Kiểm tra, ngăn ngừa “sự cố” trong mùa mưa

Cập nhật: 20-09-2010 | 00:00:00

Đã là “sự cố” thì bất kể lúc nào dù mùa mưa hay mùa nắng; song những bất trắc xảy ra trong mùa mưa bão thường có nét riêng, cần được lưu tâm, không thể chủ quan khinh suất. Tình trạng cây ngã, lọt hố ga, sụp cống, câu móc điện thiếu an toàn, đò ngang chở khách qua sông, bể bờ bao ngập nước... nếu thiếu kiểm tra chặt chẽ, biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu thì tất thảy đều có thể trở thành tai họa, chẳng thể đổ lỗi do “từ trên trời rơi xuống” mà được! Vì vậy, các ngành chức năng có liên quan phải tăng cường quản lý, thường xuyên kiểm tra và liên tục... kiểm tra.

Mới đây, tại khu vực đường dẫn lên cầu Thạnh Hội, Tân Uyên xảy ra sự cố do rò rỉ điện khiến đàn trâu ra đồng làm việc sớm đã bị điện giật chết hai con trâu to đùng nhưng mệnh vắn! Mưa một trận đã xuất hiện không ít con đường ngập nước, người xe tham gia giao thông canh cánh nỗi lo âu, sợ sụp phải ổ gà, ổ trâu thì còn đỡ, lỡ như sụp nhằm hố ga, miệng cống bị mất nắp thì toi! Gió mạnh làm gốc cây ngã, trụ đèn nghiêng sập đè nhà cửa, người đi đường tuy chưa xảy ra nhưng gió giật tung những “vật thể lạ” như tole, ván... từ những công trình xây dựng cao tầng dang dở “bay” xuống nhà dân cũng là nỗi kinh hoàng lo sợ. Các bến đò ngang vẫn còn chủ quan khinh suất, chưa tuân thủ nghiêm quy định buộc khách sang sông phải mặc áo phao, đó đây còn tranh thủ chở đầy hàng hóa, xe, người... nhìn thôi mà đã sợ!

Suy cho cùng những sự cố nếu xảy ra, gây bất an cho đời sống xã hội thì trước tiên phần lỗi này thuộc về quản lý Nhà nước. Bởi lẽ các cấp ngành chức năng đã được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý xã hội cụ thể, một địa bàn cụ thể với quyền lực rất cụ thể – được quyền thanh kiểm tra, xử phạt, chế tài các đơn vị, cá nhân thuộc quyền có liên quan nếu như cẩu thả, tắc trách, vi phạm pháp luật. Chính vì thế, khi có sự cố rủi ro thì chính ngành quản lý phải chịu trách nhiệm trước xã hội. Không thể biện minh, đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho bất kỳ ai; đặc biệt càng không thể giữ thái độ im lặng, bàng quan vô cảm trước thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân.

Xác định rõ trách nhiệm quản lý nhằm nâng vị thế của ngành chủ quản; đồng thời đặt ra yêu cầu cao trong việc tăng cường giám sát, kiểm tra phần việc của cấp, ngành mình để bảo đảm quy trình kỹ thuật an toàn, bảo vệ cho người dân tránh được sự cố.

Nếu không có những biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người dân dễ thường sẽ bị người dân khởi kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ. Dư luận xã hội đang nhận thức rõ hơn về trách nhiệm quản lý - họ hiểu rằng: “Khi xảy ra sự cố thì những người có trách nhiệm sẽ phải đứng ra mà nhận trách nhiệm”.

THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên