Kinh tế Bình Dương sau 8 năm Việt Nam gia nhập WTO: Doanh nghiệp trong nước vươn lên mạnh mẽ

Cập nhật: 08-11-2014 | 09:13:37

>> Xem kỳ trước

Kỳ cuối: Doanh nghiệp trong nước vươn lên mạnh mẽ

Sau 8 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cùng với nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh tăng nhanh, khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước tại Bình Dương cũng phát triển mạnh mẽ. Trong đó, nhiều DN đã đầu tư lớn để tăng năng lực cạnh tranh, tự tin khẳng định mình và góp phần nâng tầm thương hiệu Việt.

 Sản xuất sữa tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1 (TX.Thuận An) Ảnh: T.BÌNH

Nâng tầm thương hiệu Việt

8 năm qua, nhìn chung khối DN trong nước tại tỉnh đã phát triển mạnh mẽ. Tính đến nay toàn tỉnh có 17.138 DN trong nước đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng vốn gần 130.000 tỷ đồng. Bằng sự nỗ lực không ngừng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều DN Việt Nam đã thành công; tại Bình Dương ngày càng có nhiều thương hiệu Việt lớn, uy tín. Trong đó những DN hoạt động tại tỉnh như gốm sứ Minh Long, Cường Phát; Tôn Đông Á, Hoa Sen, Đại Thiên Lộc; trái cây Vinamit; Giày Thái Bình; Bánh kẹo Kinh Đô… từ cọ xát thực tế đã hoàn thiện mình và tạo nên những tên tuổi lớn.

Để chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, nhiều DN trong nước tại tỉnh đã tập trung đầu tư lớn, có những DN đầu tư hàng trăm triệu USD để tăng năng lực cạnh tranh. Cụ thể như Công ty Cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina), trong năm 2014 đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất lốp xe tải radial toàn thép với tổng vốn đầu tư 3.380 tỷ đồng (tương đương 160 triệu USD) tại TX.Tân Uyên. Nhà máy này có công suất 350.000 lốp xe/năm và đến năm 2017 có công suất 1 triệu lốp xe/năm. Việc đưa vào hoạt động nhà máy lốp ô tô radial toàn thép của Casumina đã tạo ra bước phát triển mới trong lĩnh vực sản xuất lốp ô tô tại Việt Nam, tạo đột phá đi đầu trong việc thay thế và chuyển đổi từ công nghệ sản xuất lốp xe mành nilon lạc hậu sang công nghệ mành thép hiện đại để góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và giảm phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu.

Cũng tại Bình Dương, một DN lớn khác là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD trong năm 2013. Đây là những nhà máy sữa hiện đại bậc nhất thế giới nhằm cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc ra đời 2 nhà máy sữa hiện đại này đã nâng cao vị thế của ngành công nghiệp sữa Việt Nam, đồng thời ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp sữa thế giới.

“Đây là niềm tự hào của người Việt Nam đã xây dựng được những nhà máy hiện đại xứng tầm thế giới. Từ đây sản phẩm của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tiếp tục hiện diện và khẳng định chất lượng hàng Việt tại nhiều nước trên thế giới” (Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk nói khi Vinamilk đưa vào hoạt động nhà máy hiện đại tại Bình Dương).

Trong khi đó, để cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (Công ty Thiên Nam) đã đầu tư 4 nhà máy sợi tại tỉnh với công suất gần 150.000 cọc sợi. Hàng năm, công ty cung ứng cho thị trường khoảng 25.000 tấn sợi với doanh thu khoảng 75 triệu USD. Với việc đầu tư lớn, sợi Thiên Nam đã góp phần quan trọng để kéo giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu cho ngành dệt may Việt Nam và tạo dựng hình ảnh thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhiều DN khác hoạt động hiệu quả như Công ty Giày Thái Bình hàng năm xuất khẩu hơn 21 triệu đôi giày cao cấp và 6,5 triệu túi xách; Công ty TNHH Một thành viên May mặc Bình Dương xuất khẩu hàng năm hơn 50 triệu USD… đã góp phần quan trọng nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước và đưa thương hiệu Việt đi xa.

Tự tin trong hội nhập

Sau 8 năm Việt Nam gia nhập WTO, từ thực tế nhiều DN cho rằng gia nhập WTO thuận lợi nhiều nhưng cũng lắm thách thức, nếu biết tận dụng cơ hội tốt DN Việt Nam sẽ khẳng định được mình và sẽ đứng vững trong cạnh tranh. Điều này rất đúng, bởi lẽ từ khi Việt Nam gia nhập WTO nhìn chung hàng hóa các nước trên thị trường trong nước rất đa dạng và hàng Việt Nam ra nước ngoài cũng nhiều hơn. Chính sự đa dạng đó đã tạo ra một động lực phát triển cho DN Việt Nam và DN trong nước không có đường nào khác hơn là phải tự thay đổi chính mình để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển. Điều đó đã giúp ích nhiều cho DN trong nước tại Bình Dương có được thành công như hôm nay.

Chia sẻ về những thời cơ và thách thức khi Việt Nam gia nhập WTO mang lại, lãnh đạo nhiều DN khẳng định WTO vừa là sức ép cạnh tranh nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam học hỏi kinh nghiệm để phát triển. Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Oseven Việt Nam rất tự tin cho rằng: “Oseven là DN cung cấp sơn cho ngành gỗ ngay từ những ngày đầu thành lập và công ty đã sẵn sàng cho một sự cạnh tranh dài lâu. Với lợi thế là chúng tôi đang có thị phần và đội ngũ nhân viên, chiến lược vững vàng thì không ngại cạnh tranh. Tôi cho rằng WTO hay đón đầu Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương sắp tới đều là những cơ hội lớn cho Oseven và các DN trong nước khác. Nếu tận dụng và phát huy lợi thế của mình, DN Việt Nam sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội tốt”.

Là DN thành công vượt bậc sau 8 năm Việt Nam gia nhập WTO, với sản phẩm cạnh tranh tốt trong nước và xuất khẩu sang gần 20 quốc gia, bà Vũ Thị Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thuốc thú y - thủy sản Minh Dũng chia sẻ: “WTO là cơ hội để DN khẳng định mình. Tham gia “sân chơi” lớn này thuận lợi nhiều nhưng cũng lắm thách thức. Điều quan trọng là DN chuẩn bị tốt sẽ đứng vững và đi lên. Gia nhập WTO, tôi cho rằng đây là cơ hội cho DN nhiều hơn. Bởi lẽ, trong xu thế toàn cầu với thị trường rộng mở, nhiều tập đoàn lớn đến hợp tác và đầu tư làm ăn tại Việt Nam ngày càng nhiều, DN trong nước có thêm nhiều đối tác mới, cơ hội nhận được nhiều đơn hàng lớn cũng tốt hơn. Cái lợi nữa cho DN là chính từ thách thức rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu cho mình”.

Cũng theo bà Trinh, từ thực tế cạnh tranh, DN mới nhìn nhận mình để điều chỉnh chiến lược cho phù hợp, nếu có khiếm khuyết thì bổ sung. Từ đó DN chuẩn bị tốt hơn, hoàn thiện hơn để tự tin đứng vững trên đôi chân của mình. Như vậy cân đo đong đếm, gia nhập WTO thật sự đã đem đến nhiều cơ hội, nếu biết phát huy DN sẽ phát triển.

 

 V.GIANG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên