Làm gì để thoát nghèo bền vững?

Cập nhật: 12-07-2011 | 00:00:00

Sau 5 năm (2006-2010) thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, Bình Dương đã cơ bản thoát nghèo trước thời hạn 2 năm so với Nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ đề ra giai đoạn 2006-2010. Số hộ nghèo giảm nhanh (tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất nước).

Vượt khó vươn lên

Từ những kết quả đạt được trong việc thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu giảm nghèo Bình Dương giai đoạn 2006-2010: trên 2/3 số huyện và số xã đã cơ bản đạt chỉ tiêu thoát nghèo. Hàng chục ngàn hộ nghèo đã nỗ lực vươn lên, với sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng đã thoát nghèo thật sự bền vững và nhiều hộ trở nên khá giả, giàu có.

  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị trao học bổng P&G cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi

Hộ anh Nguyễn Văn Hoanh, ở xã Phước Sang, Phú Giáo là một trong những gia đình tiêu biểu thoát nghèo bền vững ở địa phương. Năm 2005, gia đình anh Hoanh có 5 nhân khẩu, cuộc sống khó khăn. Một mình anh Hoanh phải cáng đáng tất cả mọi việc nặng nhọc, thu nhập của anh thấp nên cuộc sống gia đình khó khăn lại càng thêm khó khăn. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình anh được vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi và được chính quyền địa phương hướng dẫn chuyển giao phương thức cũng như khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, khai thác mủ cao su. Trải qua những năm khó khăn, đến nay gia đình anh đã có công ăn việc làm và có đàn bò cho thu nhập ổn định. Nhờ đó từ năm 2009 đến nay, hộ anh Hoanh đã chính thức thoát nghèo bền vững.

Nếu như trường hợp trên thoát nghèo nhờ sản xuất thì hộ anh Mai Văn Bảy, ở xã Tân Định, huyện Tân Uyên cũng vừa được địa phương công nhận là hộ thoát nghèo bền vững nhờ phát triển chăn nuôi và trồng nấm. Hiện gia đình anh có 6 nhân khẩu, 3 người con học đại học, còn lại gia đình có 2 lao động chính và 0,6 ha đất nông nghiệp. Trao đổi với chúng tôi, anh Bảy tâm sự: Thuộc hộ nghèo ở địa phương, năm 2008, gia đình anh Bảy được  vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách để nuôi bò sinh sản. Sau 2 năm gia đình anh đã có được 2 con bê. Đến năm 2009, anh Bảy được Hội Nông dân của xã dạy nghề trồng nấm và tiếp tục được vay thêm 15 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Toàn bộ số tiền này, anh đã đầu tư vào trồng nấm, mỗi ngày bán nấm được 150.000 đồng, trừ chi phí mỗi tháng lãi khoảng 4 triệu đồng. Ngoài trồng nấm, anh Bảy còn nuôi gà thả vườn mỗi tháng lãi khoảng 3,5 triệu đồng. Hiện tại gia đình anh vừa mới mở miệng cạo được 500 cây cao su trồng quanh nhà, mỗi ngày cạo mủ cho thu nhập khoảng 800.000 đồng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, cuối năm 2010, anh Bảy đã trả hết gốc cho ngân hàng và có nguồn thu nhập để nuôi con ăn học.

Chương trình giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là chính sách hết sức đúng đắn, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Chương trình thể hiện được tính nhân văn, tính cộng đồng chia sẻ khó khăn giúp đỡ người nghèo. Nó là tiền đề, tác động tích cực về tâm lý, tinh thần để người nghèo phấn đấu lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo hòa nhập cùng cộng đồng. Anh Cao Văn Minh, ở xã Hiếu Liêm chia sẻ: “Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, bản thân và gia đình hãy cố gắng phấn đấu cần cù trong lao động sản xuất, tiết kiệm trong chi tiêu, có tinh thần ý chí vươn lên thì gia đình sẽ được ấm no, hạnh phúc trong tương lai”.

Nhiều giải pháp đồng bộ

 Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 của Bình Dương đã kết thúc, chuẩn nghèo của tỉnh áp dụng cho giai đoạn này đã được nâng lên và điều chỉnh 2 lần phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bằng những chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo của tỉnh Bình Dương áp dụng cho giai đoạn 2006-2010 cao gấp 2 lần chuẩn nghèo quốc gia và đến cuối năm 2010 Bình Dương đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của tỉnh theo Nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ đề ra. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đầu năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 8,9%, đến cuối năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,99%, vượt kế hoạch giai đoạn 2006-2010 trước 2 năm. Giai đoạn 2009-2010, Bình Dương nâng tiêu chí hộ nghèo lên cho phù hợp với tình hình mới. Với chuẩn nghèo như vậy, cuối năm 2010, Bình Dương giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra theo chuẩn nghèo mới của tỉnh giai đoạn 2009-2010 (trong khi tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước 10%). Như vậy, Bình Dương là một trong những tỉnh, thành trong cả nước có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất. Đạt được kết quả như trên, Bình Dương có những chính sách đột phá riêng để áp dụng cho chương trình mục tiêu giảm nghèo phù hợp với môi trường phát triển về kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế của từng địa phương, như: Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, trong 5 năm qua Ngân hàng chính sách xã hội Bình Dương tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, đến nay đã có 8 chương trình cụ thể như chương trình cho hộ nghèo vay, cho vay giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên, chương trình nước sạch môi trường nông thôn, sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ làm nhà ở và cho vay chuyển đổi xe thô sơ ba, bốn bánh bị cấm lưu hành cho hộ gia đình nghèo, khó khăn. Chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa, tinh thần cho hộ nghèo, người nghèo và các chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước dành cho hộ nghèo, người nghèo. Phong trào “Lá lành đùm lá rách”, “An cư lạc nghiệp” là một trong những sáng tạo mà Bình Dương đã thực hiện để giúp người nghèo nhanh chóng thoát nghèo. Đây được xem là một trong những chính sách “đặc trưng” của Bình Dương không dùng kinh phí Nhà nước mà chỉ sử dụng kinh phí từ “Quỹ vì người nghèo” ở các cấp để xây tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Chương trình mục tiêu giảm nghèo đã góp phần thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững, giúp Bình Dương tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng thành phố Bình Dương trong tương lai.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Quốc Bình: Giúp đỡ kịp thời, hiệu quả những hộ nghèo

Chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương đã đi vào giai đoạn mới, nhiều giải pháp được đặt ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Như vậy, đến cuối năm 2010, Bình Dương cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo. Bước sang năm 2011, Bình Dương đã thực hiện áp dụng chuẩn nghèo mới giai đoạn 2010-2015. Thực hiện chuẩn nghèo mới, ước tính tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 10%, toàn tỉnh sẽ có khoảng hơn 15.000 hộ nghèo và có khoảng hơn 7.000 hộ cận nghèo. Dự kiến, mỗi năm sẽ phấn đấu giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo, như vậy đến cuối năm 2015 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới. Để tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương trong giai đoạn 2011-2015 có hiệu quả, Bình Dương xem đây là một trong những công tác trọng tâm thường xuyên trong chương trình hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Thực hiện nhất quán quan điểm, phương châm của Đảng ta: Phát triển kinh tế gắn liền với giải quyết tốt các chính sách an sinh xã hội. Kêu gọi truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và ý thức trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng mô hình nông thôn mới; duy trì ổn định phát huy hệ thống tổ chức cán bộ chuyên trách giảm nghèo ở xã, phường. Tăng cường tiếp xúc, kiểm tra, giúp đỡ kịp thời những hộ nghèo phát sinh...

 

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) đã đánh giá: chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương được các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và nhân dân tham gia tích cực. Đã huy động được nhiều nguồn vốn cho các đối tượng nghèo vay, góp phần giảm trên 21.000 hộ nghèo. Năm 2008, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí cũ (Nghị quyết đến năm 2010 cơ bản không còn hộ nghèo). Năm 2010, còn khoảng 2% hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh ban hành năm 2009). Theo phương hướng mục tiêu đến năm 2015, chú trọng các chương trình phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm và giảm nghèo, ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015, phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản xóa hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh.

Bình Dương đã xây 7.549 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, mái ấm tình thương cho hộ nghèo, với tổng số tiền hơn 68 tỷ đồng. Cấp 100% thẻ BHYT cho người nghèo, miễn giảm phí cho học sinh nghèo diện chính sách. Vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao học bổng, tặng dụng cụ học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trị giá hàng tỷ đồng.

 

Kỳ 2: Làm gì để thoát nghèo bền vững

VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên