Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận trực tuyến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Cập nhật: 27-05-2020 | 15:32:51

(BDO) Sáng 27-5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tiếp tục bước vào ngày làm việc thứ 7. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. 

Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Nga trình bày tóm tắt báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và xem phim tư liệu về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Thảo luận trực tuyến về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội đánh giá tình hình xâm hại trẻ em, phân tích và đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian qua, phân tích nguyên nhân của những kết quả và hạn chế, xác định trách nhiệm và bài học kinh nghiệm; đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Các đại biểu cũng góp ý cụ thể đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 30-6-2019, cả nước có 24.776.733 trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước. Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em, như: Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, học tập, phát triển năng khiếu, quyền bí mật đời sống riêng tư. Đến nay, tất cả trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí; gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng; gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo…

Đại biểu Lê Thị Nga cho biết, Đoàn giám sát nhận thấy, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đạt được những kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ.

HỒ VĂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên