Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2010): Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò và sức mạnh của nhân dân

Cập nhật: 17-05-2010 | 00:00:00

Yêu nước, thương dân, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Buổi ban đầu, Người tham gia vào các tổ chức hội đoàn để tìm tòi, tích lũy tri thức và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Con đường này đã đưa Người tham gia hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp, một đảng chính trị có uy tín trong đời sống chính trị của nước Pháp. Hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp chính là trường học quan trọng nhất để Nguyễn Ái Quốc trở thành một người hoạt động chính trị chuyên nghiệp.

Sự uyển chuyển Nguyễn Ái Quốc

Lý tưởng của Nguyễn Ái Quốc là tìm kiếm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Điều người không thể chấp nhận là Đảng Xã hội Pháp hầu như không quan tâm gì đến vấn đề thuộc địa. Tiếp thu ánh sáng trong Luận cương của Lênin, đã làm cho Nguyễn Ái Quốc thay đổi về chất để đưa đến nhận thức và hành động tham gia vào bộ phận cánh tả của Đảng Xã hội Pháp, góp phần sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tua vào tháng 12-1920.

Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến với nước Nga Xô Viết. Thời gian sống và hoạt động ở nước Nga đã cho Nguyễn Ái Quốc thấy sức mạnh của đảng kiểu mới, Đảng Bôn-sê-vích Nga. Người ấp ủ hoài bão “dựng đảng cứu quốc” và từng bước hình thành tư tưởng, phương thức xây dựng đảng kiểu mới, đảng cộng sản cho cách mạng Việt Nam. Toàn bộ tư tưởng này của Người đã được thể hiện một cách hệ thống trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (1927). Quan điểm nổi bật nhất của tác phẩm này chính là sự khẳng định của Nguyễn Ái Quốc: “Kách mệnh trước hết cần có đảng kách mệnh. Đảng kách mệnh có vững, kách mệnh mới thành công”.

Tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (từ 6-1 đến 7-2-1930), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra trước hội nghị không chỉ có Chính cương, Sách lược vắn tắt mà còn có Điều lệ vắn tắt của Đảng. Điều này chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc hiểu sâu sắc học thuyết Mác - Lênin về xây dựng đảng, nhất là đảng kiểu mới, Đảng Cộng sản của Lênin.

Sự uyển chuyển của Nguyễn Ái Quốc khi nói về Đảng Cộng sản Việt Nam chính là cách đặt tên đảng của Người. Nguyễn Ái Quốc chấp hành chỉ thị của Quốc tế cộng sản về hợp nhất các tổ chức cơ sở ở trong nước của Việt Nam để thành lập một đảng cộng sản duy nhất, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã không chấp hành chỉ thị của Quốc tế cộng sản về đặt tên đảng là Đảng Cộng sản Đông Dương, mà Người cho rằng: “Đảng chỉ là của một dân tộc cho nên tên gọi của đảng ta phải là Đảng Cộng sản Việt Nam”. Quan niệm này của Người hé mở cho chúng ta một nhận thức mới về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, giữa dân tộc và quốc tế. Đây là mối quan hệ chiến lược liên quan tới tồn vong, thành bại của đảng, của cách mạng nước ta.

Từ khi có Đảng, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, không một lúc nào Hồ Chí Minh không quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Có thể chỉ ra một hệ thống những quan điểm của Người trên lĩnh vực này: Trước hết, Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu đến hệ tư tưởng của Đảng. Đảng có vững kách mệnh mới thành công. “Đảng muốn vững phải lấy chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2, trang 267-268, sđd).

Sống phải có tình, có nghĩa

Đề cập tới chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh có một điểm độc đáo là người quan niệm đây không chỉ là hệ tư tưởng của Đảng, mà còn là yếu tố vô cùng quan trọng để nâng cao chất cộng sản cho người cộng sản Việt Nam, không tách rời giai cấp với dân tộc. Những năm cuối đời, Hồ Chí Minh căn dặn: “Từ ngàn xưa đến nay, nhân dân ta vốn sống với nhau có tình có nghĩa. Từ khi có Đảng, tình nghĩa đó được nâng lên thành tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Học chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau cho có tình có nghĩa. Dù đọc bao nhiêu sách về chủ nghĩa Mác- Lênin mà sống thiếu tình thiếu nghĩa, coi như không hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin”. Đối chiếu vào thực tiễn hiện nay, chúng ta không khỏi giật mình về lời cảnh báo này của Hồ Chí Minh vào năm 1968.

Đảng muốn vững thì cần phải có tổ chức chặt chẽ. Hồ Chí Minh chỉ ra một hệ thống các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng: “Tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh tự giác; đoàn kết thống nhất trong Đảng”. Điều quan trọng trong tư tưởng này của Người là phải hiểu thật rõ bản chất của từng nguyên tắc và vận dụng một cách đúng đắn bản chất đó vào điều kiện cụ thể của Đảng ta. Các nguyên tắc này phải được thực hiện đồng bộ, trong một chỉnh thể của hệ thống nhưng phải đặt nguyên tắc tập trung dân chủ lên hàng đầu. Các nguyên tắc này có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta nhưng nó chỉ trở thành hiện thực, đem lại sức mạnh cho Đảng khi chúng ta thực hành đúng phương châm, phương pháp Hồ Chí Minh là trên làm trước, dưới làm sau. Nếu điều này không được thực hiện thì mọi lời nói, mọi cuộc vận động đều trở thành khẩu hiệu suông và vô nghĩa.

Đảng muốn trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh” thì cần phải đặc biệt coi trọng nhân tố con người là đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Sinh thời, Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác trồng người của Đảng. Để dựng Đảng cứu quốc, Người bắt đầu từ việc mở lớp huấn luyện, đào tạo những hội viên cho Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam. Người chú trọng cả đào tạo huấn luyện về mặt nhận thức với rèn luyện thử thách họ qua phong trào vô sản hóa. Điểm nổi bật khi đề cập tới công tác này là Hồ Chí Minh coi trọng giáo dục rèn luyện cả đức và tài, cả hồng và chuyên cho đội ngũ cán bộ đảng viên. Giữa đức và tài, Hồ Chí Minh luôn coi đức phải có trước, là gốc rễ, nền tảng, cội nguồn tạo nên sức mạnh của người cách mạng. Tài phải có sau, là quan trọng nhưng nếu không đủ tầm thì cũng không đem lại lợi ích cho cách mạng.

Cần nói thêm quan niệm về đức của Hồ Chí Minh có điểm bổ sung độc đáo về phẩm chất chính trị, gắn với yếu tố vốn có của đạo đức truyền thống làm lối sống và nhân cách. Chính điểm đặc sắc này đã làm cho quan niệm về đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh hoàn chỉnh và có sức thuyết phục lớn đối với cán bộ đảng viên và nhân dân. Từ quan niệm này dẫn đến Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên phải xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong. “Không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sĩ xung phong. Đó là do sự tự giác, lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên, làm chiến sĩ xung phong” (sđd, tập 5, trang 253) để “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Đảng muốn có sức mạnh để chiến thắng kẻ thù của giai cấp và dân tộc thì phải liên hệ mật thiết với nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò và sức mạnh của nhân dân đối với Đảng ta, đối với công tác xây dựng Đảng có nội hàm rất phong phú. Hồ Chí Minh đã từng khẳng định có dân là có tất cả, mất dân là mất hết. Người xác lập nước ta là nước dân chủ, dân là chủ. Người yêu cầu dân chủ là để cho người dân mở miệng ra mà nói, vì không phải dân không biết mà vì dân sợ nên họ không dám nói. Khi nào dân còn sợ Đảng và Nhà nước, sợ cán bộ đảng viên có nghĩa là chưa có dân chủ. Và đây chính là vấn đề có ý nghĩa thời sự nóng hổi đối với cách mạng nước ta và mang hơi thở của thời đại.

Như soi gương, rửa mặt hàng ngày

Đặc sắc nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng chính là luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng. Người đã dành tâm huyết trí tuệ để thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, kể cả trong điều kiện hoạt động bí mật bất hợp pháp, sau khi có chính quyền, trong kháng chiến chống ngoại xâm và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cống hiến sáng tạo nhất của Hồ Chí Minh trên lĩnh vực này chính là quan niệm của Người về chỉnh đốn Đảng. Theo Hồ Chí Minh, chỉnh đốn Đảng là phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm để không ngừng tiến bộ. Theo Hồ Chí Minh “Đảng ta bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây ngấm vào trong Đảng” (sđd, tập 5, trang 261). Vì vậy, chỉnh đốn Đảng là công việc phải tiến hành thường xuyên như soi gương rửa mặt hàng ngày, chứ không phải là cái gì đao to búa lớn. Chỉnh đốn Đảng không chỉ vì Đảng mà còn vì nước vì dân. Phải huy động được sự tham gia của nhân dân giúp cho Đảng chỉnh đốn.

Tuy phải làm thường xuyên để chữa trị bệnh tật của Đảng nhưng ở những bước ngoặt của cách mạng, khi cách mạng chuyển nhiệm vụ thì Hồ Chí Minh càng coi trọng công tác này. Trong Di chúc của Người đã căn dặn Đảng ta phải chỉnh đốn Đảng sau khi đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược...

Năm 2010, Đảng ta học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; là đạo đức, là văn minh. Học tập đã khó, làm theo còn khó hơn nhiều. Phương châm “tích cực học tập, nỗ lực làm theo” vẫn còn giữ nguyên giá trị. Những cống hiến đặc sắc của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng chỉ có thể tỏa sáng thông qua sự tự giác của mỗi chúng ta thành kính biết ơn Người, tự nguyện làm theo Người với cả trái tim, tấm lòng và sức mạnh của mình. Đòi hỏi mới đang đặt ra gay gắt đối với Đảng và nhân dân ta trong tầm nhìn từ nay đến năm 2020 và xa hơn nữa là 2050 - Việt Nam có thể trở thành cường quốc của khu vực và trên thế giới hay không? Câu hỏi này đã có lời giải từ chính trong cội nguồn tư tưởng của Hồ Chí Minh: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

TS. NGUYỄN VIỆT HÙNG

(Trưởng Khoa Xây dựng Đảng trường Cán bộ TP.HCM)
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên