Làm gì để giữ chân người tài?

Cập nhật: 06-07-2011 | 00:00:00
Theo số liệu báo cáo của ngành y tế, tính đến giữa năm 2011 số cán bộ y tế (CBYT) hệ công lập toàn tỉnh là 3.052 người (trong đó trên đại học là 245 người, đại học là 559 người), tăng hơn 200 người so năm 2010; Song cũng có hàng trăm người đã nghỉ việc. Đáng quan tâm nhất là trong số này có nhiều người vào hàng “sao” của y tế công lập đã nghỉ việc ở các bệnh viện công để ra ngoài làm “tư”!  Các y bác sĩ Khoa cấp cứu BVĐK tỉnh luôn vất vả trong cấp cứu bệnh nhân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị: “Lãnh đạo tỉnh biểu dương những thầy thuốc, dù đời sống có khó khăn, công việc cực nhọc, vẫn tâm huyết bám bệnh viện công, hết lòng, hết sức chăm sóc sức khỏe nhân dân.”

Do kinh tế của tỉnh Bình Dương phát triển nhanh, ngành y tế cũng được xã hội hóa mạnh mẽ. Các thành phần kinh tế khác đầu tư nhiều BV, phòng khám đa khoa. Và đã có rất nhiều CBYT ở các BV công, chuyển công tác sang các BV ngoài công lập. Vì hệ thống ngoài công lập ưu đãi hơn, có thù lao cao hơn.

Về sự đãi ngộ CBYT công lập trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương cũng đã có sự đãi ngộ đối với các ngành văn hóa xã hội về nhà ở và đào tạo. Cách đây 3 năm tỉnh có xây nhà công vụ cho CBYT và giáo dục nhưng CBYT vào ở rất ít. Nhà nước cũng có chế độ đào tạo nhân tài: Như cho thời gian để đi học: người đi học tập trung, không làm việc, nhưng vẫn hưởng lương đầy đủ, còn có tiền thưởng. Tỉnh còn thanh toán cả tiền mua tài liệu sách vở, học phí...

Tuy nhiên, phải công nhận rằng đối với nhân lực trong hệ thống công lập nói chung, đối với ngành y tế nói riêng, thù lao chưa tương xứng, nhu cầu sinh hoạt chưa được bảo đảm. Nên vừa qua có sự dịch chuyển mạnh nhân lực từ y tế công sang y tế ngoài công lập.

Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi đối với CBYT công: không cần phải ngang bằng ngoài công lập, mà gần bằng, khoảng một bảy, một mười là được. Riêng ở tỉnh ta, tôi sẽ đề xuất với HĐND tỉnh có những chính sách đãi ngộ nhân lực đối với các mảng ngành văn xã, hành chính sự nghiệp, nhất là đối với ngành y tế; ví dụ như tăng tiền phụ cấp, nhà ở...

Tuy có sự dịch chuyển, song chúng ta thấy đội ngũ CBYT hệ công lập, không tính toán so đo về thu nhập, mà ngày càng tâm huyết với nghề, với người bệnh, rất đáng biểu dương.

 

Bác sĩ CKII Ngô Dũng Nghĩa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết: “Nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao, gây quá tải về cơ sở vật chất và cả việc phục vụ người bệnh của đội ngũ CBYT. Hiện đội ngũ CBYT tại BVĐK tỉnh là 877 người. Năm 2010, đội ngũ giảm 41 người. Trong đó về hưu là 20, nghỉ việc 12, chuyển công tác 8, chấm dứt hợp đồng lao động 1. Đa số đây là những người giỏi chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm. Từ năm 2010 đến nay, tuy BV đã thu thêm gần 100 người nhưng do có gần 100 người đang đi học nên vẫn không thể bù đắp được số người đã nghỉ. Hiện BV vẫn rất thiếu nhân lực, nhất là người giỏi, kinh nghiệm.”

 

Bác sĩ CKII Huỳnh Thị Kim Chi, Giám đốc BV Phụ sản Bán công Bình Dương, tuy phân nửa là tư, vẫn bị rò rỉ nhân lực: “Một số người của BV chúng tôi đã được BV tư khác mời chào làm việc, trả lương gấp 3-4 lần ở đây. Thế là họ đã ra đi. Dĩ nhiên là có thiếu người; Song, đáng quý nhất vẫn là những người ở lại. Họ vẫn cần mẫn làm tốt việc của số và còn gồng gánh cả việc của người đã bỏ đi. Trong số này có cả những người đã được BV đưa đi đào tạo, lãnh đạo BV tin cậy truyền nghề, quy hoạch “đội ngũ kế thừa” từ bao năm qua”. Theo bác sĩ Chi: “ Rất buồn, rất đau lòng. Vì ngoài việc dạy nghề, chúng tôi còn dạy về tình yêu nghề, yêu thương bệnh nhân, y đức. Cũng biết rằng họ vẫn hành nghề y, vẫn chăm lo cho bệnh nhân. Nhưng có khác, chỗ công lập, và chỗ bán công là chăm sóc đại trà, đa số là người nghèo, mức sống thấp. Còn ra đi là để phục vụ cho một bộ phận người có mức sống cao.”

Để có đủ nhân lực tham gia chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, toàn ngành y tế đang tích cực đào tạo và thu hút nhân tài. Hiện toàn tỉnh Bình Dương có 3.039 sinh viên, học sinh đang theo học các lớp tại trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) Bình Dương.

Từ năm học 2011-2012, trường CĐYT Bình Dương được Bộ Giáo dục - Đào tạo thẩm định mở thêm 2 ngành đào tạo mới là Cao đẳng Dược và Hộ sinh, sẽ thuận lợi trong việc tăng cường đào tạo, cung cấp nhân lực 2 mảng ngành này. Quý 1 năm 2011, Sở Y tế đã cử đi học: 197 người, gồm cao đẳng nghề, đại học kế toán, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Đăng ký đào tạo công nghệ: 85 người, ngạch chuyên viên 57 người, và chuyên viên chính 3 người, ngạch chuyên viên cao cấp 1 người. Cử đi nước ngoài 18 người.

Người dân trong tỉnh hẳn còn nhớ phương châm của tỉnh trong thời kỳ đổi mới: “Trải chiếu hoa thu hút nhân tài...”. Và chế độ chính sách trong đào tạo, thu hút CBYT đã được tỉnh quan tâm: các chế độ lương thưởng, học phí... Nhưng xem ra vẫn chưa hấp dẫn, thu hút CBYT đến, giữ người ở lại bám ngành, bám nhiệm sở, làm việc lâu dài.

Giải pháp chống “chảy máu” chất xám trong ngành y tế, thiết nghĩ cần có thêm chế độ ưu đãi cho CBYT. Đặc biệt là ở tuyến dưới: tuyến huyện, tuyến xã, bảo đảm đời sống, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao từ BV tuyến trên.

Trong khu đất quy hoạch xây dựng hàng loạt bệnh viện công BV, tỉnh Bình Dương còn hình thành 1 khu nhà ở dành cho 360 CBYT. Trong khi chờ đợi, tỉnh Bình Dương cần có ngay chế độ ưu đãi đối với cán bộ y tế, góp phần khắc phục tình trạng “chảy máu” chất xám, đau lòng người đi, kẻ ở. Vì họ chính là những người đang ở mặt trận quan trọng, cam go: ngày ngày đấu tranh với bệnh tật, tai nạn thảm khốc, để bảo vệ, thậm chí là giành giật sự sống, tính mạng cho nhân dân.

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên