Ký ức những ngày xuống đường

Cập nhật: 18-04-2010 | 00:00:00

  

 Học sinh sinh viên Sài Gòn xuống đường, hát vang

những bài ca yêu nước năm 1974. Ảnh tư liệu

Đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình từ hơn 35 năm trước, nhưng những ca khúc được viết ra và hát trong phong trào đó vẫn tiếp tục vang lên trong cuộc sống hôm nay.

 

Hát cho đồng bào tôi nghe – phong trào văn nghệ của học sinh sinh viên Sài Gòn dưới chế độ Mỹ ngụy – chỉ diễn ra trong khoảng chục năm, nhưng đã để lại một di sản độc đáo và giá trị trong nền âm nhạc nước nhà...

 

“Hát cho đồng bào tôi nghe”- đúng như tên gọi tha thiết ấy, bắt đầu từ những ca khúc thấm đẫm tinh thần dân tộc,  được các nhóm học sinh sinh viên – những trí thức trẻ hát lên để đối chọi lại những xâm lăng văn hóa ở Sài Gòn thời tạm chiếm – đã dần dần dấy lên thành một phong trào tranh đấu. Âm nhạc trở thành một mũi tiến công…

 

Hát cho dân tôi nghe

 

Theo lời kể của nhạc sĩ- ca sĩ Trần Xuân Tiến, từng là Đoàn trưởng Đoàn văn nghệ sinh viên-học sinh Sài Gòn từ năm 1973, và là ca sĩ chính của phong trào-  khởi nguồn của “Hát cho đồng bào tôi nghe” là từ những năm 60. Khi đó, cùng với sự xuất hiện của lính Mỹ trên đường phố Sài Gòn, một luồng gió ngột ngạt của văn hóa lai căng cũng ập tới: phong trào hip-pi, những sách báo luông tuồng cổ vũ cho lối sống thác loạn. Âm nhạc đô thị thời đó phần nhiều là những ca khúc về đời lính chiến, than phiền về những niềm vui ngắn ngủi, ca ngợi tinh thần sống vội sống gấp và hưởng thụ. Trong bối cảnh đất nước chia cắt,  điều ấy càng trở nên lạc lõng và bức xúc.

 

Đã có những nhạc sĩ thời bấy giờ sáng tác những khúc bày tỏ lòng yêu quê hương đất nước, đau nỗi đau chia cắt, nhưng chỉ là than khóc ủ ê.

 

Đối với những sinh viên-là trí thức trẻ thời bấy giờ, họ không chịu nổi điều đó. Và để “chọi” lại sự bệ rạc và yếm thế, họ hát những bài dân ca, bắt đầu là những bài ca trong sáng như lý cây bông, lý qua đèo, lý ngựa ô… trong cộng đồng sinh viên, để nhắc nhớ lòng mình, nhắc cho bạn bè mình về tự tôn dân tộc, về bản sắc, chiều dày văn hóa của cha ông không dễ  gì chối bỏ.

 

Tiếp theo, những ca khúc rộn rã đầy khí  thế chiến đấu trong cuộc chiến chống thực dân Pháp như Lên đàng, Hội nghị Diên Hồng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, rồi tiếp đến dòng “sử ca” như Tiếng  trống Mê Linh, Bóng cờ lau của Hoàng Quý cũng được cất lên trong những đêm văn nghệ sinh viên. Hát để nhắc nhớ mình rằng đất nước đang bị xâm lăng, hát để cho đồng bào mình nghe.

Đến khoảng những năm 1966-1968, từ sự chỉ đạo của Thành đoàn Sài Gòn- Gia Định, Tổng hội sinh viên Sài Gòn quyết định phong trào lấy hoạt động văn nghệ làm một mũi tiến công, trước hết là đấu tranh để bảo vệ văn hóa dân tộc. Đoàn văn nghệ sinh viên-học sinh Sài Gòn được thành lập do bác sĩ Trương Thìn (khi ấy là sinh viên y khoa) làm trưởng đoàn.

 

Từ những buổi sinh hoạt nhóm, những đêm lửa trại, đã trở thành những cuộc biểu diễn văn nghệ có quy mô, có tổ chức trên sân khấu để phục vụ đồng bào nội đô. Có những cuộc biểu diễn đã kéo theo cả hàng ngàn người xuống đường, biến thành cuộc biểu tình chống chế độ Mỹ ngụy. Từ chỗ hát những ca khúc có sẵn, sinh viên đã tự sáng tác những ca khúc tranh đấu rõ ràng, trực diện hơn. Tất cả, chỉ với một tinh thần “hát cho dân tôi nghe”, hát về lòng yêu nước thương nòi, để giục giã tinh thần tranh đấu.

 

Và hát là… ra trận

 

“Thời đó, mỗi lần đi hát là cảm giác như mình đang đi ra trận. Có lần đứng trên sân khấu, nhìn xuống thấy cảnh sát bồng súng ngồi đầy ở dưới, tui quay lại hỏi anh em: Rủi nhỡ chúng nó bắn thì sao đây? Anh em đồng thanh trả lời: Thì thành liệt sĨ! Trong bối cảnh đó, câu trả lời vừa tếu táo vừa quyết tâm, nên trong lòng vừa thấy nhẹ nhõm vừa đầy khí thế” - Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến.

Trong ký ức của nhạc sĩ Trần Xuân Tiến vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh và cảm xúc của những đêm văn nghệ trong ánh đuốc bập bùng gần 40 năm trước. Rành rọt từng thời kỳ, từng câu chuyện, thuộc từng lời bài hát của gần trăm ca khúc trong phong trào, ông kể về những tháng năm hừng hực khí thế đó như vừa mới hôm qua.

 

Đoàn Văn nghệ sinh viên-học sinh Sài Gòn, thời kỳ đầu còn hoạt động công khai. Về sau, với sự lớn mạnh của phong trào, và với những bài hát mới ra đời, trực diện và “máu lửa” hơn, thì những buổi biểu diễn văn nghệ của họ trở nên khó khăn hơn nhiều.

 

Biểu diễn văn nghệ mà lúc nào cũng phải “diễn nhanh, rút gọn” thần tốc cướp thời cơ khi cảnh sát chưa ập tới. Nhưng có nhiều buổi diễn, mà ca sĩ chưa tới thì lính ngụy đã ôm súng ngồi đợi ở sẵn. Hát trước họng súng quân thù, hát trong khói lửa của lựu đạn cay, ma trắc, súng cao su, gậy cảnh sát… cũng chưa phải là tất cả. Súng đạn thật đã bắn vào tà áo sinh viên. Máu đã đổ. Người đã ngã xuống. Nhiều người bị bắt, bị tù đày.

 

Nhưng, cũng có nhiều lính ngụy, vì phải bất đắc dĩ đi theo canh gác các đêm văn nghệ của sinh viên để “tránh bạo động” đã dần dần thấm những lời ca tiếng hát  mà tự cảm hóa. Họ cũng phần nào đó thức  tỉnh, rằng rõ mình là người con của dân tộc Việt, cũng có trong mình lòng tự tôn dân tộc, cũng đau nỗi chia cắt đất nước. Và đôi lúc, lương tâm đã níu kéo, họ không ra tay đàn áp mà còn tránh đi để cho sinh viên biểu diễn.

 

Thế hệ sinh viên Sài Gòn thời đó vẫn còn nhắc nhau về một “trận đánh” khó quên, đó là cuộc biểu tình ở Đại sứ quán Campuchia, đòi chính quyền Lonnon (chính quyền ngụy ở Campuchia thời đó) phải trả nợ máu về việc những công dân Việt Nam bị giết chết thả trôi sông, và đồng thời yêu cầu chính quyền Sài Gòn phải lên tiếng. Đó là vào khoảng giữa năm 1970. Chưa có khi nào mà sinh viên biểu tình ập đến chiếm toàn bộ khu vực đại sứ quán cả tuần lễ. Nhưng sau đó họ bị cô lập, bao vây, cắt điện, cắt nước, không lương thực. Trong bối cảnh cam go đó, bỗng nhiên có một cơn mưa ập tới, và những người lính cảnh sát của chính quyền Sài Gòn đã giả vờ đi tránh mưa, để cho những phụ nữ địa phương chớp cơ hội vào tiếp tế lương thực, sơ cứu cho sinh viên.

 

Text Box: Sinh viên khi đó, dù không phải học chuyên ngành âm nhạc, nhưng hầu như ai cũng biết sáng tác và ôm đàn ngồi hát tác phẩm của mình. Những ca khúc phong trào cứ thế mà ra đời, có khi chưa ráo mực, thậm chí không cần viết ra, mà từng câu từng câu một chuyền nhau hát, nhiều khi chỉ vài tiếng đồng hồ là thành một dàn đồng ca xuống đường rầm rộ. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, khi đó cũng là sinh viên, đã ôm đàn đứng hát ở ngã tư gần nơi xảy ra cuộc biểu  tình. Bài hát “Người mẹ Bàn Cờ” mà ông sáng tác, phổ thơ Nguyễn Kim Ngân, đã ra đời trong hoàn cảnh đó mà nhanh chóng lan truyền, như một sự cổ vũ tinh thần lớn lao.

 

Ông Trần Xuân Tiến nhớ lại: “Những ca khúc ra đời, nhiều khi chỉ mấy chục phút sau đã thành dàn đồng ca trong cuộc biểu tình. Có những nhạc sĩ vừa sáng tác ngay trên giảng đường, vừa hát, vừa chạy khỏi vòng vây cảnh sát”.

 

Và cuộc đấu tranh của họ, không chỉ thúc giục thanh niên trí thức các đô thị miền nam hòa mình vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà còn lay động cả chiến khu, thắp lửa tinh thần cho những người đang nằm gai nếm mật ở vùng căn cứ kháng chiến. Tiếng hát trong phong trào còn vang tận tới các những kiều bào ở nước ngoài. Tại Pháp, Bỉ.. và các nước châu Âu, trong cộng đồng Việt Kiều đã có những cuộc “tiếp sức’ bằng những buổi sinh hoạt văn nghệ, cũng vang lên lời  ca và tinh thần tranh đấu của sinh viên Sài Gòn.

 

Ra trận, cùng với những lời ca, giai điệu khi sục sôi khí thế đấu tranh, lúc tha thiết tình yêu dân tộc, nói về vẻ đẹp quê hương và nỗi đau núi sông chia cắt, khát vọng hòa bình- một thế hệ sinh viên đã làm nên dấu ấn không chỉ là của một thời kỳ lịch sử, mà còn là dấu ấn trong lòng người như những ký ức không thể nào phai…

 

(THEO NHÂN DÂN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên