Lãi vay sản xuất kinh doanh lập đỉnh 19%

Cập nhật: 18-11-2010 | 00:00:00

Lãi suất cho vay tại một số nhà băng hiện đã lên tới 16-19% một năm khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.

 

Ông Lê Việt Hà, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Hanco cho biết, thời điểm này công ty rất cần vốn để nhập nguyên phụ liệu sản xuất hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Thế nhưng, lãi suất hiện quá cao khiến doanh nghiệp đau đầu với bài toán lợi nhuận.

 

 Nhiều doanh nghiệp dành thu hẹp sản xuất khi lãi suất quá cao

Với lãi suất 16% một năm (trước đó chỉ khoảng 13%) cho khoản vay 50 tỷ đồng, lãi vay đã tăng thêm 1,5 tỷ đồng dù Hanco là khách hàng VIP nên được hưởng nhiều ưu đãi (với những doanh nghiệp khác, lãi vay từ 17-19%). Tuy nhiên, ông Hà cho biết vẫn phải cắn răng vay vì nếu không sẽ bị mất thị phần, công nhân mất việc... Vị lãnh đạo này dự kiến, Hanco sẽ phải chịu lỗ trong quý IV có nguyên nhân đến từ lãi vay tăng cao.

 

Một số doanh nghiệp cho biết sẽ phải điều chỉnh lại danh mục đầu tư và thu hẹp sản xuất trong đó cũng có nguyên nhân từ lãi vay ngân hàng. Giám đốc một công ty chuyên sản xuất khăn lạnh tại quận Tân Phú, TP.HCM than thở, xăng, điện, nguyên liệu đầu vào đều tăng, trong khi giá thành sản phẩm bán ra không thể tăng mạnh. Cùng với đó, chi phí thuê nhân công leo thang cộng với lãi vay cứ liên tục 'phi mã' khiến doanh nghiệp khốn khổ. "Nguyên nửa tháng nay, công ty đã phải cắt giảm 20 trong tổng số 100 nhân công", ông cho biết.

 

Tổng giám đốc của một công ty chuyên sản xuất, kinh doanh bánh kẹo tại quận Tân Bình cho biết, mức lãi suất mà các doanh nghiệp như công ty ông có thể làm ăn hiệu quả từ 12 - 14%. Khi lãi vay tăng lên 15-19% thì doanh nghiệp không thể chịu nổi. "Muốn có lãi. doanh nghiệp phải đạt lợi nhuận 20% trở lên. Điều này là rất khó làm trong bối cảnh hiện nay", ông nhấn mạnh.

 

Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM nhận xét: "Trước áp lực lạm phát, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thắt chặt tiền tệ là cần thiết nhưng cũng phải tính toán sao cho các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ không rơi vào con đường bế tắc".

 

Tuy nhiên, không chỉ doanh nghiệp kêu lãi suất cao mà cả nhà băng cũng than khó. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn có trụ sở tại TP.HCM lý giải, sau khi cơ quan chức năng phát tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ, nhiều ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động lên cao để thu hút vốn. Bản thân ngân hàng cũng phải tăng lãi suất để giữ khách hàng chứ không phải để huy động thêm. "Khi mặt bằng huy động đã từ 13-15% thì lãi vay không thể thấp được. Điều này cũng khiến tỷ suất lợi nhuận của nhà băng giảm mà rủi ro thì tăng cao hơn", ông nói.

 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM thừa nhận, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay đối với kinh doanh sản xuất trên địa bàn TP.HCM dao động 15-17%, còn phi sản xuất là 17-20% là khá cao. "Chúng tôi đang yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát lại các khoản cho vay. Sau đó, sẽ tổng hợp và báo cáo tình hình lên Ngân hàng trung ương để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp', ông Minh cho biết.

 

Trao đổi với báo giới, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, khi lãi suất huy động tăng cao thì mặt bằng cho vay cũng sẽ được điều chỉnh. "Điều này sẽ khiến cho một số dự án đầu tư của doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng đó cũng là một quá trình sàng lọc những hoạt động kinh doanh không đủ hiệu quả", ông này nói.

 

Vị quan chức này thông tin thêm, mặt bằng lãi suất hiện nay sẽ khó tăng thêm vì Ngân hàng Nhà nước đã có can thiệp hợp lý để giữ thị trường ổn định. Khi lạm phát giảm xuống thì mức lãi suất trên thị trường cũng sẽ hạ nhiệt và doanh nghiệp lúc đó lại thấy "dễ thở hơn".

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên