Lạ đời phương pháp “xông tai”!

Cập nhật: 10-03-2010 | 00:00:00

Thời gian gần đây một số tin đồn có liên quan đến việc một “bà thầy” ở Bến Cát có khả năng chữa trị viêm xoang rất hiệu nghiệm. Tin đồn truyền tai, nhiều người dân các vùng lân cận tìm đến với hy vọng được chữa khỏi bệnh bằng cách “xông tai” mà không cần đến bệnh viện. Trong vai những bệnh nhân viêm xoang mạn tính, chúng tôi có dịp tiếp cận với “bà thầy” để tìm hiểu thực hư!

   Bà Út đang thực hiện phương pháp “xông tai” cho bệnh nhân

Có mặt tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước II, Bến Cát vào một buổi sáng trung tuần tháng 2-2010, không khó khăn mấy để tìm ra nhà “bà thầy” bởi nhà nằm ở vị trí đắc địa trong KCN: “Gần Bệnh viện Mỹ Phước”. Cũng như những ngôi nhà cấp 4 khác, nhà bà thầy có thêm khu nhà trọ tương đối khang trang ngay bên cạnh. Chúng tôi hỏi thăm mới biết “bà thầy” là bà Út, chủ khu nhà trọ này. Bà Út tuổi ngoài 60, dáng người gầy gò, khắc khổ. Biết chúng tôi tìm đến trị bệnh, bà tò mò “sao biết mà đến”? Rồi tất bật chuẩn bị “đồ nghề” mà không mảy may vặn vẹo, cảnh giác như bất cứ “lang băm” nào mà chúng tôi từng tiếp cận. Vừa chăm sóc đứa cháu nội, bà Út vừa giới thiệu về “khả năng thần kỳ” của phương thuốc mà mình đang điều chế. Bà bắc lên bếp ga một tấm vỉ nướng bằng thép rồi đặt lên trên vỉ ba cái chum nhỏ, loại dùng để uống trà. Theo bà giới thiệu thì trong chum chứa dung dịch dầu dừa, sẽ được đun sôi trong vòng 3 phút. Bà lấy một cái phễu thủy tinh được cắt từ 1/2 chai Number One loại 250ml, bên ngoài đầu chai thủy tinh bà gắn thêm một chiếc phễu được làm bằng giấy bìa cứng. Trong lúc chờ dầu dừa sôi, chúng tôi nấn ná tìm hiểu thông tin về phương pháp chữa bệnh “đặc biệt” này. Bà Út cho biết: mình học được nghề từ một người quen ở miền Tây, trước đó vợ người này đã được chữa lành bệnh bằng phương pháp trên. Tính đến nay, bà hành nghề đã được 2 năm, lượng khách tìm đến dù không nhiều nhưng “coi như kiếm thêm thu nhập”. Chúng tôi băn khoăn về nguồn gốc dược liệu, bà tỏ vẻ bí mật “mua ở vùng dân tộc, nhờ người quen mua giùm”. Tiếp đó, bà mở nắp hộp nhựa màu trắng chứa hạt thuốc màu đen có hình dạng như hột ớt, rồi lấy ra vài muỗng cho vào một chiếc đế gỗ được đẽo gọt vừa khít với đáy phễu. Sau khi dầu dừa sôi, bà Út cho dầu dừa trộn với hạt thuốc rồi nhanh chóng úp hai cái phễu, một thủy tinh và một giấy chụp vào cái đế gỗ ban nãy rồi đưa nhanh đỉnh phễu vào tai phải của P.V. Bà căn dặn: “Giữ thật chặt, đừng để khói bay ra ngoài tai. Phải để khói bay vào màng nhĩ, vào máu để giết vi trùng”!. Nói rồi để mặc chúng tôi thưởng thức mùi dầu dừa, hương thuốc, bà bỏ đi ra ngoài. Sau khoảng 4 phút, phễu được lấy ra khỏi tai P.V, bà vào phòng lấy ra nào đèn sạc, khăn giấy rồi bật đèn săm soi cái phễu, bà trách “dầu dừa bị đổ hết rồi”! Nói rồi, bà tiếp tục bật bếp ga đun tiếp các chum dầu dừa, sau đó tạo thêm một cái phễu khác đặt vào bên tai trái bệnh nhân. Thật không may, lần này đế gỗ lại bị lệch với đáy phễu khiến dầu bị tràn ra ngoài. Không hề khó chịu, sau vài phút bà Út lại gắn vào tai phải P.V một cái phễu lần thứ ba. Thật thận trọng, P.V giữ tay, cổ đúng tư thế trong vài phút để lắng nghe tiếng lộp bộp của thuốc nổ từ trong đế phễu, tiếng khói nhả ngùn ngụt từ miệng phễu truyền vào tai có cảm giác nong nóng. Bà Út lần này chăm chút, không để người bệnh cựa quậy nên hài lòng khi thấy đế gỗ không bị đổ dầu “chút nữa mở ra sẽ thấy vi trùng trên chai”! Tiếp đó, bà bật đèn sạc dùng giấy vệ sinh lau phía bên trong đầu chai thủy tinh. Thế nhưng lau hoài, săm soi mãi vẫn chưa “tóm” được con vi trùng nào, bà dùng tăm dò tìm trong cái đế gỗ chứa dầu và thuốc. Vớt những hạt thuốc cháy đen ra khỏi nắp bà thầy quyết tìm cho kỳ được con “vi trùng” cháy đen và đưa chúng tôi xem “vi trùng bám trên thành chai bị rớt xuống cháy đen như vậy”! Nói rồi bà hét đứa cháu khoảng 12 tuổi vào “bắt vi trùng” phụ!? Chúng tôi gật đầu ra vẻ thán phục dù biết “có vi trùng nào đâu”? ngoại trừ phần tạp phẩm của cây thuốc có hình giống con lăng quăng bị cháy. Trời xế trưa, chúng tôi hỏi giá tiền chữa bệnh, bà Út thẳng thắn: “Các lần trước Út chỉ lấy mỗi người 70.000 đồng nhưng bây giờ giá gas tăng nên lấy 100.000 đồng” rồi dặn dò “ngày mai đến tiếp thêm một lần, khoảng nửa tháng thì đến thêm lần nữa. Bắt vi trùng phải bắt nhiều lần mới hết bệnh”! Trả tiền xong, chúng tôi vu vơ hỏi về tên loại cây có hạt được chế biến dùng làm thuốc, lần này bà thầy vui vẻ mách nước: “Nếu nhà mấy cháu có người già thì sẽ biết cây “Ý thí”. Bây giờ cây này không còn trồng nhiều nữa”! Thế là chúng tôi rời “phòng khám” với cái tên mơ hồ của cây dược liệu và một phương pháp chữa bệnh “xông tai bắt vi trùng” rất đỗi lạ kỳ!

  Hai mẹ con bà Nguyễn Thị N. và Nguyễn Thị Nă., xã An Điền, Bến Cát đều là những người thuộc dạng đau đầu “kinh niên” từ nhiều năm nay, họ chạy chữa khắp nơi cũng không khỏi, từ Tây y đến Đông y nhưng không đạt kết quả. Thuốc vẫn uống đều đặn mà chứng nhức đầu vẫn không thuyên giảm. Nghe người quen giới thiệu phương pháp “xông tai bắt vi trùng” của bà Út có hiệu quả nên tìm đến. Trao đổi với chúng tôi, chị Nă. nói: “Cũng qua một người quen giới thiệu, tôi tìm đến nhà bà Út để xông tai. Bởi vì, tôi bị đa xoang. Cứ nghĩ xông là phương pháp chữa bệnh đông y, làm thử một lần cũng tốt. Thế nhưng, sau khi xông tai, bà Út dùng đèn chiếu vào chỉ và bắt cho chúng tôi xem những con “vi trùng” từ trong tai chui ra, con chết thì đen thui, con còn sống có màu trắng đục, bóp vào có cảm giác dai và mềm. Theo bà Út: Chính những “con” này làm mình bị nhức đầu, “bắt” nó nhiều lần sẽ khỏi bệnh ngay”! Tiếp lời chị Nă., bà N. bày tỏ thêm: “Hai mẹ con tôi đi xông tai tổng cộng hết 3 lần, tốn hơn 400 ngàn đồng. Không biết người khác như thế nào chứ chúng tôi không thấy giảm mà còn bị nhức đầu thêm dữ dội. Có lẽ là do nhiệt độ nóng quá khi xông vào tai. Còn chuyện “vi trùng” từ trong đầu đi theo đường khói chui ra khiến chúng tôi nghi ngờ nhưng cũng không biết thực hư thế nào”?!Mang băn khoăn của mình, P.V tìm gặp thầy thuốc lâu năm trong lĩnh vực đông y để tìm hiểu thì được biết: “Mặc dù là thầy thuốc đông y lâu năm nhưng đây là lần đầu tiên mới nghe trường hợp xông xoang vào tai; bởi xoang đi qua hệ mũi, miệng chứ không phải là tai! Xông vào tai chỉ trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh viêm tai giữa, bệnh về màng nhĩ. Ngoài ra, vi trùng gây bệnh không thể nhìn thấy bằng mắt thường, do đó phương pháp chữa bệnh bằng cách lấy vi trùng từ tai ra cho bệnh nhân xem là điều rất viễn vông, bất thường. Về mặt chuyên môn, thầy thuốc muốn điều trị bệnh cho bệnh nhân thì trước hết phải căn cứ trên các xét nghiệm cận lâm sàng, chẳng hạn như bệnh về xoang thì phải xem kết quả chụp X quang, scanner chứ không thể tùy tiện chẩn trị như vậy được; riêng loại thuốc có tên “Ý thí”, tôi chưa hề nghe qua”. Cũng theo một số thầy thuốc đông y khác thì cái tên “Ý thí” rất đỗi lạ lùng, chưa ai từng nghe qua. Nếu là “Ý dĩ”, tức hạt bo bo thì dù có xay nhỏ như hạt ớt cũng không thể dùng để trị bệnh xoang!

 Theo chúng tôi biết thì bà thầy Út không có giấy phép hành nghề và chịu sự giám sát của địa phương. Như vậy, đây là một trong số các trường hợp “lang băm” đang hoạt động lén lút, rất cần được sự quan tâm kiểm tra của ngành chức năng.

NHÓM P.V BĐ-PL

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên