Kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ cấp bách

Cập nhật: 19-03-2010 | 00:00:00

Trước những dự báo về lạm phát có thể tăng cao vượt mức hai con số, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát đang trở nên cấp bách trong năm 2010. Theo các chuyên gia, để ổn định kinh tế vĩ mô, các biện pháp kiềm chế lạm phát cần được triển khai đúng lúc, kịp thời...

Diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường năm nay không theo quy luật như hàng năm. Ảnh : T.HỒNG

Theo nhận định, đầu năm 2010, diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường đã không theo quy luật như hàng năm. Thông thường, trước Tết Nguyên đán, giá hàng hóa gia tăng mạnh do mãi lực tăng nhưng sau tết, giá hàng hóa sẽ có xu hướng giảm. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm, với việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, tăng tỷ giá ngoại tệ, tăng giá xăng dầu, giá than, tăng giá điện, từ đầu tháng 3... khiến hàng loạt giá dịch vụ đua nhau tăng giá. Nhiều chuyên gia cho rằng diễn biến thị trường như vậy, lo ngại lạm phát cao có thể tái xuất hiện.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài chính phân tích, có nhiều khả năng diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng của năm 2010 sẽ lặp lại kịch bản 2004-2005 với lạm phát cả năm dừng ở một con số. Tuy nhiên, khả năng này có thành hiện thực hay không phụ thuộc rất lớn vào cách thức điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Nếu việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô không hợp lý, kịp thời thì CPI có thể lên tới 12 - 15%.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định, nếu nhìn vào động thái chính sách vĩ mô thời gian qua, đồng thời đặt nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới cũng như chỉ số CPI của 2 tháng đầu năm thì có những lý do chính đáng để lo ngại lạm phát cao có thể quay trở lại trong năm 2010. Theo các chuyên gia nếu nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2009 là 6,88% thì dường như không có cơ sở để lo lắng về nguy cơ tái lạm phát cao tái xuất hiện nhưng nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu, việc giảm giá VND trong tháng 11-2009 cùng với sức ép tiếp tục giảm giá VND trong năm 2010 chắc chắn ảnh hưởng tới mặt bằng giá chung. Bên cạnh đó, biến động thị trường vàng và ngoại tệ năm 2010 có thể còn gay gắt hơn so với năm 2009. Nếu chúng ta không chủ động điều hành chính sách tỷ giá hối đoái tốt kết hợp với kiểm soát được thâm hụt thương mại và thâm hụt cán cân thanh toán thì sẽ tạo ra những cơn chấn động, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, để ổn định nền kinh tế vĩ mô, giải pháp ưu tiên trước hết trong ngắn hạn là giữ vững mức động viên vào ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 1/4 GDP, không giảm nhưng cũng không được tăng để không tăng thêm gánh nặng huy động vào NSNN cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần phải nhanh chóng giảm mức độ thâm hụt NSNN trong lộ trình tiến tới cân bằng cán cân NSNN trong dài hạn. Trước mắt, cần chấm dứt chính sách nới lỏng tài khóa, nhất là nới lỏng thông qua tăng chi đầu tư phát triển, đồng thời xúc tiến chương trình cơ cấu lại chi NSNN. Mục tiêu cần phải đặt mức thâm hụt NSNN năm 2010 có thể xuống dưới 6% thông qua giảm tỷ lệ chi NSNN so với GDP như dự toán, cắt giảm các công trình đầu tư khổng lồ có thời gian đầu tư dài...

Song song đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị, bên cạnh các giải pháp như chống nhập siêu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa, bình ổn giá cả thị trường... cần phải nâng cao hiệu quả của nguồn tín dụng. Theo đó, phải điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại nền kinh tế và không thể đầu tư vào tất cả các dự án đang triển khai, mà cần điều chỉnh lại cả mô hình tăng trưởng. Ngoài ra, cùng với triển khai các giải pháp cấp bách, cần tái cấu trúc nền kinh tế, mà bản chất là tạo ra hành lang pháp lý để bảo đảm việc phân bổ các nguồn lực đầu tư hiệu quả...

ĐÀM THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên