Lãi suất nên hạ ở mức hợp lý hơn

Cập nhật: 17-09-2011 | 00:00:00

Quyết định hạ lãi suất (LS)  huy động xuống mức 14% của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được nhiều chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá là tích cực. Tuy nhiên, theo họ, quyết định này mới chỉ dừng ở mức “thử phản ứng”. Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành thì khẳng định: “Khi huy động với LS 14% thì DN phải vay các ngân hàng thương mại (NHTM) ở mức 16 - 18%. Đó là một mức LS “chết”, không thể sản xuất - kinh doanh được”.

Những băn khoăn của DN

Cho ý kiến về vấn đề LS, ông Nguyễn Hữu Phải - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Bắc Giang cho biết: “Tất cả các DN đều rất vui trước quyết định này. Tuy nhiên, DN coi đây chỉ là một trong những liều thuốc bổ, động viên tinh thần”.

 Doanh nghiệp cần lãi suất hợp lý để có thể cạnh tranh 

Trước mong muốn LS cần tiếp tục hạ của các DN, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, bày tỏ băn khoăn: “Liệu chúng ta có đạt được hiệu quả bằng một quyết định hành chính hay không? Tôi sợ là người gửi tiền sẽ đến rút ra chứ không phải để trong ngân hàng. Điều mà chúng ta phải tính tới khi rất nhiều người rút tiền ra thì hệ quả sẽ như thế nào?”.

Trước những băn khoăn này, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành đặt vấn đề: Người dân ồ ạt rút tiền ra thì có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế hay không? Khi đưa ra quyết định hạ trần LS trong lúc CPI còn cao thì chắc chắn NHNN đã có tính toán sẽ có bao nhiêu người rút tiền ra và số lượng là bao nhiêu và sẽ có các hành động tiếp theo để giải quyết vấn đề.

NHNN có trách nhiệm điều tiết lưu lượng tiền ra - vào và lưu thông trong nền kinh tế để có biện pháp giải quyết. Nếu thiếu hụt thì NHNN phải “bơm” tiền ra để nền kinh tế đủ “huyết áp” làm việc. Khi đủ tiền trở lại thì rút bớt ra cho phù hợp với ổn định kinh tế bền vững.

Nhiều DN cho rằng, với mức LS 17 -18% như hiện nay, không DN nào có thể chịu đựng nổi. Ở mức 13 - 14% DN chỉ có thể tồn tại được. Nếu không tiếp tục hạ LS thì sau đây sẽ còn rất nhiều DN trì trệ, dẫn đến trì trệ cả hệ thống và cả nền kinh tế.

Từ thực tế này, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, NHNN không nên để một trần LS quá cao. Nếu huy động ở 14% thì cho vay phải ở mức 17 -18%. Đó là LS chết. DN không hoạt động được. LS cao là một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt các DN.

Giải bài toán LS và lạm phát

Phân tích rõ hơn về nguyên nhân gây lạm phát, ông Bùi Kiến Thành cho rằng, lạm phát bắt nguồn từ việc “cầu” kéo, cung không đủ cầu. Tình trạng này chỉ xảy ra ở Mỹ khi khả năng tiêu dùng quá cao. Tín dụng tiêu dùng của Mỹ chiếm 70% tổng tín dụng. Khi cầu nóng, người ta áp dụng biện pháp giảm cầu bằng công cụ LS để người tiêu dùng thấy “tiếc tiền” vì phải trả hàng trăm ngàn USD/tháng, nên phải “phanh” nhu cầu lại. Tương tự, DN đi vay LS cao thì phải giảm đầu tư, công suất, mua nguyên liệu để hạ nhiệt nền kinh tế. Vì thế, với các nước phát triển, khi thấy giá tiêu dùng tăng cao, lạm phát tăng thì sẽ tăng LS lên để giảm cầu. Thực tế, Việt Nam chưa đến mức thừa cầu để mà kéo đa phần người dân vẫn còn khó khăn về tiêu dùng. Trên 90% là tín dụng DN, còn lại là tiêu dùng.

Theo ông Bùi Kiến Thành, chúng ta áp dụng một giải pháp không liên quan gì đến nền kinh tế của mình. Khi tăng LS sẽ đánh vào tín dụng của DN, chi phí đầu vào, giá sản xuất... cuối cùng sẽ đẩy giá thành lên. Bản chất lạm phát của Việt Nam là do chi phí đẩy chứ không phải do “cầu” kéo. Nếu cứ đẩy LS lên sẽ phản tác dụng, góp phần đẩy lạm phát lên chứ không kiềm chế được. Chi phí đẩy đã khiến lạm phát tăng cao. Cho nên, muốn kéo lạm phát xuống thì phải kéo chi phí xuống. “DN Việt Nam lên võ đài chiến đấu với các lực sĩ thế giới mà phải đeo theo một “cục đá” ở chân thì sao chiến thắng được. Cho nên, vấn đề LS phải giải quyết nhanh chóng để DN có đủ điều kiện phát triển tốt nhất” - ông Bùi Kiến Thành nói.

Hiến cách hạ LS

Trong tình hình hiện nay, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành đưa ra quan điểm của mình về việc hạ LS. Theo đó, NHNN cần nhanh chóng chấm dứt tình trạng hỗn loạn, chạy đua LS bằng cách cung ứng lượng tiền cần thiết, cho NHTM vay vốn với LS hợp lý để NHTM không còn nhu cầu tranh đua huy động vốn. LS trên thị trường sẽ tức khắc hạ nhiệt.

Câu hỏi đặt ra ở đây là NHNN lấy đâu ra tiền để cho NHTM vay với LS thấp khi chính bản thân Chính phủ phải đi vay với LS cao? Theo ông Bùi Kiến Thành, câu hỏi này phát sinh từ sự nhầm lẫn giữa vai trò và quyền hạn của Chính phủ là một cơ quan hành pháp, và NHNN là một định chế tài chính quốc gia có trách nhiệm và quyền hạn điều tiết lưu lượng tiền tệ trong nền kinh tế. Chính phủ chỉ có quyền chi tiêu trong giới hạn của ngân sách được Quốc hội phê duyệt hàng năm. Trên nguyên tắc, trừ những trường hợp cá biệt, Chính phủ không có quyền hạn cho vay hoặc sử dụng ngân sách ngoài các lĩnh vực được Quốc hội thông qua.

Các biện pháp chế tài phải đủ sức răn đe để tránh khả năng vi phạm. Còn NHNN, theo ông Bùi Kiến Thành, là một định chế tài chính quốc gia được luật pháp (luật về NHNN) trao quyền phát hành tiền bạc và tín dụng không hạn định, mà nhiệm vụ là bảo đảm lưu lượng cần thiết cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững, không nhiều quá để sinh ra lạm phát khiến giá cả leo thang và không ít quá để sinh ra thiểu phát khiến cho hoạt động kinh tế đình đốn.

Ông Bùi Kiến Thành phân tích rõ hơn rằng, vì NHNN có quyền phát hành và không phải huy động vốn từ trong nhân dân nên không có LS huy động. Do vậy, NHNN có khả năng cung ứng cho NHTM lượng tiền cần thiết với LS thấp để NHTM cho DN vay lại với lãi hợp lý. Vấn đề là làm thế nào để điều tiết lượng tiền đầy đủ, không nhiều quá và cũng không ít quá, để bảo đảm kiềm chế lạm phát. Theo đó, chương trình cấp vốn cho hệ thống NHTM từ NHNN, có thể được triển khai căn cứ trong giới hạn tăng trưởng tín dụng đã quy định 20%, với mức LS 3 - 4% để NHTM cho DN vay lại với LS 7 - 8%. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được, tùy thuộc vào phương thức thực hiện và sự kiểm soát dòng tiền để không chảy qua lĩnh vực phi sản xuất, đầu cơ, gây ra lạm phát.

Các NHTM phải đăng ký tham gia chương trình và cam kết tuân thủ tất cả các quy định của chương trình. NHTM nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm trọng. Các biện pháp chế tài phải đủ sức răn đe để tránh khả năng vi phạm. Và khi phát hiện dấu hiệu vi phạm NHNN phải nhanh chóng thanh tra và xử lý. “Quyết định của NHNN là quyết định cuối cùng, không có khiếu nại hay khiếu kiện. NHTM nào thấy không đồng ý, không nhất thiết phải đăng ký tham gia vào chương trình này” - ông Bùi Kiến Thành khẳng định.

T.P (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên