Kinh tế Việt Nam là hiện tượng thần kỳ ở châu Á

Cập nhật: 29-11-2010 | 00:00:00

Cuối tuần qua, mạng tin Eurasia Review dẫn đánh giá của các chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển thuộc Đại học Tổng hợp Paris (Pháp) nhận định kinh tế Việt Nam là một "hiện tượng phát triển thần kỳ ở châu Á" sau nhiều năm khó khăn nghiêm trọng do chiến tranh gây ra.

 

Theo các nhà nghiên cứu Pháp, ngay từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tình trạng nghèo đói ở Việt Nam đã giảm bớt. Số dân sống dưới mức nghèo đói giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 14,5% trong năm 2008. Chỉ trong vòng 15 năm, đã có 25 triệu người dân Việt Nam thoát nghèo.

 

 Việt Nam là "ngôi sao đang nổi" của châu Á.

Năm 2008, tại các khu vực thành thị, chỉ có 3,5% số dân thuộc diện nghèo đói mặc dù giá sinh hoạt tiếp tục tăng. Tỷ lệ người giàu tăng mạnh do Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng kể trong 20 năm qua và là một trong số các nước có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Do đó, mới đây, Việt Nam đã được coi là "mấp mé" ở gần thứ hạng của khu vực các nước mới nổi.

 

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đạt được thành công kinh tế như vậy là do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là công cuộc đổi mới năm 1986 của Việt Nam đã đưa ra một định hướng đặc biệt: xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Sau đó khu vực tư nhân năng động hình thành song song với khu vực kinh tế công. Việt Nam xác định động lực phát triển kinh tế trên cơ sở xuất khẩu và nhanh chóng tham gia nền kinh tế quốc tế. Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu dẫn đầu thế giới về càphê, hạt tiêu và đứng thứ hai về xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ.

 

Ngoài ra, Việt Nam còn đóng vai trò tích cực trong các tổ chức quốc tế. Tháng 1-2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới.

 

Sự bùng nổ kinh tế không phải luôn mang lại lợi ích cho mọi người dân Việt Nam. Để khắc phục sự bất bình đẳng giữa các vùng miền, Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách chuyển ngân sách từ các khu vực giàu sang khu vực nghèo, các vùng sâu, vùng xa để phát triển cơ sở hạ tầng như giáo dục, y tế, điện, hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp nước và thoát nước, cung cấp y tế và các loại dịch vụ xã hội khác.

 

Các chiến lược của Việt Nam dẫn đến sự cải thiện các chỉ số phát triển con người, đó là tỷ lệ trẻ em đến trường về cơ bản đạt 100%, tuổi thọ của nam giới tăng từ 63 tuổi năm 1990 lên 68 tuổi năm 2005 và tuổi thọ của nữ giới tăng từ 67 lên 73 tuổi. Việt Nam đang phấn đấu đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đúng thời hạn là vào năm 2015.

 

Tuy nhiên, để khắc phục nghèo đói, theo các chuyên gia Pháp, Việt Nam vẫn đang đứng trước một số thách thức cần giải quyết; trong đó những thách thức quan trọng nhất là phải giảm khu vực kinh tế không chính thức gồm những người bán hàng rong, các cửa hàng tư nhân trên đường phố, các dịch vụ trong nước...

 

Việt Nam hiện có trên 10 triệu người kinh doanh buôn bán nhỏ. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm mất một số lượng lớn việc làm và đã thúc đẩy khu vực kinh tế không chính thức tại Việt Nam. Khu vực này giải quyết 50% thị trường lao động và chiếm khoảng 20% GDP.

 

Eurasia Review kết luận để thu hẹp khu vực kinh tế không chính thức, Nhà nước nên tăng cường cung cấp các khoản vay hoặc đào tạo việc làm cho người nghèo và thành lập hệ thống an sinh xã hội cho người lao động thuộc khu vực này.

 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên