Kinh tế thế giới năm 2010 sẽ ra sao?

Cập nhật: 04-01-2010 | 00:00:00

Đồng tiền đến đúng địa chỉ cần cho sự phát triển kinh tế sẽ tiếp tục là một thách thức của không riêng riêng Việt Nam mà còn là của cả thế giới

Bước sang năm 2010, các nhà kinh tế đều rất lạc quan và khẳng định tình hình dứt khoát sẽ tươi sáng hơn. Cơ sở cho những đánh giá lạc quan này là gần như hầu hết các quốc gia rơi vào suy thoái đều đang nối lại với tăng trưởng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng còn rất thận trọng khi cho rằng kinh tế toàn cầu dù thoát khỏi suy thoái nhưng chưa hẳn đã lành bệnh và có thể rơi trở lại vào khủng hoảng bất cứ lúc nào.

Mối đe dọa lớn vẫn là “bong bóng” đầu cơ. Thất nghiệp cao cũng sẽ đè nặng lên đà vực dậy kinh tế. Trong đợt khủng hoảng vừa qua, số việc làm mà khủng hoảng đã hủy diệt lên đến 6 triệu ở Mỹ, riêng Pháp cũng đã có đến 500.000 người mất việc làm và sẽ có thêm 200.000 người khác mất việc vào năm 2010. “Tình hình sắp tới, vững vàng đến đâu, thách đố như thế nào” là các câu hỏi đã được chúng tôi trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.

- So với các chu kỳ suy thoái trước thì lần này tình hình có vẻ nhẹ hơn cho nên người ta đã hy vọng là năm 2010 sẽ tốt hơn? Có phải đó là nhờ các kế hoạch kích thích kinh tế không thưa ông?

- Vụ tổng khủng hoảng thời 1929-1933 có góp phần đưa tới Thế chiến II. Từ sau Thế chiến II, kinh tế thế giới cũng có lúc thịnh lúc suy nhưng lần này mới thật là một vụ suy thoái toàn cầu vì các nền kinh tế đều hội nhập buôn bán với nhau một cách quy mô và sâu xa chưa từng thấy. Tuy nhiên, cũng vì có hội nhập và đều e sợ một vụ tổng khủng hoảng nên từng nước đều lập tức có biện pháp ứng phó và còn cố gắng phối hợp với nhau để cùng ứng phó. Nhờ vậy mà các nước đã đẩy lui nguy cơ khủng hoảng và lần lượt đụng đáy rồi hồi phục.

Đối với câu hỏi thứ hai thì trong lịch sử kinh tế thế giới chưa khi nào các quốc gia đã đồng loạt phản ứng như vậy, với một lượng tiền được bơm vào kinh tế lên đến con số kỷ lục. Nói cho dễ hiểu thì khối tiền lệ lưu hành trong kinh tế gần như tăng gấp đôi. Còn về cụ thể thì tùy tình hình quân bình vĩ mô, có nước thiên về giải pháp tiền tệ là cắt lãi suất tới tận sàn, hạ mức dự trữ pháp định để khuyến khích ngân hàng cho vay dễ dàng hơn, thậm chí in tiền bơm vào kinh tế, gọi là “tăng mức lưu hoạt có định lượng” là chuyện xưa nay mới chỉ thấy áp dụng tại Nhật năm 2001. Có quốc gia khác thì thiên về giải pháp ngân sách như gia tăng chi hoặc giảm thuế, nếu chưa bị bội chi ngân sách quá nặng. Nhiều nước thì áp dụng cả hai ba loại biện pháp kết hợp. Riêng trong quan hệ giữa các nước với nhau thì xứ này còn muốn xứ khác tăng chi để kích hoạt kinh tế hầu cho mình đỡ phải gánh việc đó.

- Trong việc ra khỏi suy thoái, nếu mà nhìn từng khu vực thế giới, các nhà kinh tế dự báo như thế nào cho năm 2010?

- Nhìn chung, người ta dự báo là kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng bình quân là 4% trong năm 2010. Nếu ta nhớ đến mức tiêu chuẩn là “dưới 3% có nghĩa là thế giới suy thoái” thì còn số 4% này là điều đáng mừng, nhưng vẫn còn thấp hơn trung bình của 5 năm trước khi bị suy thoái là 5%. Nôm na là đã hết bệnh nhưng chưa bình phục như trước. Thứ hai, tỷ lệ 4% là kết quả tổng hợp của hai khối kinh tế. 10 nước đã công nghiệp hóa thì chỉ đạt tốc độ bình quân có 2%, trong khi các nước đang phát triển có hy vọng đạt được 6,5%. Điều ấy có nghĩa là các nền kinh tế công nghiệp hóa sẽ là đầu máy rất yếu cho thế giới và nước nào mà trông cậy vào việc xuất khẩu cho các nền kinh tế đó để ra khỏi suy trầm thì sẽ thất vọng. Trong 10 nước công nghiệp hóa, Hoa Kỳ sẽ hồi phục nhanh nhất nhưng không mạnh vì chưa đạt mức 3% mà chỉ chừng 2,8% là nhiều. Châu Âu đi sau với tỷ lệ èo uột từ 1,2% đến 1,4% thôi và thất nghiệp sẽ còn tăng trong khi thất nghiệp tại Mỹ có hy vọng giảm dần, dù là rất chậm. Riêng Nhật Bản thì còn bị suy thoái và sẽ là quốc gia có vấn đề với đà tăng trưởng chỉ có 0,7%. Đó là lý do vì sao Nhật còn phải nghĩ đến nhiều biện pháp kích thích kinh tế trong khi các nước khác bắt đầu triệt thoái khỏi tình trạng gọi là bất thường hiện nay bằng cách hút bớt lượng tiền ra khỏi kinh tế để không gây ra nguy cơ “bong bóng” đầu tư hay lạm phát hoặc cả hai.

- Nếu như vậy thì có lẽ hy vọng của thế giới nằm tại các nước đang phát triển, nhất là tại châu Á?

- Chỉ một phần nào thôi, chúng ta nên nhớ là trong tốc độ bình quân toàn cầu là 4% thì tốc độ của các nước giàu chỉ có chừng 2%, các nước đang phát triển thì 6,5%. Trong khối này, có Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu với 10% và 8%, còn Liên bang Nga sẽ đạt hơn 5% nhưng có thể lại tuột đáy và Braxin với chừng 4,8%. Vấn đề là các nước đang phát triển này phải có khả năng cải cách từ căn bản để mở rộng sức tiêu thụ nội địa thay vì lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu sang các nước công nghiệp hóa. Việc cải cách thật ra đòi hỏi một nỗ lực thay đổi tư duy và cơ chế.

- Nếu phải tóm lại tình hình kinh tế thế giới năm 2010 thì ông sẽ thu gọn trong một câu như thế nào?

- Yếu tố quan trọng nhất là niềm tin của thị trường. Nếu thị trường có tin tưởng thì tín dụng có thể hoạt động mạnh một cách tự phát, lúc đó chính quyền có thể rút bớt tiền trở về được.

- Vậy các chính phủ phải làm thế nào để tạo lại niềm tin cho các thị trường để ra khỏi suy thoái một cách vững vàng?

- Từ khủng hoảng tài chính nó mới lây lan sang suy thoái kinh tế. Nếu các hệ thống ngân hàng được chấn chỉnh lại và với một hệ thống kiểm soát tốt hơn, nhưng đồng thời không bóp nghẹt sáng kiến của họ, thì có thể giúp giải tỏa tình trạng ách tắc tín dụng hiện tại. Còn một khi ách tắc tín dụng hiện tại vẫn còn kéo dài thì các hệ thống ngân hàng trung ương của cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ và các nước khác nữa vẫn chưa dám rút bớt tiền ra. Khi đó chúng ta vẫn lại thấy ra tình trạng rất bấp bênh tiền ở nơi cần thì không có và những nơi không cần thì vẫn được bơm vào. Điều ấy lại có thể dẫn lên những nguyên nhân đưa đến những khủng hoảng khác trong tương lai, tức tạo nên những bong bóng và khi bóng bể thì chúng ta lại có nạn suy thoái.

- Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN PHÚC (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên