Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng

Thứ bảy, ngày 01/10/2011
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Đó là đánh giá của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2011. Nhiều chỉ tiêu đạt khá như sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ... Đây là cơ sở để tỉnh phấn đấu hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ năm 2011 đã đề ra.

Công nghiệp giữ mức tăng khá

Theo UBND tỉnh, mặc dù sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do tác động của nhiều nguyên nhân như: lạm phát, tăng giá điện và nhiều loại nguyên liệu đầu vào; lãi suất còn ở mức cao, tỷ giá ngoại tệ biến động đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Trước tình hình đó, tỉnh đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp tích cực để tạo điều kiện thuận lợi giúp các DN ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, các DN đã chủ động bố trí lại cơ cấu đầu tư, cắt giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả quản lý. Một số DN lớn đã tập trung sản xuất để hoàn thành các đơn hàng đã ký trong năm. Mặt khác, việc gia hạn nộp thuế thu nhập DN theo chủ trương của Chính phủ đã góp phần giúp các DN có thêm nguồn vốn để đầu tư sản xuất - kinh doanh. Những yếu tố tích cực trên đã thúc đẩy sản xuất công nghiệp giữ mức tăng trưởng khá.

 Sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn giữ mức tăng trưởng khá

Theo UBND tỉnh, 9 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 85.164 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ; trong đó DN Nhà nước tăng 9,8%, DN ngoài quốc doanh tăng 17,8%, DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,6%. Một số ngành sản xuất tăng trưởng khá như: giấy và sản phẩm từ giấy, hóa chất và sản phẩm từ hóa chất, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, sản phẩm từ cao su, dệt, sản xuất chế biến thực phẩm, thiết bị điện... Theo ông Võ Văn Cư, Giám đốc Sở Công Thương, ngành dệt may của tỉnh đã mở rộng đến nhiều thị trường góp phần ổn định tình hình sản xuất của ngành này. Bên cạnh đó, các DN xuất sản phẩm gỗ đã ký được các đơn hàng đến hết năm 2011. Đây là những tín hiệu khả quan góp phần đưa lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh về đích sớm.

Kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách đạt cao

Kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách là 2 mảng màu sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng đầu năm. Số liệu thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng ước đạt 6 tỷ 973 triệu đô-la Mỹ, tăng 19,2% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 9,5%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,7%. Bình Dương hiện có hơn 1.670 DN tham gia xuất khẩu trực tiếp vào 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong số này có 71 DN lần đầu tham gia xuất khẩu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã có mức tăng khá về lượng và giá trị như: sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, mủ cao su... đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ.

Bên cạnh việc thực hiện tốt chính sách tài chính theo chỉ đạo của Chính phủ (tổng kinh phí tiết kiệm chi 475 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực xây dựng cơ bản giảm 10% bằng 330 tỷ đồng, tiết kiệm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại năm 2011 là 70 tỷ đồng, số còn lại là tiết kiệm mua sắm tài sản có giá trị lớn), tỉnh đã khai thác và quản lý các nguồn thu nhằm tăng thu ngân sách. Trong 9 tháng, ước thu mới ngân sách 17.000 tỷ đồng, đạt 91% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao và đạt 81% dự toán HĐND tỉnh. Trong đó, thu từ sản xuất - kinh doanh trong nước là 11.000 tỷ đồng, đạt 94% chỉ tiêu Bộ Tài chính và đạt 83% dự toán HĐND tỉnh; thu từ lĩnh vực xuất nhập khẩu 5.900 tỷ đồng đạt 88% chỉ tiêu Bộ Tài chính và đạt 78% dự toán HĐND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung, khẳng định kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì được tăng trưởng là do trong thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tích cực đề ra các biện pháp và phân công triển khai thực hiện. Đồng thời kịp thời xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Hiện tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 13,7% so với cùng  kỳ, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, khu vực dịch vụ tăng 23,1%, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,3%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. “Với đà này, tin tưởng rằng có khả năng GDP của tỉnh sẽ đạt 14,5% vào cuối năm 2011” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung chia sẻ.

TRÍ DŨNG