Kinh tế địa phương tiếp tục phát triển ổn định

Cập nhật: 29-06-2019 | 09:49:02

Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế của huyện Dầu Tiếng tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, kỹ thuật cao từng bước phát triển bền vững.

Mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ

Thời gian qua, huyện Dầu Tiếng đã triển khai Quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của huyện. Kết quả cho thấy, tình hình chăn nuôi heo, bò, gà trên địa bàn huyện tăng trưởng ổn định; các mô hình trồng nấm, dưa lưới, cây có múi ứng dụng khoa học - kỹ thuật theo hướng VietGAP, tưới nước tiết kiệm đang phát huy hiệu quả, tiếp tục được nhân rộng.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng của huyện đã kiểm tra định kỳ mô hình tưới nước tiết kiệm ở 3 điểm đầu tư thực hiện phương án “Đầu tư xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả trên địa bàn huyện Dầu Tiếng năm 2018” tại xã Thanh An; trình UBND huyện phê duyệt phương án “Đầu tư xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả trên địa bàn huyện Dầu Tiếng năm 2019”.

Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, Phòng Kinh tế phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Y tế huyện kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trước và sau Tết Nguyên đán năm 2019. Qua kiểm tra, các đơn vị đã đề nghị UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 cơ sở với số tiền 5.750.000 đồng.

Nhằm đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, 6 tháng qua UBND huyện chấp thuận thêm 4 địa điểm đủ điều kiện xây dựng trại chăn nuôi heo tại xã Long Hòa, 3 địa điểm chăn nuôi gà tại xã An Lập, Long Tân và Minh Hòa, 1 địa điểm chăn nuôi bò sữa tại xã Long Tân. Đây là những đơn vị đủ điều kiện về quy hoạch, cơ sở vật chất, môi trường gắn với định hướng phát triển chăn nuôi bền vững của địa phương.

Theo Phòng Kinh tế huyện, bên cạnh đạt nhiều kết quả tốt, 6 tháng qua địa phương vẫn còn gặp những khó khăn trong phát triển kinh tế. Cụ thể, việc giải ngân nguồn vốn sự nghiệp còn thấp do kế hoạch giao vốn từ đầu năm, sau đó tiến hành lập thủ tục hồ sơ đang trong giai đoạn triển khai nên chưa có khối lượng thanh toán. Cùng với đó, trên địa bàn huyện hiện nay diễn ra tình trạng xây dựng nhà dẫn dụ chim yến không đúng quy hoạch, mất mỹ quan đô thị, gây tiếng ồn khi máy phát tiếng ảnh hưởng đến người dân sinh sống xung quanh. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà ở, công trình kiên cố trên hành lang sông, hồ, suối còn diễn ra…

Phát triển theo hướng bền vững

Theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm 2019, huyện sẽ triển khai thực hiện 2 phương án: “Đầu tư xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả trên địa bàn huyện Dầu Tiếng năm 2019” và “Phát triển nghề trồng nấm quy mô hộ gia đình năm 2019”. Huyện cũng khảo sát thực hiện các phương án đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên một số loại cây trồng như rau, dưa lưới… theo Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 10-2-2017 của UBND huyện về phát triển nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, huyện tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền, Quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của huyện...

Để sản phẩm nông nghiệp của địa phương vươn xa, trong thời gian tới huyện tích cực tổ chức xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Cùng với đó, địa phương tiếp tục khảo sát, chấp thuận địa điểm đủ điều kiện xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư; kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm ngành nông nghiệp và ngành công thương năm 2019. Huyện cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn về sở hữu trí tuệ năm 2019 thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020.

Riêng đối với mô hình VietGAP, huyện tiếp tục khuyến khích phát triển, nhất là tại các vùng phát triển mạnh cây có múi. Ngành chức năng của huyện sẽ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững tiếp tục thực hiện các công việc của giai đoạn 3 dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh cây có múi (bưởi da xanh, cam xoàn, cam sành, quýt đường) đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở các xã Minh Hòa, Minh Thạnh. Đặc biệt, ngay sau sản phẩm măng cụt Thanh Tuyền được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào cuối tháng 6, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường cho loại trái cây đặc sản này.

Hiện nay, các dự án đầu tư hạ tầng phát triển khu du lịch sinh thái ở xã Thanh Tuyền được triển khai theo kế hoạch. Huyện cũng đang đẩy mạnh việc thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất chả lụa, lò quay heo, vịt, sản xuất bánh mì, sản xuất và mua bán thực phẩm từ gạo lứt, muối mè. Đến nay, huyện đã cấp 33 giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

 DIỆP AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên