Ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Cập nhật: 10-11-2010 | 00:00:00

Chiều 9-11, Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petec) và Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) đồng loạt ký hợp đồng làm đơn vị đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

 

Hợp đồng này được ký kết sau nhiều ngày các bên trao đổi đàm phán dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương. Theo thỏa thuận, phía Petrolimex sẽ tiêu thụ khoảng 2 triệu m3 sản phẩm cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, PV Oil 1,5 triệu m3, Petec 1 triệu m3, Vinapco 200.000 m3. Như vậy, tổng khối lượng mà 4 đơn vị này nhận tiêu thụ là 4,7 triệu m3 sản phẩm các loại, gồm xăng A92, A95, dầu diezel, xăng máy bay Z1 và dầu nhiên liệu FO.

 

Phía Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa Dầu Bình Sơn - đơn vị tiếp quản và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cam kết bán các sản phẩm cho 4 đơn vị trên với giá thị trường. Tức là các mặt hàng này sẽ có mức giá tương đương với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu.

 

Tại lễ ký kết, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Nguyễn Quang Kiên phủ nhận các thông tin cho rằng công ty này chê chất lượng xăng dầu sản xuất từ Dung Quất. Ông khẳng định hãng sẵn sàng cam kết tiêu thụ các sản phẩm trong nước, dù rằng việc làm này đang mang lại khá nhiều bất lợi cho phía Petrolimex.

 

Theo ông Kiên, khi đặt bút ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trong nước tức là Petrolimex phải lùi các hợp đồng ngoại đã ký kết sang năm 2011, chấp nhận rủi ro và lỗ. Mức 2 triệu m3 mà hãng ký với Dung Quất cũng là mức "kịch" và không thể cố thêm nữa. "Chúng tôi nói điều này không phải kêu ca gì nhưng thực sự là rất khó khăn". ông Kiên nói.

 

Ông cho rằng Dung Quất vẫn đang trong quá trình chạy thử, khi chạy thử chắc chắn sẽ phát sinh lỗi kỹ thuật, điều này là bình thường nhưng đôi khi có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ sản phẩm. Do vậy ký kết hợp đồng là một chuyện nhưng để thực hiện cam kết cần các bên phải lỗ lực và Petrolimex cần các thông tin kịp thời từ nhà máy Dung Quất để tránh hiện tượng gián đoạn nguồn cung.

 

Điều khiến không chỉ riêng Petrolimex mà của cả các đơn vị khác quan tâm hiện nay đó là vấn đề giá cả, khâu vận chuyển, tỷ giá khi mua xăng dầu ở Dung Quất. Bên cạnh đó, thời tiết tại khu vực Quảng Ngãi bất lợi, thường xuyên có mưa lớn, cảng biển lại nhỏ rất khó khăn vào lấy hàng, thời gian chờ đợi lâu. Điều này khiến các mặt hàng xăng dầu mua tại Dung Quất về đến kho bãi và bán ra thị trường bị đội giá lên cao hơn so với nhập khẩu.

 

Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng việc các đơn vị đầu mối chịu ngồi lại với nhau để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phảm trong nước đã được coi là thành công bước đầu. Dung Quất là nhà máy đầu tiên mới sản xuất nên gặp khó khăn giai đoạn đầu là khó tránh khỏi. Theo bà, hợp đồng ký kết là một chuyện nhưng các bên thực hiện như thế nào lại là vấn đề không đơn giản. Do vậy phía đơn vị quản lý Lọc dầu Dung Quất cần tiếp thu các ý kiến từ đối tác, bạn hàng, doanh nghiệp khác để kiến nghị Bộ xem xét xử lư.

 

Riêng vấn đề tỷ giá, bà Thoa cho biết, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính xử lý để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo kế hoạch, năm 2011, Lọc dầu Dung Quất dự kiến sản xuất khoảng 4,9 triệu tấn sản phẩm, trong đó khoảng 4,6 triệu tấn xăng dầu (tương đương khoảng 5,8 triệu m3).

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên