Lạc quan với thị trường xuất khẩu - Kỳ 2

Cập nhật: 05-06-2020 | 07:27:49

Kỳ 2: Định vị thương hiệu hàng Việt

 Để cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường nước ngoài, việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đúng cách là biện pháp xuất khẩu bền vững.

 Cùng với việc gia công cho các thương hiệu lớn, Công ty Giày Đông Hưng (TP.Dĩ An) nỗ lực phát triển thương hiệu riêng để chiếm lĩnh thị trường

 Hướng đi bền vững

Sau dịch bệnh Covid-19, cùng với việc tái cấu trúc sản xuất vấn đề lớn đặt ra cho doanh nghiệp (DN) Việt là xây dựng thương hiệu, định vị lại hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế trước thách thức và đón thời cơ mới.

Những năm qua, ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ, phấn đấu để Bình Dương trở thành “thủ phủ” của Đông Nam Á là mục tiêu mà ngành gỗ đề ra. DN gỗ trên địa bàn đã có các thị trường vững vàng tại những nước hàng đầu trên thế giới. Về công nghệ sản xuất, chế biến thì tên tuổi các DN Bình Dương cũng trở thành những thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ của Bình Dương còn rất lớn. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định được giá trị gỗ xuất khẩu của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung thì DN sản xuất kinh doanh cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Bên cạnh việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, việc phát triển và xây dựng thương hiệu là rất quan trọng. Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng bày tỏ kỳ vọng lớn vào sự năng động, dám nghĩ dám làm của các DN gỗ Bình Dương trong thời gian tới.

Là DN có thâm niên trong ngành gỗ xuất khẩu, ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Hiệp Long (TP.Thuận An) bày tỏ sự đồng tình với đánh giá của chuyên gia Phạm Chi Lan. Mặc dù sản phẩm gỗ của DN trong nước sản xuất đạt chất lượng cao, nhiều sản phẩm tinh xảo nhưng do không có thương hiệu nên giá trị xuất khẩu lại thấp. Chính vì vậy, nhiều DN phải xuất khẩu thông qua đối tác nước ngoài, vừa giảm giá trị lại giảm cả năng lực cạnh tranh của DN. Từng thương hiệu của DN sẽ là điểm sáng để tập hợp, vẽ nên bức tranh đẹp cho cả ngành chế biến gỗ Việt Nam.

Ngành da giày Việt Nam cũng được gọi là ngành công nghiệp mũi nhọn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về xuất khẩu giày, với tổng sản phẩm khoảng 1 tỷ đôi mỗi năm, dự đoán đem về cho nền kinh tế nước nhà gần 22 tỷ USD, tính riêng trong năm 2019. Qua gần 30 năm phát triển, Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng vào top 30 trong ngành giày da Việt Nam với tổng doanh thu xuất khẩu hàng năm đạt hơn 100 triệu USD. Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giày Đông Hưng (TP.Dĩ An) cho biết, với trăn trở về một thương hiệu giày sản xuất tại Việt Nam, Đông Hưng Footwear Group đã cho ra mắt thương hiệu giày Hug. Toàn bộ sản phẩm Hug do ê-kíp nước ngoài phụ trách, từ khâu sản xuất đến tiêu chuẩn và giám sát chất lượng, để bảo đảm mỗi đôi giày đến tay người tiêu dùng đều có chất lượng ngang bằng các thương hiệu thế giới, cùng thiết kế thời thượng. Ông Lê cho biết Hug chính là đứa con tinh thần mới, thể hiện khát vọng của Đông Hưng. Ông kỳ vọng với “chất quốc tế, giá Việt”, Hug hứa hẹn là khởi đầu mới cho chặng đường phát triển tiếp theo của Đông Hưng.

Đánh giá đúng tiềm năng của thị trường

Chia sẻ về kinh nghiệm thị trường, ông Lê cho biết DN tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin và linh hoạt trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế. Đặc biệt, DN cần về thương hiệu, uy tín và chất lượng để làm ăn quy mô, dài hạn. Chỉ khi DN đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo cam kết thì những ưu đãi thuế quan mới phát huy hiệu quả, phát triển thị trường xuất khẩu của DN mới thực sự bền vững.

Là một DN nhỏ, song với những nỗ lực của mình sản phẩm của Công ty Kim Chung đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản. Bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung, cho rằng đối với DN sự chủ động đầu tư cho công nghệ và bảo đảm chất lượng sản phẩm là giải pháp để phát triển xuất khẩu bền vững. Với Công ty Kim Chung, kinh nghiệm chính là sự tích cực duy trì thị trường cũ, tìm thị trường mới và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Công ty vẫn giữ vững đà tăng trưởng nhờ xuất khẩu các sản phẩm cơ khí chính xác sang Đức, Mỹ, Nhật Bản...

Các DN ngành dệt may trong tỉnh lại cho rằng dẫu biết việc phát triển thương hiệu đi liền với xuất khẩu là rất quan trọng. Song đa số DN dệt may của tỉnh là nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường là một việc quá sức. Việc DN nỗ lực gia công cho các thương hiệu lớn là chiến lược khá an toàn ngay thời điểm này… Định vị một thương hiệu may mặc trên thị trường quốc tế không chỉ là câu chuyện một sớm một chiều. Dù biết cơ hội thị trường là rất lớn song đến thời điểm này vẫn không ít những rào cản cho việc định vị thương hiệu Việt. Theo ông Huỳnh Quang Thanh, điều này đòi hỏi các DN phải có chiến lược vừa sản xuất theo đơn hàng vừa đầu tư vào quy trình thiết kế, tiếp cận thị trường để có những bước đi vững vàng nhất (còn tiếp).

 Đối với lĩnh vực nông sản, một ngành đang nhận được sự trợ lực lớn từ Chính phủ và bộ ngành về mở rộng thị trường, ông Trịnh Hồng Quyết, Giám đốc HTX dưa lưới Kim Long (huyện Phú Giáo) cho biết việc tiếp cận, định vị lại thương hiệu tại thị trường Trung Quốc được coi là bước đi chiến lược mà các DN cần khai thác. Bởi thực tế hiện nay nếu cứ mãi mơ ước về “hào quang” để tiếp cận được với thị trường Âu, Mỹ vẫn còn khá khó khăn khi đây là thị trường khó tính, đòi hỏi về các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm rất khắt khe. Do đó, đối với ngành nông sản, muốn có bước đi bền vững thì nên tiếp cận thị trường Trung Quốc với việc đáp ứng tiêu chuẩn đề ra đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm...

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên