Kỳ vọng... sau cánh cửa đổ

Cập nhật: 16-05-2012 | 00:00:00

Cảnh tượng cánh cửa trường tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội) đổ sập, hàng trăm phụ huynh (PH) như ong vỡ tổ tràn vào trường xin chỗ cho con học đã trở thành chi tiết “đắt giá” được bàn luận sôi nổi trong mấy ngày qua. Hình ảnh đó không chỉ làm đắng lòng những người có con, em đang trong độ tuổi đi học mà còn với cả những ai dành tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Như thông lệ, hiện nay đang vào thời điểm nhiều PH bắt đầu “chạy” trường cho con để chuẩn bị cho năm học 2012-2013. “Chạy” ở đây có đủ đường: Xin vào trường chuẩn, trường điểm, vào lớp chọn; vì trái tuyến, không đúng địa bàn; vì con không đủ điểm chuẩn... Đã từ nhiều năm nay, cái chuyện “chạy - xin” ấy cứ đến hẹn lại lên và trở thành một chuyện rất đỗi bình thường mà người ta không ngại ngần bàn tán, hỏi thăm nhau từ công sở cho đến quán xá. Bởi thế nên khi chứng kiến những hình ảnh PH rồng rắn xếp hàng, chờ chực, chen lấn, đổ xô vào mua đơn cho con ở trường tiểu học Thực nghiệm vừa qua, hầu hết PH đều cảm thông và ít nhiều thấy được hình ảnh chính mình ở trong trạng thái đó.

Một chi tiết vốn là bất bình thường đối với nền giáo dục nước nhà (PH phải chen lấn, chạy vạy cho con đi học) mà đã được xem là bình thường, thì nó cũng là điều bất bình thường! Để PH ăn sâu vào tư duy là phải “chạy chọt” mới có trường tốt, lớp tốt để cho con em theo học là một cái lỗi không nhỏ. Nó phản ánh thực trạng đáng buồn là vẫn còn một khoảng cách nhất định giữa các trường, các loại hình đào tạo, kể cả trên thực tế lẫn trong tư tưởng, suy nghĩ của nhiều PH!

Chứng kiến cảnh tượng chẳng vui diễn ra ở trường PTCS Thực nghiệm, giáo sư Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của mô hình trường thực nghiệm, cũng phải thốt lên rằng: “Tôi thương PH quá!”. Ông thương PH vì PH rất cần được cảm thông cho dù họ đã có những hành vi kém văn hóa (xô đẩy, đạp cổng...), nhưng ẩn ý chữ “thương” ở đây, phải chăng còn bởi sự đổi mới của ngành giáo dục quá chậm chạp, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân? Chỉ mỗi một chi tiết nhỏ thôi ở ngay chính trường PTCS Thực nghiệm đã cho thấy: Ngôi trường này được tổ chức dạy theo mô hình mới (thực nghiệm) để thí điểm cho cả nước từ cách đây những... 30 năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa được tổng kết, thay đổi, như thế có phải là quá chậm và lỗi thời?

Thực tế ở trường PTCS Thực nghiệm cũng cho thấy, không ít PH cất công thức trắng cả đêm để canh trường mở cổng chỉ vì được biết nơi này khi xưa có giáo sư Ngô Bảo Châu từng học! Tiếng lành đồn xa là yếu tố giúp cho nhiều ngôi trường trở nên nổi tiếng, nhưng cũng chính vì đó mà sinh ra sự ngộ nhận, tâm lý chủ quan, chạy theo đám đông của nhiều PH, dẫn đến hậu quả là các trường “nổi tiếng” càng thêm đông đúc người đi “xin xỏ”, cũng đồng nghĩa với chuyện càng dễ sinh ra tiêu cực...

Bao giờ sẽ hết cảnh chạy trường, chạy lớp - câu hỏi ấy chỉ có thể được trả lời thấu đáo khi mà chất lượng giáo dục được nâng lên đồng đều một cách thực sự. Nhưng dẫu sao, vẫn hy vọng từ chuyện cánh cửa trường PTCS Thực nghiệm bị xô ngã, sẽ nhen nhóm cho những đổi mới, bứt phá từ ngành giáo dục cho mục tiêu ấy.

Quang Minh

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên