ dân này an cư, lạc nghiệp.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên