Kinh tế trang trại: Nhiều kỳ tích

Cập nhật: 28-04-2015 | 09:01:00

Về mảnh đất bị bom đạn cày xới năm xưa, nhiều người không còn nhận ra đâu là vết tích của chiến tranh khốc liệt cách đây 40 năm về trước. Riêng kinh tế trang trại ở Bình Dương đã phát triển nhanh và mạnh, với hàng ngàn chủ trang trại kiếm tiền tỷ mỗi năm trên vùng đất lửa năm nào…

Kinh tế nông nghiệp của tỉnh đang có bước phát triển đột phá Ảnh: K.VINH

Những nông dân bạc tỷ

Chúng tôi tìm về Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, một trong những địa phương được xem là “thủ phủ” của trang trại kinh tế tổng hợp ở Bình Dương. Hai bên đường rợp bóng mát hàng cao su xanh thẫm. Long Nguyên bây giờ đã đổi khác, đâu chỉ là “vương quốc” của cây cao su mang lại giá trị kinh tế cao, đằng sau những hàng cao su thẳng tắp còn là những trang trại gà lạnh cho thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Đến Long Nguyên hôm nay, nhiều người được nghe nhắc đến chị Nguyễn Thanh Thủy, nức tiếng với 13 ha bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao và nguồn thu nhập kinh tế lớn từ việc khai thác đất vườn. Và đến với Long Nguyên không thể không nhắc đến thế mạnh chăn nuôi với hơn 102 trại chăn nuôi heo, gà các loại.

Kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, người dân ở Long Nguyên đã thấy được hiệu quả kinh tế từ việc nuôi gà trại hở, rồi họ mạnh dạn đầu tư chuồng trại, đường điện để làm kinh tế trang trại tổng hợp. Nhờ thế mà giờ đây, các trại gà mang lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho các hộ chăn nuôi ở Long Nguyên.

Ở Bình Dương hiện nay đâu chỉ có Long Nguyên; chẳng đâu xa, các xã Hiếu Liêm, Tân Định của huyện Bắc Tân Uyên, ngay chính trung tâm đầu não Chiến khu Đ năm xưa giờ đã là mảnh đất làm ăn khấm khá của nhiều nông dân. Những vườn cây ăn trái trĩu quả ở Hiếu Liêm, Tân Định nay có diện tích lên đến 1.248 ha.

Ngay trên đất lửa chiến khu xưa, giờ đây Bắc Tân Uyên đã bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh cây ăn quả, với sản phẩm dần có chỗ đứng và tạo dựng được thương hiệu riêng trên thị trường như cam, bưởi Hiếu Liêm... Hiện nay, huyện Bắc Tân Uyên đã tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án sản xuất nông nghiệp, mô hình chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trên địa bàn huyện và đang thực hiện các dự án khoa học công nghệ chuyển tiếp từ năm 2013 sang; đồng thời lập các thủ tục chuẩn bị triển khai thực hiện Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Cam, bưởi Hiếu Liêm - Bắc Tân Uyên”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện các chính sách hỗ trợ các trang trại trên địa bàn tỉnh, từ năm 2012 đến nay, sở đã xét duyệt và chuyển Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh thẩm định, ký hợp đồng 8 phương án về phát triển vườn cây ăn trái đặc sản; đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến tiêu thụ nông sản, dự án phát triển nông nghiệp đô thị, phát triển vườn cây có múi… Ngoài ra, sở cũng đã phối hợp với các ban ngành liên quan hướng dẫn 2 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 3 trang trại trồng cây xây dựng theo mô hình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP, với tổng kinh phí hơn 94 triệu đồng. Những hoạt động này góp phần nâng số trang trại được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh đến nay lên 16 trang trại, gồm 9 trang trại trồng trọt và 6 trang trại chăn nuôi.

Hướng đi bền vững

Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong năm 2015, sở đã lên kế hoạch cùng với các ban ngành triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị ở vùng phía nam của tỉnh, còn vùng phía bắc thì tập trung quy hoạch phát triển chăn nuôi trồng trọt theo quy mô lớn theo hướng công nghiệp hiện đại; đồng thời xây dựng các mô hình gắn kết giữa sản xuất và chế biến tiêu thụ, trong đó chú trọng phát triển mạnh hình thức sản xuất nông nghiệp trang trại. Sở cũng sẽ phối hợp với ngành liên quan kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân đầu tư và chuyển giao những mô hình canh tác tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao cho các trang trại.

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Kinh tế tập thể tỉnh, hiện Bình Dương có khoảng 347 tổ hợp tác với 5.944 thành viên, được phân bố đều khắp trên các địa bàn xã, phường, thị trấn, hoạt động đúng quy định của Nghị định 151/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn quy định về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Hình thức hoạt động của loại hình này chủ yếu là tương trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho các thành viên. Các tổ hợp tác này đều xây dựng đầy đủ hợp đồng hợp tác, có góp vốn và được chứng thực chính quyền địa phương nơi hoạt động.

Giờ đây, đi khắp các địa phương trong tỉnh, loại hình kinh tế trang trại đã phát triển đều khắp, kể cả nông thôn lẫn thành thị. Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bình Dương là một hiện tượng thú vị về phát triển kinh tế trang trại nói riêng và thay đổi bộ mặt nông thôn nói chung.

Có thể nói, Bình Dương ngoài công nghiệp còn là điển hình cho bước đường phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới, ở đó các chủ trang trại là những nông dân cấp tiến, sớm áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, cùng đất nước chuyển mình từ nền nông nghiệp lạc hậu sang công nghiệp tiên tiến, hiện đại nhưng vẫn giữ được nền tảng cơ bản, truyền thống làm nông nghiệp ngàn đời của cha ông.

KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên