Kinh tế trang trại Bình Dương: Khẳng định ưu thế

Cập nhật: 01-06-2010 | 00:00:00

Từ năm 2000 đến nay, cùng với những chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, Bình Dương đã được nhiều người chọn là nơi “đất lành chim đậu” để đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại (KTTT) với quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển bền vững

Đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định, KTTT là mô hình kinh tế nông nghiệp phát huy mạnh mẽ những ưu thế của tỉnh nhà và đạt được hiệu quả cao trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, nâng cao giá trị nông sản, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết tốt lao động (LĐ) nông thôn. Theo khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh, đến cuối tháng 4-2010 trên địa bàn tỉnh có 1.782 trang trại (TT). Các TT quy mô lớn tập trung chủ yếu ở 4 huyện phía bắc của tỉnh là Phú Giáo, Bến Cát, Tân Uyên và Dầu Tiếng. Trong đó TT trồng trọt vẫn chiếm ưu thế với 1.370 TT (chủ yếu là các TT trồng cao su), tiếp đến là chăn nuôi với 341 TT.

  Thương hiệu bưởi da xanh của Công ty Nguyễn Thanh Thủy- là một trong những thương hiệu tiêu biểu của nông nghiệp Bình DươngQuy mô của các TT cũng đa dạng, từ vài ha đến hàng chục ha, thậm chí có TT cả trăm ha. Ước tính theo giá trị thị trường hiện nay thì tổng giá trị tài sản kể cả giá trị đất của các TT lên đến 5.758 tỷ đồng. KTTT đang là mô hình giải quyết tốt LĐ tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hiện nay tổng số LĐ thường xuyên được sử dụng trong các TT là 8.098 LĐ, trong đó LĐ của gia đình là 2.816 người, LĐ thuê là 5.282 người. Mức thu nhập của các LĐ trong các TT cũng ngày càng được cải thiện đáng kể. Tiền công cho LĐ thường xuyên bình quân từ 1.500.000 - 2.500.000 đồng/tháng, tùy theo trình độ tay nghề. Hiện nay tổng giá trị hàng hóa được sản xuất - kinh doanh của các TT  là 715 tỷ đồng, bình quân doanh thu của 1 TT là 438 triệu đồng, bình quân trên 1 ha là 39,6 triệu đồng. Đa số các TT có doanh thu ở mức dưới 400 triệu đồng/năm (72%), một số TT đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm (9%). Sau khi trừ chi phí sản xuất - kinh doanh, tổng thu nhập của các chủ TT là 332 tỷ đồng, tính bình quân 1 chủ TT có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Các chủ TT đã có sự đầu tư áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Theo xu hướng chung, các TT trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng KTTT tổng hợp, điển hình là các mô hình TT VAC, kết hợp dịch vụ, trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Các mô hình KTTT kiểu này đã tận dụng tốt các lợi thế về quỹ đất, LĐ và tạo ra sự hỗ trợ tốt cho nhau giữa các giống cây trồng, vật nuôi. Vấn đề áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đã phát huy những hiệu quả tích cực trong việc tạo ra quy trình sản xuất hợp lý, tạo ra các sản phẩm có giá trị đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu của thị trường. Điển hình cho vấn đề này là việc đưa các cây con giống mới vào sản xuất như: bưởi da xanh, gà sao, heo rừng lai, các loại nấm; mô hình chăn nuôi trại lạnh, xây dựng hệ thống tưới tự động, hệ thống hầm biogas quy mô lớn.

Các sản phẩm của các TT cũng ngày càng đa dạng với nhiều loại sản phẩm mới có chất lượng cao và một số TT đã xây dựng được cho mình thương hiệu riêng và có chỗ đứng trên thị trường. Các loại sản phẩm nông nghiệp của các TT đã đáp ứng một phần nhu cầu nguyên liệu của ngành công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh như các TT cao su tiểu điền cung cấp cho các cơ sở chế biến mủ địa phương, các TT chăn nuôi heo, bò sữa cung cấp cho các công ty chế biến thực phẩm... Các TT đã có sự liên kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, tạo ra sự ổn định trong việc tiêu thụ các sản phẩm.

Tiếp tục đi vào chiều sâu

Bà Nguyễn Thị Phương Lan - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương cho biết: “Trong thời gian tới số lượng TT trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển không nhiều nhưng các TT sẽ có sự phát triển theo chiều sâu trong việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào quy trình sản xuất. Bên cạnh đó sẽ là sự liên kết, hợp tác giữa các TT nhỏ, các TT có cùng mô hình sản xuất nhằm tạo ra sự phát triển bền vững, áp dụng sâu rộng và có hiệu quả các tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng hơn, giải quyết tốt hơn vấn đề LĐ nông thôn”. Sự phát triển KTTT theo chiều sâu trong thời gian tới là hợp lý vì hiện nay quỹ đất để phát triển KTTT sẽ có phần hạn chế vì quy hoạch cho phát triển công nghiệp.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của KTTT. Điển hình như: hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống biogas xử lý chất thải chuồng trại trong chăn nuôi; hỗ trợ 50% chi phí tiêm vắc-xin phòng chống các loại dịch bệnh; được hỗ trợ kinh phí cho việc đầu tư ứng dụng các tiến bộ KHKT, các công nghệ mới; được hỗ trợ tư vấn cho việc lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, cấp giấy chứng nhận TT... Những nội dung của chính sách là nguồn hỗ trợ thiết thực và kịp thời cho các TT, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các TT mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và thúc đẩy KTTT phát triển. Ông Danh Riêm - Chủ TT cao su kết hợp chăn nuôi heo tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng cho biết: “Các chính sách hỗ trợ cho phát triển KTTT của UBND tỉnh trong thời gian qua là phù hợp và thiết thực. Tuy nhiên các chương trình, chính sách hỗ trợ này cần triển khai nhanh chóng, kịp thời hơn để những người làm TT yên tâm sản xuất”. Việc hỗ trợ xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trong thời gian qua cũng được UBND tỉnh chú trọng. Ông Nguyễn Văn Khái - một chủ TT huyện Bến Cát thì cho rằng: “Nông dân Bình Dương nếu so sánh thì không thua gì nông dân các tỉnh, thành khác. Để nông dân tiếp tục phát triển ổn định thì các cấp, các ngành cần phải có sự hỗ trợ hơn nữa và sát cánh cùng nông dân tỉnh nhà để đưa sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà ra thị trường thế giới. Cần tiếp tục hỗ trợ xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp và chuyển giao nhiều hơn nữa các tiến bộ KHKT cho nông dân để sản phẩm nông nghiệp Bình Dương đủ sức cạnh tranh trên thị trường”.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng và những chính sách khuyến khích phát triển phù hợp thì KTTT cũng gặp phải một số vấn đề khó khăn về điều kiện thời tiết không thuận lợi; các sản phẩm đầu vào biến động nhiều (chủ yếu là biến động tăng) như: vật tư, phân bón, thức ăn và sự biến động về thị trường. Tuy nhiên đó là những sự biến đổi khách quan nằm ngoài khả năng kiểm soát của các chủ TT. Trong thời gian tới các huyện, thị cần đẩy nhanh hơn nữa việc cấp giấy chứng nhận TT để các chính sách có thể đến nhanh hơn, chú trọng hơn nữa đến việc quy hoạch, quản lý tốt vấn đề bảo đảm yếu tố vệ sinh môi trường của các TT, phòng chống tốt các loại dịch bệnh... Có như vậy KTTT mới thật sự phát huy hết hiệu quả, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên